Chủ nhật, 24/11/2024, 02:20[GMT+7]

Phòng, chống rét cho đàn vật nuôi

Thứ 4, 23/01/2019 | 14:51:55
1,119 lượt xem
Theo dự báo, thời gian tới, thời tiết liên tục có sự thay đổi khi xuất hiện các đợt không khí lạnh, trời rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống thấp kèm theo mưa. Trước diễn biến của thời tiết, cơ quan chuyên môn khuyến cáo các địa phương tập trung tuyên truyền người dân chú trọng công tác phòng, chống rét cho đàn vật nuôi.

Thắp đèn sưởi ấm cho đàn vật nuôi.

Chăn nuôi gia cầm với số lượng lớn, gia đình ông Bùi Văn Riền ở thôn Đông Dương, xã Thụy Dũng (Thái Thụy) luôn chủ động trong việc chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi. 

Ông Riền cho biết: Trang trại thường xuyên nuôi hơn 2.000 con ngan, gà, vịt đẻ. Hàng ngày tôi theo dõi tình hình thời tiết qua các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp cụ thể phòng, chống rét cho đàn gia cầm. Ngay từ khi bước vào mùa đông, tôi đã chủ động gia cố, tu sửa, che chắn chuồng trại, bảo đảm nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ. Vào những ngày rét đậm, rét hại, tôi lắp thêm bóng đèn và các thiết bị sưởi ấm cho gia cầm. Đồng thời, bổ sung khoáng chất và vitamin tổng hợp vào thức ăn nhằm nâng cao sức đề kháng cho gia cầm. Nhờ vậy, đàn vật nuôi của gia đình đang được bảo vệ an toàn.

Không chủ quan trước tác động của yếu tố thời tiết, bà Trịnh Thị Thiết ở thôn Lê Lợi, xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình) cũng đã che chắn chuồng trại, chuẩn bị thức ăn và làm “áo ấm” cho đàn bò của gia đình. 

Bà Thiết cho biết: Hiện nhà tôi đang nuôi 4 con bò sinh sản trị giá hàng trăm triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình nên bảo vệ đàn bò là bảo vệ tài sản của gia đình. Ngoài việc gia cố chuồng trại để hạn chế gió lùa, dự trữ thức ăn, tôi còn dùng chăn cũ, bao tải gai làm áo giữ ấm cho đàn bò; đồng thời, cho bò ăn và uống bằng nước ấm có bổ sung muối để tăng thân nhiệt; tuyệt đối không chăn thả bò khi nhiệt độ ngoài trời dưới 12oC.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 54.000 con trâu, bò, hơn 1 triệu con lợn và hơn 13 triệu con gia cầm các loại. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi do tác động của thời tiết, ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho đàn vật nuôi. Cụ thể: làm mới hoặc sửa chữa, củng cố chuồng trại bảo đảm đủ diện tích, che chắn tránh mưa hắt, gió lùa, giữ nền chuồng khô ráo, có đủ chất độn chuồng; cần nuôi nhốt gia súc, gia cầm trong chuồng trại, làm áo ấm cho trâu, bò và sưởi ấm cho vật nuôi bằng cách đốt củi, than, thắp bóng điện trong những ngày nhiệt độ xuống thấp. Chú ý tăng cường chế độ dinh dưỡng cho vật nuôi (tăng thức ăn nhiều tinh bột và cho uống nước ấm pha muối loãng đối với đàn trâu, bò; tăng khẩu phần ăn từ 15 - 20% đối với lợn và gia cầm sinh sản; đồng thời, bổ sung thêm thuốc bổ, các men tiêu hóa cho vật nuôi). Chính quyền cơ sở và người chăn nuôi chú trọng công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, xung quanh khu vực chăn nuôi để kiểm soát dịch bệnh phát sinh, lây lan trong điều kiện sức đề kháng của vật nuôi bị ảnh hưởng do rét. Tăng cường giám sát và khai báo dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y các cấp, đặc biệt tập trung giám sát dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng trên gia súc, dịch cúm trên gia cầm có nguy cơ phát sinh trong điều kiện thời tiết rét, độ ẩm cao như hiện nay. Khi gia súc, gia cầm có biểu hiện ốm, chết phải báo cáo với chính quyền thôn, cán bộ thú y địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các biện pháp cụ thể phòng, chống rét cho đàn vật nuôi ở các địa phương.

Với sự chỉ đạo sát sao của ngành chăn nuôi cùng sự chủ động chuẩn bị các điều kiện bảo vệ đàn gia súc, gia cầm ở các địa phương sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết gây ra, góp phần bảo đảm cho sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định.


Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày