Thứ 5, 28/11/2024, 04:49[GMT+7]

Đoàn ra, đoàn vào: Giải pháp nào để nâng cao hiệu quả quản lý?

Chủ nhật, 03/02/2019 | 17:24:19
4,766 lượt xem

Sản xuất thú nhồi bông của Công ty TNHH Nam Dong Việt Nam (Quỳnh Côi, Quỳnh Phụ). Ảnh: Thành Tâm

Năm 2018 - năm bản lề giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, giai đoạn nước rút đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Thái Bình tự hào ghi thêm những mốc son vàng trong phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng đạt mức 2 con số, là một tỉnh có tốc độ tăng trưởng tốp đầu vùng đồng bằng sông Hồng. Trong thành tựu chung đó, có dấu ấn quan trọng của công tác đối ngoại địa phương, trọng tâm là việc tổ chức và quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài (đoàn ra) và đón tiếp các đoàn nước ngoài vào tỉnh (đoàn vào) mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Trong những năm qua, số lượng đoàn ra, đoàn vào trên địa bàn tỉnh Thái Bình ngày càng tăng. Nếu như năm 2015 chỉ có 36 đoàn ra với 70 lượt người đi nước ngoài, 68 lượt đoàn vào với 245 lượt người nước ngoài vào làm việc tại tỉnh thì năm 2018, có 62 đoàn ra với 111 lượt người (tăng 26 đoàn, 41 lượt người) và 132 đoàn vào với 491 lượt người (tăng 64 đoàn, 246 lượt người). Các đoàn ra và đoàn vào tập trung ở các quốc gia có mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, mối quan hệ kinh tế phát triển, có nhiều dự án đầu tư vào Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc. Mục đích chính của các đoàn vào là tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh và triển khai các dự án tại tỉnh. Ngoài ra, tỉnh còn đón nhiều đoàn vào tham gia các dự án nhân đạo, từ thiện, triển khai các hoạt động dự án do đối tác nước ngoài, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ. Qua đó, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho một bộ phận người dân các địa phương trong tỉnh.

Công tác quản lý đoàn ra, đoàn vào trên địa bàn tỉnh trong những năm qua được thực hiện khá hiệu quả, bám sát các quy định của pháp luật hiện hành, bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương, giúp tỉnh thiết lập được mối quan hệ hợp tác hữu nghị với địa phương, các đối tác, tập đoàn lớn của các nước: Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Hàn Quốc... Điều quan trọng là từ chính hoạt động của các đoàn ra, đoàn vào đã góp phần thu hút đầu tư, hỗ trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài phục vụ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương. Minh chứng thực tế thuyết phục nhất là thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp tăng mạnh cả về số dự án và số doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới; trong đó, đã thu hút được một số tập đoàn kinh tế lớn cùng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu, thực hiện đầu tư, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế của tỉnh phát triển. Số dự án cũng như vốn FDI đầu tư vào tỉnh có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tại thời điểm tháng 11/2018, toàn tỉnh có 76 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư trên 596 triệu USD (năm 2013 mới chỉ có 50 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 353 triệu USD), 13 dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đang triển khai thực hiện với tổng số vốn ODA là 1.585 tỷ đồng. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng tạo đà phát triển vững chắc cho kinh tế Thái Bình trong năm 2018 với GRDP tăng 10,53%, giá trị sản xuất tăng 12,25% so với năm 2017; bình quân 3 năm 2016 - 2018, GRDP tăng 10,2%/năm, vượt xa mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra (8,6%/năm).
Có thể nói việc quản lý các đoàn ra, đoàn vào trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nền nếp, bám sát chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại địa phương. Song, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động quản lý này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Các đoàn đi công tác nước ngoài nhằm phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư đôi khi chưa thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, nhất là sự tham vấn của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Ngoại giao. Hiệu quả kinh tế - xã hội thu được từ việc quản lý đoàn ra, đoàn vào chưa thực sự như mong đợi. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do không ít cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương và một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa nhận thức đúng đắn, toàn diện về công tác ngoại vụ địa phương nói chung, về các quy định đối với đoàn ra, đoàn vào nói riêng. Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành chưa được thực hiện thường xuyên, hình thức xử lý vi phạm chưa cụ thể; chưa có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tham gia quản lý; nhân lực làm công tác đối ngoại của các cơ quan đơn vị chưa được quan tâm đúng mức.

Trong những năm tới, với chính sách cởi mở, thu hút đầu tư nước ngoài vào khu kinh tế Thái Bình cũng như các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh, sẽ có nhiều nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế, kỹ thuật đến khảo sát cơ hội đầu tư, hợp tác với các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ quan tâm, chú trọng đến việc cử các đoàn lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên của tỉnh trực tiếp đi khảo sát, học tập mô hình quản lý, tổ chức các hoạt động, hội thảo xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh ở nước ngoài. Để quản lý chặt chẽ các đoàn ra, đoàn vào trên địa bàn tỉnh, bảo đảm việc tổ chức đi công tác nước ngoài thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, nâng cao hiệu quả của đoàn ra, đoàn vào, góp phần quan trọng trong việc ổn định chính trị, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về hoạt động đối ngoại trong tình hình mới cần phải thực hiện đồng bộ, toàn diện năm giải pháp:

Một là, xây dựng cơ chế phối hợp quản lý đoàn ra, đoàn vào giữa Sở Ngoại vụ với các cơ quan trong tỉnh có liên quan trong tổ chức, quản lý đoàn ra về xúc tiến đầu tư, thương mại tại nước ngoài, bảo đảm an ninh trật tự các đoàn vào làm việc tại tỉnh; trong công tác vận động, xúc tiến viện trợ phi chính phủ nước ngoài vào tỉnh.

Hai là, tìm kiếm, mở rộng các kênh tham vấn, hỗ trợ trong tổ chức quản lý các đoàn ra do lãnh đạo tỉnh dẫn đầu; thiết lập quan hệ với các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự của Việt Nam tại các quốc gia mà tỉnh có nhu cầu hợp tác.

Ba là, đẩy mạnh công tác tham mưu, tạo hành lang pháp lý vững chắc để quản lý đoàn ra, đoàn vào; cụ thể là tham mưu ban hành quy chế phối hợp quản lý đoàn ra, đoàn vào trên địa bàn tỉnh, sửa đổi quy chế thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại của tỉnh.

Bốn là, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác ngoại vụ địa phương thông qua việc nâng cao trách nhiệm, chất lượng hoạt động công vụ; thực hiện công tác tổ chức, cán bộ một cách sáng tạo; tổ chức các hoạt động bồi dưỡng thiết thực, hiệu quả.

Năm là, tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách của tỉnh tới kiều bào, doanh nghiệp nước ngoài nhằm thu hút ngày càng nhiều hơn các dự án FDI, NGO, sự quan tâm, ủng hộ của kiều bào người Thái Bình trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiếp tục thực hiện chặng đường còn lại của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng và tập trung triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa tạo thời cơ, mở ra vận hội phát triển rộng lớn, vừa đặt nhiệm vụ ngày càng phức tạp và nặng nề với công tác đối ngoại. Hoạt động đối ngoại địa phương với vai trò của mình, vì thế cũng không thể khác, càng cần phải tập trung cao độ đẩy mạnh hội nhập quốc tế phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương. Triển khai đồng bộ, sáng tạo và linh hoạt các nội dung hoạt động đối ngoại địa phương, đặc biệt là quyết liệt thực thi các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đoàn ra, đoàn vào, Thái Bình sẽ khai thác tối ưu các mối quan hệ với đối tác nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo thế và lực mới hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần quan trọng vào thành tựu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trần Huy Hải
Giám đốc Sở Ngoại vụ