Thứ 3, 26/11/2024, 05:23[GMT+7]

Đông Hưng: Nông dân xuống đồng gieo cấy lúa xuân

Thứ 2, 18/02/2019 | 08:50:39
1,262 lượt xem
Từ ngày 4 tết đến nay, nông dân nhiều địa phương trên địa bàn huyện Đông Hưng đã tranh thủ thời tiết thuận lợi xuống đồng sản xuất vụ xuân.

Cấy máy bằng mạ khay trên cánh đồng xã Đông Động (Đông Hưng). Ảnh: Thu Hiền

Mới hơn 7 giờ sáng nhưng trên các cánh đồng của xã Mê Linh, bà con nông dân đã ra đồng cấy lúa xuân. Tất cả đều hối hả để bảo đảm khung thời vụ tốt nhất. 

Chị Phạm Thị Thơm ở thôn Hậu cho biết: Ngay từ mùng 4 tết, gia đình tôi đã ra đồng cấy 2 mẫu lúa với giống chất lượng cao. Trước đây, 100% diện tích đều gieo thẳng song từ khi nhận được khuyến cáo về tác hại của việc phun thuốc trừ cỏ xuống ruộng trước khi gieo thẳng với môi trường nên gia đình đã chuyển sang cấy tay truyền thống và thuê máy cấy mạ khay về cấy cho nhanh. Đến nay, cơ bản diện tích của gia đình đã cấy xong. 

Xã Mê Linh từng dẫn đầu huyện về diện tích gieo thẳng (chiếm gần 100%) song đến nay diện tích gieo thẳng đã giảm xuống còn rất thấp. Toàn xã có khoảng 360ha đất nông nghiệp, vụ xuân năm nay nông dân tập trung gieo cấy các giống lúa chất lượng cao như lúa Nhật, Đài thơm 8, T10, Bắc thơm số 7... 

Ông Nguyễn Văn Linh, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Từ thành công của việc sản xuất lúa Nhật có bao tiêu sản phẩm từ vụ trước, vụ xuân năm 2019, HTX tiếp tục triển khai 3 mô hình sản xuất lúa hàng hóa trên cánh đồng lớn, thu hút 150 hộ xã viên tham gia, gồm: mô hình cấy lúa giảm phát thải khí nhà kính 10ha, lúa Đài thơm 8 là 10ha và 5ha lúa Nhật. HTX đã ký với Công ty TNHH Thuận Khang cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đối với các mô hình trên. Hiện bà con nông dân đang tích cực ra đồng sản xuất lúa xuân, HTX chủ động cung cấp nước cho toàn bộ diện tích và cung ứng vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng phục vụ sản xuất.    

Cũng ra đồng từ sáng mùng 4 tết, chị Phạm Thị Thủy ở xã Đông Động đảm nhận nhiệm vụ chuyển mạ ra ruộng còn chồng chị thì điều khiển máy cấy mạ khay cấy cho các gia đình trong xã và các xã lân cận. 

Chị Thủy cho biết: Thời tiết đầu xuân hơi se lạnh, không mưa, rất thuận lợi cho việc gieo cấy. Mùng 4 tết, vợ chồng tôi đã đưa máy cấy ra đồng khai xuân. Do thiếu nhân lực và mặt bằng để gieo mạ khay nên mỗi vụ gia đình chỉ nhận cấy trên 50 mẫu và trên 20 mẫu ruộng của gia đình. Hai vợ chồng cấy thuê từ sáng sớm tới tối bảo đảm thời vụ cho bà con.

Đông Xá là một trong những xã dẫn đầu huyện về trồng cây vụ đông, do vậy một phần diện tích trồng rau màu phục vụ tết của bà con không thể cày ải sớm. 

Ông Nguyễn Văn Thưởng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đông Xá phấn đấu cấy xong lúa xuân trước ngày 25/2/2019 nên ngay từ trong tết đã chỉ đạo HTX DVNN tuyên truyền, vận động bà con khẩn trương thu hoạch toàn bộ diện tích rau màu, tổ chức khơi thông hệ thống mương máng, lấy nước vào đồng ruộng, huy động máy cày, máy bừa ra đồng làm đất cho bà con gieo cấy đúng khung thời vụ. 

Chị Bùi Thị Thắm, thôn Tây Bình Cách cho biết: Vụ đông năm 2018, gia đình trồng trên 1 mẫu rau màu, trước tết đã thu hoạch cơ bản, thu đến đâu tôi thuê máy làm đất ngay đến đó, hiện máy đã cày bừa xong. Sau tết, tôi đã cấy được trên 1 mẫu trong tổng số 1,5 mẫu lúa xuân của gia đình.

Vụ xuân năm 2019, huyện Đông Hưng phấn đấu gieo cấy gần 11.500ha, trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm từ 35 - 40%, tập trung vào các giống lúa có thị trường tiêu thụ tốt như Bắc thơm số 7, T10, lúa Nhật, TBR225... 

Đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để vụ xuân năm 2019 giành thắng lợi, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng triệt để biện pháp “3 giảm, 3 tăng”, ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI, phương pháp gieo cấy hiệu ứng hàng biên, cấy máy mạ khay... Với giống lúa thuần chất lượng cao chỉ cấy ở đất vàn, đất tốt, tưới, tiêu chủ động, không cấy giống BC15, TBR225 tại các vùng chua trũng, vùng dễ nhiễm bệnh đạo ôn. Các địa phương chủ động làm tốt việc điều tiết nước vào đồng ruộng. Để nông dân yên tâm bám đồng, bám ruộng, hạn chế ruộng bỏ hoang, ngoài cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh như hỗ trợ kinh phí diệt chuột, mua máy cấy, hỗ trợ nông dân tích tụ ruộng đất lúa với quy mô từ 2ha trở lên, liền thửa để phát triển sản xuất hàng hóa, huyện cũng hỗ trợ 100% giống lúa cho mô hình gieo cấy giống lúa mới từ 5 - 10ha.

Cùng với đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành gieo cấy lúa xuân, ngành Nông nghiệp huyện còn hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, diệt trừ ốc bươu vàng, chuột, làm tốt công tác dự báo phát hiện và phòng, trừ kịp thời các loại sâu bệnh phát sinh trên đồng ruộng.

Thu Hiền