Hải Phòng: Hiệu quả từ xây dựng nông thôn mới
Những ngày này, có mặt tại các huyện nông thôn của thành phố Hải Phòng, chúng tôi được nhiều người dân chia sẻ niềm vui, phấn khởi với diện mạo làng quê đã có nhiều thay đổi. Hệ thống trường học, công trình giao thông, trạm xá, nhà văn hóa… đã được đầu tư, xây dựng cùng phong trào xây dựng nông thôn mới.
Đạt được kết quả này là do thành phố đã quan tâm ưu tiên đầu tư nguồn lực lớn cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính riêng trong năm 2018, UBND thành phố Hải Phòng đã sử dụng trên 860 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới cấp xã (50 xã còn lại của chương trình xây dựng nông thôn mới) theo hướng đồng bộ, hiện đại. Các địa phương đã tiếp nhận hơn 22 nghìn tấn xi măng và đã thi công trên 100 km đường giao thông. Đến nay, Hải Phòng đã có 107/156 xã, phường, thị trấn cơ bản hoàn thành đường giao thông thôn xóm; 95/149 xã, phường, thị trấn cơ bản hoàn thành đường giao thông trục chính nội đồng.
Với phương châm, “Xây dựng nông thôn mới phải thiết thực nâng cao chất lượng đời sống và tăng thu nhập cho người dân”, điểm nổi bật ở Hải Phòng là các cấp chính quyền đã quan tâm mời gọi, thu hút được những doanh nghiệp có thế mạnh về ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Theo đó, thành phố Hải Phòng đã thu hút được 8 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích hơn 284,8 ha, vốn đầu tư trên 1.170 tỷ đồng. Điển hình là các dự án như Công ty TNHH Kỳ Duyên đầu tư dự án trồng trọt ứng dụng công nghệ cao ở xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo; Dự án trồng hoa cao cấp của Công ty cổ phần Châu Giang ở xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên; dự án của VinEco tại xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo mang lại giá trị kinh tế cao gấp 30 - 40 lần so với trồng lúa; dự án trồng dưa kim Hoàng hậu, dưa lê trong nhà lưới tại huyện Vĩnh Bảo; mô hình nuôi rươi kết hợp cấy lúa chất lượng cao ở huyện Kiến Thụy cho thu hoạch cao gấp 20 lần so với sản xuất lúa… Đồng thời, thành phố Hải Phòng cũng đang hỗ trợ 15 doanh nghiệp khảo sát, chuẩn bị đầu tư, dự kiến tổng diện tích hơn 1.834ha, vốn đầu tư khoảng trên 8.400 tỷ đồng…
Chị Nguyễn Thị Thơm ở xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) phấn khởi cho biết: “Nhờ trồng dưa kim Hoàng hậu, năm qua gia đình tôi đã có thu nhập trên 150 triệu đồng. Đây là loại cây trồng có năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích do sản phẩm đã được một số đơn vị ký bảo đảm đầu ra”.
Cùng với phát triển sản xuất, trong xây dựng nông thôn mới, thành phố Hải Phòng cũng chú trọng nâng cao chất lượng đời sống toàn diện của người dân; tập trung triển khai xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới nâng cao tại các xã đã đạt chuẩn. Trên địa bàn thành phố, nhiều mô hình hoạt động cùng các phong trào thi đua có hiệu quả đã được duy trì và nhân rộng như: Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, các “Mô hình thu nhập cao, hộ kinh doanh giỏi”, “Nhà sạch, vườn đẹp”…
Trong lĩnh vực giáo dục, nhiều địa phương tập trung cao nguồn kinh phí nông thôn mới (NTM) được thành phố hỗ trợ để đầu tư xây dựng các công trình trường học. Đến nay toàn thành phố có khoảng trên 253 công trình trường học được triển khai xây dựng, cải tạo khang trang, hiện đại hơn, đáp ứng kịp thời nhu cầu dạy và học ở địa phương.
Nhờ đó, đến nay đời sống của người dân tại nhiều huyện nông thôn ở Hải Phòng đã được cải thiện rõ nét cùng quá trình xây dựng nông thôn mới. Tại các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Dương…, các xã xây dựng NTM đều quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, các khu cánh đồng lớn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, huyện Vĩnh Bảo đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào các vùng sản xuất ở xã Tân Liên, Tam Đa…; các huyện An Dương, Tiên Lãng, Kiến Thụy quy hoạch nhiều vùng chăn nuôi tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. Tính đến đầu năm 2019, toàn thành phố đã gần 240 vùng sản xuất tập trung lúa, rau màu, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho thu nhập bình quân từ 150 - 250 triệu đồng/ha/năm. Đến cuối năm 2018, thành phố Hải Phòng đã có thêm 15 xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, nâng tổng số xã hoàn thành 19 tiêu chí lên 89 xã.
Một góc mô hình trồng dưa kim Hoàng hậu ở xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng
(Ảnh: MH)
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nói trên, thực tế xây dựng nông thôn mới ở thành phố Hải Phòng vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Công tác tuyên truyền tại một số địa phương còn mang tính thời điểm; thực hiện chương trình hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn tại một số xã còn chậm; việc liên kết giữa "4 nhà" (nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - người dân) trong phát triển sản xuất chưa thực sự chặt chẽ, chưa tạo được các chuỗi giá trị bền vững; hoạt động xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường nông thôn một số nơi chưa triệt để…
Theo đồng chí Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, năm 2019, Hải Phòng sẽ chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu của thành phố là phấn đấu có 139/139 (đạt 100%) số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, triển khai đầu tư xây dựng công trình huyện nông thôn mới tại hai huyện Cát Hải và An Dương để cơ bản hoàn thành huyện nông thôn mới vào năm 2019. Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đó, các địa phương trên địa bàn toàn thành phố sẽ tập trung cao, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới trên cơ sở tiếp tục nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả; tăng cường phối hợp các ngành chức năng trong quá trình thực hiện, tích cực huy động nguồn vốn xã hội hóa xây dựng nông thôn mới; coi trọng vận động doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nông thôn mới; quan tâm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế và có những chính sách phù hợp, khích lệ các địa phương đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.
Có thể thấy, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở thành phố Hải Phòng những năm qua đã lan tỏa lớn đến các tổ chức chính trị - xã hội, người dân. Hiệu quả thu được từ xây dựng nông thôn mới đã không chỉ giúp các địa phương khái thác, phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế sẵn có mà còn tạo cơ sở vững chắc để nâng cao chất lượng công tác an sinh xã hội; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để các địa phương trên địa bàn TP. Hải Phòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân./.
Theo: dangcongsan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Chung kết cuộc thi hùng biện tiếng Anh dành cho học sinh THCS cấp tỉnh 23.11.2024 | 20:03 PM
- ĐT Việt Nam sang Hàn Quốc chuẩn bị cho AFF Cup 23.11.2024 | 20:03 PM
- Trung Quốc phát hiện mỏ vàng khổng lồ trị giá hàng trăm tỷ USD ở tỉnh Hồ Nam 23.11.2024 | 16:58 PM
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.11.2024 | 17:03 PM
- Cơ sở thu giữ CO2 bằng điện gió đầu tiên trên thế giới 23.11.2024 | 14:09 PM
- Ký ức đẹp với một vùng quê lúa 23.11.2024 | 12:33 PM
- Mẹo giúp món chiên giòn ít ngấm dầu mỡ 23.11.2024 | 12:36 PM
- Thành phố Hồ Chí Minh vào top điểm đáng ghé thăm ở châu Á năm 2025 23.11.2024 | 17:03 PM
- Đề xuất xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu từng ngành, nhóm ngành 23.11.2024 | 17:03 PM
- Dừng hoạt động dịch vụ chèo thuyền kayak ở đảo Cát Bà 23.11.2024 | 17:04 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng