Chủ nhật, 24/11/2024, 04:40[GMT+7]

Hưng Yên: Bước đột phá trong việc cung cấp nước sạch

Thứ 2, 04/03/2019 | 07:53:37
1,534 lượt xem
Những năm gần đây, nhiều nhà máy nước sạch được xây dựng, đưa vào vận hành bằng nguồn vốn xã hội hóa đã giúp nhiều hộ dân tiếp cận với nước sạch, góp phần thực hiện mục tiêu của chương trình nước sạch của tỉnh Hưng Yên đến hết năm 2020. Cơ bản nhân dân trong tỉnh được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.

Vận hành trạm bơm cung cấp nước sạch tại Nhà máy Dạ Trạch của Công ty cổ phần Xây dựng Huy Phát, huyện Khoái Châu.

Bước đột phá về mạng lưới cung cấp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang cho biết: Việc xã hội hóa sản xuất, kinh doanh nước sạch trong hai năm qua ở tỉnh Hưng Yên đã tạo chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển mạng lưới cung cấp nước sạch; góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020, cơ bản hoàn thành việc đấu nối, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt của các hộ dân trong tỉnh.

Hơn 20 năm qua, thông qua chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình nước và vệ sinh cho các thị trấn và chương trình theo kết quả vốn vay Ngân hàng Thế giới, tỉnh Hưng Yên đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, xây dựng 31 công trình nước sạch, cấp nước cho khoảng 60 xã, phường và thị trấn trong tỉnh. Như vậy, chỉ bằng nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn vay, nguồn vốn hỗ trợ việc xây dựng công trình, phát triển mạng lưới cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn rất chậm, khó khăn, do cả ba nguồn vốn này ngày càng hạn hẹp. Để mở rộng, phát triển hệ thống cung cấp nước sạch ở vùng nông thôn, từ năm 2016, tỉnh Hưng Yên thực hiện quy hoạch, phân vùng cấp nước, tiến hành xã hội hóa việc cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã thu hút được 13 dự án, có tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, xây dựng các nhà máy nước và mạng lưới cung cấp nước sạch cho hơn 80 xã trong vùng dự án; nâng tỷ lệ địa phương có hệ thống cung cấp nước sạch đến tận thôn, xóm ở tỉnh Hưng Yên chiếm khoảng 88% tổng số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Các nhà máy nước được xây dựng sử dụng công nghệ khai thác, xử lý, cung cấp nước tiên tiến, như: Nhà máy nước Dạ Trạch của Công ty cổ phần xây dựng Huy Phát, Nhà máy nước sạch Ngọc Tuấn của Công ty TNHH Nước sạch Ngọc Tuấn - Nagaoka, Nhà máy nước Phú Thịnh của Công ty cổ phần cấp nước Phú Thịnh… cho ra sản phẩm nước đạt quy chuẩn quốc gia QCVN:01 do Bộ Y tế ban hành. Đây chính là hệ thống cơ sở hạ tầng nước sạch để người dân nông thôn cải thiện điều kiện dùng nước, điều kiện vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Việc phát triển rộng khắp mạng lưới cung cấp nước sạch đến tận thôn, xóm ở hầu hết các vùng nông thôn, đã tạo điều kiện cho hàng chục nghìn hộ gia đình ở tỉnh Hưng Yên tiếp cận với nước sạch, bỏ tiền đầu tư lắp cụm đồng hồ đo nước với tổng số tiền khoảng 500 tỷ đồng để đấu nối, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt. Chị Hà Thị Hương, thôn Kệ Châu, xã Phú Cường, huyện Kim Động cho biết: Từ khi Công ty cổ phần cấp nước Phú Thịnh xây dựng nhà máy và hệ thống cung cấp nước sạch trên địa bàn xã, gia đình tôi bỏ hơn 2 triệu đồng lắp đồng hồ đo nước và chuyển hẳn sang sử dụng nước máy; các thành viên trong gia đình đều đánh giá nước từ nhà máy tốt, không mầu, không mùi vị lạ. Gần hai năm nay, gia đình chị Hương không còn dùng nước giếng khoan trong sinh hoạt nữa; bởi, chất lượng nước giếng khoan ngày càng kém, nước có mầu vàng, mùi tanh, khó xử lý, làm quần áo và một số thiết bị liên quan đến nước trong gia đình nhanh bị hỏng. Theo anh Đỗ Văn Lộc, phụ trách Nhà máy nước Phú Thịnh: Hiện nay, số hộ dân ở xã Phú Thịnh lắp đặt đường ống và sử dụng nước sạch chiếm hơn 80% tổng số hộ trong xã. Công ty tiếp tục phối hợp với chính quyền xã và các thôn, vận động nhân dân sử dụng nước sạch với mong muốn đến cuối năm 2019, hầu hết các hộ trong xã dùng nước sạch trong sinh hoạt.

Những khó khăn, vướng mắc

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 45 hệ thống cấp nước, do 31 đơn vị quản lý được phân vùng và đã xây dựng mạng lưới cấp nước cho 141 xã, phường, thị trấn nhưng tỷ lệ đấu nối sử dụng nước chưa cao, chiếm khoảng 34,8% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hưng Yên Lê Trung Kiên cho biết: Trong quá trình thực hiện chương trình nước sạch và xã hội hóa việc sản xuất cung cấp, kinh doanh nước sạch ở tỉnh Hưng Yên còn có một số khó khăn, vướng mắc, nổi bật nhất là: Một số cán bộ cơ sở, người dân chưa nhận thức đúng, đầy đủ về nước sạch, chủ trương, chính sách của Chính phủ, của tỉnh về trách nhiệm thực hiện chương trình cấp nước sạch là trách nhiệm chung của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và của toàn thể nhân dân... Điều đó dẫn đến, ở nhiều nơi, mặc dù đã có đường ống cấp nước sạch nhưng người dân vẫn chưa đấu nối, chưa sử dụng. Nhiều trường hợp đã đấu nối một thời gian nhưng vẫn chưa thực dùng. Phần lớn người dân nông thôn sử dụng nhiều nguồn nước khác nhau, không ít hộ vẫn sử dụng các nguồn nước mưa, nước giếng khoan trong sinh hoạt. Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có dấu hiệu gia tăng, chất lượng nước thô suy giảm; do nguồn nước bị ô nhiễm bởi chất thải rắn, nước thải từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, bệnh viện… thải trực tiếp vào môi trường, không qua bất kỳ khâu xử lý nào. Nước mưa cũng có nguy cơ ô nhiễm ngày càng tăng do ô nhiễm không khí, việc thu hứng lấy nước mưa không bảo đảm vệ sinh. Một bộ phận người dân chưa hiểu đúng, hiểu đủ các văn bản quy phạm pháp luật, chưa đồng tình với việc hộ gia đình sử dụng nước tham gia xã hội hóa thông qua việc đóng tiền cụm đồng hồ đấu nối nước, giá lắp đặt cụm đồng hồ… Ngoài ra, có một số dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, chất lượng nước sản xuất ra chưa cao; còn 20 xã trong tỉnh chưa xây dựng nhà máy nước, hệ thống cấp nước; hai xã còn sử dụng nước thô là nước sông Bắc Hưng Hải có chất lượng kém. Việc kiểm tra, giám sát chất lượng nước chưa được quan tâm đúng mức. Công tác thông tin tuyên truyền còn chưa đúng tầm, khiến một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức đầy đủ lợi ích của việc sử dụng nước sạch bảo đảm chất lượng là góp phần phòng, chống bệnh tật, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống...

Tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nâng cao tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, phấn đấu đến hết năm 2020, cơ bản các hộ dân trong tỉnh đấu nối với mạng lưới cung cấp nước sạch ở các xã, phường thị trấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang cho biết: Vấn đề mấu chốt phải tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch trong sinh hoạt là bảo vệ sức khỏe. Do vậy, tỉnh Hưng Yên đã thành lập bốn tiểu ban tổ chức thực hiện Chỉ thị số 13/CT-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên về tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình cấp nước sạch tỉnh Hưng Yên đến năm 2020, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Tiểu ban truyền thông và tuyên truyền do Sở Thông tin và Truyền thông phụ trách phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương, đài phát thanh các thôn, xã, huyện phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính quyền cơ sở và nhân dân về lợi ích trong việc sử dụng nước sạch bảo đảm chất lượng đối với sức khỏe cộng đồng; nhận thức đầy đủ chủ trương, cơ chế, chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành và của tỉnh trong việc xây dựng, sản xuất, cung cấp, tiêu thụ nước sạch, nhất là việc thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân, sự đồng thuận của nhân dân trong việc đầu tư cụm đồng hồ đấu nối, sử dụng nước sạch, với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình nước sạch, giảm giá tiêu thụ nước sạch cho người dân. Đồng thời, chỉ đạo UBND các huyện, thành phố cùng các địa phương huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể vào cuộc, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về sử dụng nước sạch, tham gia đấu nối thực hiện mục tiêu sử dụng nước sạch của tỉnh, coi đây là chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở và cán bộ. UBND các huyện họp bàn với lãnh đạo cấp xã, trưởng thôn, bí thư chi bộ, các đơn vị cấp nước để phổ biến chủ trương, kế hoạch của tỉnh và thực hiện chương trình nước sạch, về thỏa thuận đấu nối đường ống, đấu nối đồng hồ sử dụng nước và giá nước sạch. Tiểu ban cơ chế, chính sách do Sở Kế hoạch và Đầu tư phụ trách tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, xây dựng công trình sản xuất, cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh, giúp người dân sớm tiếp cận, tham gia đấu nối, sử dụng nước sạch từ các nhà máy cấp nước tập trung. Tiểu ban quản lý chất lượng nước do Sở Y tế phụ trách quản lý chặt chẽ, thường xuyên chất lượng nguồn nước, chất lượng nước cung cấp phục vụ nhân dân theo quy chuẩn chất lượng nước do Bộ Y tế quy định. Tiểu ban cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước do Sở Xây dựng phụ trách phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng công trình cấp nước, quản lý nguồn nước theo quy định, giảm thất thoát nước sạch, góp phần giảm giá mua nước sạch cho người dân.

UBND tỉnh sẽ giao cho các cơ quan chức năng xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt giá trần nước sạch trên địa bàn tỉnh, phù hợp với khung giá nước sạch do Bộ Tài chính ban hành; thẩm định phương án giá nước sạch do các doanh nghiệp cấp nước lập, bảo đảm lợi ích hài hòa của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu chương trình nước sạch của tỉnh đến năm 2020, hướng tới mục tiêu chương nước sạch giai đoạn 2020 - 2030.

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày