Chủ nhật, 17/11/2024, 11:31[GMT+7]

Có nên hạn chế thịt lợn trong bữa ăn bán trú?

Thứ 3, 19/03/2019 | 08:29:38
1,035 lượt xem
Thái Bình là một trong những tỉnh đã phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến thời điểm này, bệnh dịch vẫn đang diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, có trường học, cơ quan, doanh nghiệp đã hạn chế, thậm chí ngừng đưa thịt lợn vào thực đơn bữa ăn của cơ quan, đơn vị mình.

Học sinh Trường Mầm non Hồng Nhung (thành phố Thái Bình) ăn bán trú tại trường.

Riêng trong lĩnh vực giáo dục, 100% trường mầm non và tiểu học trên địa bàn thành phố Thái Bình hiện có bếp ăn bán trú cho học sinh. Bà Hà Thị Thu Phương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Phòng chưa có chỉ đạo về việc yêu cầu các trường nói không với thịt lợn. Tuy nhiên, để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, Phòng đã yêu cầu các trường thực hiện nghiêm việc ký cam kết chỉ mua và nhập các loại rau, củ, quả rõ nguồn gốc của các cơ sở kinh doanh. Kiên quyết từ chối không sử dụng thực phẩm của các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm. Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong các cuộc họp giao ban, tôi thường xuyên nhắc nhở các trường phải đặc biệt chú trọng và giám sát chặt chẽ việc thu mua thực phẩm cho bếp ăn bán trú. Không thể vì việc thường xuyên lấy thực phẩm của các cơ sở mà chủ quan, dẫn đến tình trạng như một số nơi báo chí đã phản ánh. Bên cạnh đó, Phòng ban hành Công văn số 48 về việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong công tác bán trú trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó nêu rõ thực hiện chặt chẽ quy trình giao nhận thực phẩm; kiểm tra nghiêm ngặt việc nhận thực phẩm (đặc biệt là thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn) để bảo đảm sức khỏe cho học sinh; yêu cầu các trường tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương để kiểm tra, giám sát các đơn vị cung cấp thực phẩm, nếu phát hiện đơn vị vi phạm sẽ có hình thức xử lý nghiêm. Tuy nhiên, bên cạnh việc chỉ đạo sát sao đó từng trường căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của mình vẫn có những cách làm thích hợp.

Trước sự lo lắng của phụ huynh, một số trường học trên địa bàn thành phố Thái Bình đã hạn chế, thậm chí ngừng đưa thịt lợn vào thực đơn bữa ăn bán trú của học sinh. Cô giáo Khiếu Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đề Thám cho biết: Trước đây, hầu như ngày nào thực đơn của trường cũng có các món được chế biến từ thịt lợn. Tuy nhiên, từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và tiếp tục diễn biến phức tạp, nhà trường đã giảm xuống còn 2 - 3 bữa/tuần sử dụng thịt lợn. Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện giám sát chặt chẽ hơn với đơn vị cung cấp thực phẩm để bảo đảm an toàn cho các con.

Khác với Trường Mầm non Đề Thám, cách đây khoảng 3 tuần, Trường Mầm non Hồng Nhung đã ngừng hẳn việc đưa thịt lợn vào bữa ăn bán trú. Cô giáo Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Ngay khi có thông tin bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, nhà trường đã quyết định không sử dụng thịt lợn để chế biến các món ăn, thay vào đó là sử dụng các loại thực phẩm khác đủ chất dinh dưỡng như gà, bò, chim, tôm, trứng... Nhà trường cũng không thu thêm bất kỳ khoản nào từ phía phụ huynh. Không chỉ đối với thịt lợn, nhà trường cũng luôn kiểm soát chặt chẽ các nguồn thực phẩm cung cấp cho bếp ăn bán trú.

Thực phẩm phục vụ bếp ăn bán trú trong các trường học luôn là vấn đề được phụ huynh và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, việc hạn chế hay nói không với thịt lợn không phải là giải pháp hay mà việc giám sát chặt chẽ, thường xuyên chất lượng thực phẩm đầu vào của các bếp ăn bán trú mới là việc làm cần thiết, cách chỉ đạo của Phòng Giáo dục thành phố đã và đang góp phần tạo thêm sự yên tâm cho các bậc phụ huynh khi để con em mình vẫn tiếp tục ăn bán trú tại trường.

Đặng Anh