Thứ 5, 14/11/2024, 12:34[GMT+7]

Ánh sáng của người khiếm thị

Thứ 4, 20/03/2019 | 08:44:32
1,651 lượt xem
Để giúp hội viên tự tin hòa nhập cộng đồng, Hội Người mù huyện Đông Hưng chú trọng công tác chăm sóc, tạo sinh kế cho từng hội viên. Hội luôn là cầu nối, trở thành điểm tựa vững chắc, là nguồn sáng của người khiếm thị.

Chườm đá nóng là phương pháp mới được Hội Người mù huyện Đông Hưng áp dụng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo nhiều việc làm hơn cho hội viên.

Đến thăm gia đình anh Bùi Văn Đoài, thôn Đồng Vi, xã Đông La (Đông Hưng), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi cơ ngơi khang trang của một  người đàn ông khiếm thị. Chất độc da cam/Điôxin quái ác đã cướp đi đôi mắt từ khi anh còn rất nhỏ. Càng lớn anh càng mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp với thế giới bên ngoài. Song được sự động viên, hỗ trợ của Hội Người mù huyện, năm 24 tuổi, anh tham gia vào Huyện hội làm tăm tre và học nghề tẩm quất. Sau một thời gian vừa học vừa trau dồi kinh nghiệm, đến năm 2011, được Hội tạo điều kiện cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh mạnh dạn mở cơ sở tẩm quất cho riêng mình, thuê thêm 2 người khiếm thị cùng làm với thu nhập bình quân 4.000.000 đồng/người/tháng. Trừ chi phí, mỗi tháng anh thu được từ 8 - 10 triệu đồng. Đến năm 2015, anh đã xây được ngôi nhà mái bằng rộng gần 60m2. Anh Đoài tâm sự: Trước đây gia đình tôi còn ở ngôi nhà cấp 4, mỗi khi trời mưa nhà bị dột phải căng bạt che rất vất vả. Nhờ sự giúp đỡ của Hội Người mù huyện, đến nay tôi đã có ngôi nhà kiên cố che mưa che nắng và nguồn thu nhập ổn định từ nghề tẩm quất. Ngoài việc phát triển kinh tế cho gia đình, tôi còn nuôi 2 con đang học cấp 3.

Những tấm gương vượt khó như anh Đoài xuất hiện ngày càng nhiều trong tổ chức Hội Người mù huyện Đông Hưng. Họ đều là những mảnh đời không may mắn nhưng lại có nghị lực sống rất mạnh mẽ, dám thay đổi số phận. Thấu hiểu những khó khăn của hội viên, Hội Người mù huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực để tiếp thêm niềm tin, nghị lực và khẳng định vai trò điểm tựa vững chắc của hội viên. Xác định tạo việc làm là vấn đề trọng tâm, trong đó tẩm quất là nghề mũi nhọn, Hội đã mua sắm trang thiết bị, nâng cấp phòng ốc để dịch vụ ngày càng tốt hơn. Hiện nay Hội tạo việc làm thường xuyên cho 8 người khiếm thị, bảo đảm thu nhập bình quân đạt trên 4.000.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra còn có 48 hội viên hành nghề tẩm quất ở các cơ sở dịch vụ bên ngoài do người khiếm thị đứng ra quản lý, trở thành một trong những đơn vị có số lượng hội viên hành nghề tẩm quất nhiều của tỉnh. Đặc biệt, từ tháng 11/2018, Ban Chấp hành Hội đã quyết định đầu tư 2 phương thức tẩm quất mới là sử dụng đá nóng và lá ngải. Đây cũng là giải pháp giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút khách hàng.

Được sự quan tâm của UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, trong năm 2018, Hội Người mù huyện Đông Hưng sản xuất và tiêu thụ được 785kg tăm nguyên liệu với tổng doanh thu hơn 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 12 hội viên theo mùa vụ với thu nhập bình quân đạt gần 4.000.000 đồng/người/vụ.

Công tác cho vay vốn, giải quyết việc làm cho hội viên được Hội xem là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả nhất của chương trình xóa đói, giảm nghèo cho người mù. Qua kiểm tra, đánh giá, 100% người mù sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, điển hình như anh Nguyễn Văn Dũng (xã Minh Tân), anh Nguyễn Văn Toản (xã Hồng Giang)...

Bên cạnh công tác hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm, Hội Người mù huyện Đông Hưng còn đóng vai trò cầu nối để vận động các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí, chăm lo đời sống hội viên. Dịp tết Nguyên đán vừa qua, cùng với nguồn quỹ hội và sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, Hội đã huy động được 925 suất quà với tổng trị giá gần 150 triệu đồng trao cho 100% hội viên. Ngoài ra, Hội thường xuyên động viên, thăm hỏi cán bộ, hội viên lúc ốm đau, việc hiếu hỷ, tổ chức tặng quà hội viên nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7... Nhờ đó, tỷ lệ hội viên nghèo giảm còn 14,6%.

Ông Đào Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Người mù huyện Đông Hưng cho biết: Năm 2019 Hội sẽ tiếp tục duy trì và phát triển cơ sở tẩm quất, đặc biệt là đổi mới phương pháp và nâng cao tay nghề cho hội viên, đồng thời phấn đấu tiêu thụ trên 12 vạn gói tăm với tổng doanh thu ước đạt 300 triệu đồng. Ngoài ra, Hội tiếp tục vận động xây dựng quỹ chăm lo hội viên, phấn đấu 100% chi hội có vốn quỹ từ 3 triệu đồng trở lên nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo môi trường thuận lợi cho người khiếm thị vươn lên trong cuộc sống.

Thu Trang

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày