Thứ 7, 23/11/2024, 21:11[GMT+7]

Để doanh nghiệp mặn mà đầu tư vào nông nghiệp (Kỳ 4)

Thứ 2, 01/04/2019 | 08:15:59
1,476 lượt xem
Mặc dù còn không ít khó khăn, nhưng với những lợi thế của Thái Bình nên thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp “đại bàng” đầu tư vào ngành Nông nghiệp của tỉnh. Ngay trong những ngày đầu xuân Kỷ Hợi 2019, việc công bố quy hoạch và triển khai thực hiện dự án khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ tại huyện Quỳnh Phụ khẳng định chủ trương đúng đắn của Thái Bình, là cơ sở, tiền đề cho phát triển nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, tính cạnh tranh lớn.

Chế biến ngao xuất khẩu tại Công ty TNHH Nghêu Thái Bình cụm công nghiệp cửa Lân (Tiền Hải).

Kỳ 4: “Tiếp lửa” cho doanh nghiệp

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO), đơn vị chủ đầu tư dự án khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ cho biết: Công ty cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc, minh bạch đúng mục tiêu, tiến độ, đưa dự án đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp Thái Bình nói riêng và nền nông nghiệp Việt Nam nói chung. Trên quy mô diện tích 194,36ha, dự án sẽ được triển khai thực hiện tại các xã An Thái, An Ninh, An Cầu (Quỳnh Phụ) với tổng vốn đầu tư 7.800 tỷ đồng bao gồm chuỗi sản xuất khép kín, cung cấp máy nông nghiệp, nông cụ, vật tư nông nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa và kỹ thuật từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, đầu tư khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp để sản xuất, chế biến gạo, lương thực thực phẩm… Cùng với đó, tuyến đường bộ ven biển Thái Bình do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Phương Anh làm chủ đầu tư cũng được khởi công xây dựng vào ngày 14/2/2019 với chiều dài 34,42km và tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng có điểm đầu kết nối với tuyến ven biển thành phố Hải Phòng, điểm cuối kết nối với tỉnh Nam Định. Tuyến đường được đầu tư xây dựng theo quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế đạt 80km/h. Khi tuyến đường hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Thái Bình đến cảng biển quốc tế, sân bay quốc tế và các khu vực kinh tế biển, tạo điều kiện quan trọng thu hút đầu tư, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.

Không chỉ chú trọng triển khai thực hiện các dự án lớn, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình được tổ chức vào ngày 8/4/2017 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, thời gian qua, Thái Bình đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, tạo cơ chế thông thoáng thu hút doanh nghiệp “đại bàng” đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài việc trao quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án với số vốn đăng ký hơn 2.016 tỷ đồng và trao quyết định chấp thuận nghiên cứu dự án đầu tư cho 19 dự án với số vốn đăng ký 20.925 tỷ đồng tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Thái Bình còn quan tâm xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, từ đó đã huy động được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế tích cực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo “cú hích” cho nông nghiệp, nông thôn phát triển. Điển hình như: cơ chế hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn mới theo Quyết định số 09, Quyết định số 02 và Quyết định số 19 của UBND tỉnh; cơ chế hỗ trợ sản xuất giống ngao sinh sản và chế biến ngao theo Quyết định số 05/2012/QĐ-UBND; cơ chế hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND; cơ chế hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo Quyết định số 15/2014/QĐ-UBND… Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện một số ưu đãi hỗ trợ như: ưu đãi về đất đai; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống ngao sinh sản; hỗ trợ đóng mới tàu, nâng cấp tàu phục vụ hoạt động khai thác hải sản; hỗ trợ mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản…

Trước đó, với sự vào cuộc chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cho nông nghiệp, nông thôn của tỉnh ngày càng phát triển. Từ năm 2008 đến tháng 11/2018, trên địa bàn tỉnh có 101 dự án đăng ký đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng vốn đầu tư đăng ký 7.546 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản 43 dự án; lĩnh vực cung cấp nước sạch nông thôn 31 dự án; lĩnh vực xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn 6 dự án và lĩnh vực chế biến nông nghiệp, thủy sản 21 dự án. 

Các dự án đi vào hoạt động đã góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo việc làm ổn định và cải thiện đời sống nhân dân như: dự án chăn nuôi bò của Công ty TNHH Một thành viên chăn nuôi Việt Hùng (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà), dự án chăn nuôi lợn của Công ty Cổ phần Phát triển chăn nuôi Hòa Phát (xã Thụy Duyên, huyện Thái Thụy), 59 dự án cấp nước sạch nông thôn… 

Ông Trần Hải Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên chăn nuôi Việt Hùng (Tập đoàn Hòa Phát) cho biết: Được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án từ tháng 12/2015, đến tháng 9/2016, trang trại nuôi bò thịt công nghệ cao của Công ty mới đi vào hoạt động tại xã Hồng Minh. Ngay khi bắt đầu triển khai hoạt động, trang trại đã nhập về 6.000 con bò thịt có xuất xứ từ Australia để chăn nuôi trên quy mô hơn 141.000m2. Để bảo đảm nguồn thức ăn cho bò, Công ty liên kết cùng nhân dân các xã Hồng Minh, Minh Tân, Chí Hòa (Hưng Hà) trồng ngô với diện tích 120ha; đồng thời ký hợp đồng thu mua ngô của nông dân các xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Phụ), Tân Lễ (Hưng Hà), Xuân Hòa, Đồng Thanh (Vũ Thư). Từ khi liên kết với Công ty trồng ngô làm thức ăn cho bò đã mang lại cho nông dân thu nhập 1,5 triệu đồng/sào/vụ, tăng 25% so với trước đây. Mô hình liên kết này không chỉ góp phần tăng thu nhập mà còn giúp người nông dân không phải lo khâu bảo quản chế biến sau thu hoạch, bởi Công ty bao tiêu thu mua cây ngô tươi ngay tại ruộng. Mở rộng quy mô chăn nuôi lên 8.000 - 10.000 con bò, thịt bò được giết mổ tại các lò mổ đạt tiêu chuẩn ESCAS do Australia áp dụng, Công ty đã tạo việc làm ổn định cho 50 lao động, trong đó trên 90% là lao động trong tỉnh với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

“Cải cách hiện nay phải trên tinh thần kiến tạo, giải phóng và phát huy toàn diện vai trò của doanh nghiệp, khu vực tư nhân trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Doanh nghiệp chính là lực lượng chủ lực trong việc xây dựng nền nông nghiệp kiểu mới, kiến tạo lại nền tảng thị trường nông sản hàng hóa phù hợp nhu cầu, tiêu chuẩn tiêu dùng tiên tiến của thế giới, dựa trên những tư duy sản xuất sản phẩm độc đáo, thể hiện bản sắc, thế mạnh đặc trưng của nền nông nghiệp Việt Nam. Phải đưa doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn bởi với kinh tế hộ nhỏ lẻ hiện nay thì khó có thể cạnh tranh trên thị trường”.

(Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình ngày 8/4/2017).

Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Việc quy hoạch và đầu tư xây dựng khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ là chủ trương đúng đắn, làm cơ sở, tiền đề cho phát triển nền nông nghiệp hiện đại. Đây cũng là chiến lược đi tắt đón đầu của Thái Bình trong thu hút đầu tư của doanh nghiệp với quy mô lớn, tầm cỡ tham gia sản xuất nông nghiệp, tăng cường cơ giới hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển bền vững. Thời gian tới, Thái Bình tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng chính quyền đối thoại; có chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ để thu hút các doanh nghiệp, đối tác chiến lược mạnh về tài chính, có thị trường ổn định, có công nghệ hiện đại để gia tăng giá trị sản phẩm nông sản của tỉnh.

Đồng chí Đoàn Hồng Kỳ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Trên địa bàn tỉnh hiện đang có một số nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư như: Liên doanh Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) - Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời nghiên cứu đầu tư khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp, sản xuất, thu hoạch, chế biến, vận chuyển và phân phối hàng hóa theo chuỗi khép kín; Tập đoàn TH nghiên cứu đầu tư dự án trồng và chế biến rau củ quả hữu cơ; Công ty Thực phẩm sữa TH nghiên cứu đầu tư nhà máy chế biến khoai tây… Chính vì thế, có thể khẳng định các cơ chế, chính sách ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được tỉnh ban hành và triển khai cơ bản đồng bộ đã huy động được mọi nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn của tỉnh, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

Đồng chí Phạm Văn Dụng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu gắn với tích tụ ruộng đất, chuyển sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn có ứng dụng cơ giới hóa. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kết nối chặt chẽ với mạng lưới tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao; khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tạo điều kiện cho phát triển kinh tế hợp tác. Tiếp tục nâng cao năng lực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; tập trung phát triển sản xuất theo hướng tăng trưởng cao, an toàn, bền vững gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.


(Tiếp theo và hết)

Nhóm phóng viên 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày