Thứ 2, 18/11/2024, 01:23[GMT+7]

Cần tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế

Thứ 6, 05/04/2019 | 14:41:20
1,290 lượt xem
Đó là một trong những chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh tại cuộc họp tổng kết hoạt động năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Hội nhập kinh tế quốc tế vào sáng ngày 5/4.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Dự cuộc họp các đồng chí lãnh đạo một số sở, ngành và thành viên Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh.

Đánh giá lại kết quả năm 2018, Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh nhận định: Với tinh thần vừa bám sát chỉ đạo của cơ quan Trung ương, vừa vận dụng thực tế tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh để thực hiện, Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển một cách toàn diện. Năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 49.870 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng 10,53% so với năm 2017 và tăng 9,5% so với kế hoạch. Nổi bật là khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 18.277 tỷ đồng, tăng 20,07% so với năm 2017.

Có được kết quả đó là công tác cải cách thể chế của tỉnh tiếp tục được tập trung cao độ về cải cách thủ tục hành chính và tổ chức bộ máy hành chính. Đây là nhân tố cơ bản nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đưa Thái Bình tăng 2 bậc trên bảng xếp hạng PCI năm 2018 của cả nước và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp doanh nghiệp, cấp sản phẩm. Tỉnh cũng phát triển đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường: Thị trường hàng hóa tiêu dùng, thị trường dịch vụ, thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường lao động và các thị trường dịch vụ khác. Tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch về cơ cấu lại ngành nông nghiệp. 

Đến nay, toàn tỉnh có 15.029,28ha đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản. Xây dựng mô hình và thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ cho năng suất, chất lượng, giá trị cao và có khả năng xuất khẩu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với chú trọng hoạt động bảo vệ môi trường, tỉnh cũng tập trung đầu tư đào tạo phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế; bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội giúp cho hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả. Các doanh nghiệp đã nhạy bén trong ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất để đi tắt, đón đầu thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu đã thảo luận làm rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh, trên cơ sở đó thống nhất triển khai thực hiện nhiệm vụ trong tâm năm 2019. 

Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp về hội nhập kinh tế quốc tế. Tham mưu các giải pháp thiết thực cho UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo và triển khai hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng; trong đó, thu hút các đơn vị dịch vụ, dịch vụ phục vụ sản xuất, dịch vụ phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn và xây dựng các loại hình thị trường vững mạnh tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh thời gian tới. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và nâng cao vai trò của Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. 

Cùng với đào tạo phát triển nguồn nhân lực, các sở, ngành, địa phương cần triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ, đầu tư máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, tạo sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm góp phần hội nhập kinh tế quốc tế thực chất, hiệu quả.

Khắc Duẩn