Thứ 2, 18/11/2024, 01:35[GMT+7]

Kinh tế khởi sắc

Thứ 3, 16/04/2019 | 09:03:11
839 lượt xem
Có nền tảng là đà tăng trưởng tích cực của năm 2018 nên ngay từ những tháng đầu năm 2019 kinh tế Thái Bình đã có nhiều khởi sắc với những kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực. Kết thúc quý I/2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt trên 12.349 tỷ đồng, tăng 9,33% so với cùng kỳ năm 2018; tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 33.547 tỷ đồng, tăng 11,41% so với cùng kỳ năm 2018.

Tăng trưởng cao nhất phải kể đến khu vực công nghiệp và xây dựng với giá trị sản xuất ước đạt gần 20.600 tỷ đồng, tăng 15,83% so với năm 2018. 

Ông Vũ Ngọc Khiếu, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Với việc khởi công, khánh thành một loạt dự án trọng điểm (khởi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình; công bố quy hoạch, triển khai thực hiện dự án khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp đồng bằng Bắc Bộ tỉnh Thái Bình; khởi công Bệnh viện Đa khoa quốc tế quy mô 1.000 giường tại khu trung tâm y tế tỉnh và khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy) đã đem lại nhiều tín hiệu vui trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh, từ đó tạo đà tăng trưởng cho ngành Công Thương. Đến nay đã có nhiều tập đoàn lớn được tỉnh chấp thuận nghiên cứu đầu tư như FLC, Hải Phát, THACO - Trường Hải, Tổng công ty IDICO… Cùng với đó, ngay từ những ngày đầu xuân Kỷ Hợi 2019, các doanh nghiệp trong toàn tỉnh cũng đồng loạt ra quân phát động thi đua đẩy mạnh sản xuất, tạo khí thế lao động sôi nổi nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra. Chính vì thế, rất nhiều sản phẩm đã có sản lượng tăng cao ngay trong những tháng đầu năm như: bộ dây đánh lửa sử dụng cho xe có động cơ tăng 44,5%, tấm lát đường, vật liệu ốp lát tăng 41,9%, sứ vệ sinh tăng 49,4%, Amon Nitrat tăng 35,3%. Hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp được duy trì ổn định với 145 dự án đã đi vào hoạt động, giá trị sản xuất ước tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Vùng trồng cây rau màu của xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ).

Trong bức tranh kinh tế của tỉnh những tháng đầu năm còn phải kể đến sự tăng trưởng đáng kể của ngành Nông nghiệp. Là một trong hai ngành chủ lực của tỉnh nên từ đầu năm đến nay ngành Nông nghiệp luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm phát triển toàn diện ở cả ba lĩnh vực. Trong trồng trọt, cùng với việc phấn đấu gieo trồng lúa xuân bảo đảm đúng mục tiêu về cơ cấu và diện tích, toàn ngành còn tập trung chỉ đạo các địa phương tích cực gieo trồng cây màu với tổng diện tích đạt gần 14.600ha, đạt 100,5% kế hoạch, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. 

Những tháng đầu năm có thể nói là thời điểm cực kỳ khó khăn, vất vả đối với ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở cả 8/8 huyện, thành phố với diễn biến rất phức tạp đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người chăn nuôi. Trước tình hình đó, tỉnh đã quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng đồng thời tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ bảo đảm lưu thông sản phẩm chăn nuôi và an toàn thực phẩm trên thị trường. 

Bên cạnh đó, toàn ngành còn quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn dịch bệnh cho các đối tượng vật nuôi khác đồng thời duy trì có hiệu quả công tác nuôi trồng và khai thác thủy sản, từ đó đóng góp tích cực vào tăng trưởng cho ngành Nông nghiệp. Đến hết tháng 3/2019, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 58.898 tấn, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018; toàn tỉnh đã phát triển 536 lồng nuôi cá với thể tích gần 59.000m3

Trong xây dựng nông thôn mới, toàn ngành đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm phấn đấu đến hết năm 2019 hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp xã; xây dựng, phát triển các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng mô hình nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu theo tiêu chí nông thôn mới. Để hỗ trợ các địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới, toàn tỉnh đã cấp 27.541 tấn xi măng cho các xã, thị trấn. Đến nay, toàn tỉnh có 236 xã (chiếm 89,7% tổng số xã) đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 228 xã (chiếm 86,7% tổng số xã) và huyện Hưng Hà được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Mô hình nuôi tôm công nghiệp tại xã Thái Thượng (Thái Thụy).

Không chỉ có hai ngành chủ lực là Công Thương và Nông nghiệp, toàn tỉnh còn quan tâm chỉ đạo toàn diện ở các lĩnh vực như: công tác quản lý tài chính, thu, chi ngân sách, tín dụng ngân hàng, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp… đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đem lại sự khởi sắc cho bức tranh kinh tế của tỉnh những tháng đầu năm. 

Kết thúc quý I/2019, tổng thu ngân sách địa phương ước đạt 4.968,6 tỷ đồng, đạt 46,5% dự toán, tăng 41,1% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó thu nội địa ước đạt 1.578 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2018; tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 2.770,5 tỷ đồng, đạt 26% dự toán; tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn ước đạt 65.270 tỷ đồng, tăng 2,3% so với thời điểm 31/12/2018; tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 53.310 tỷ đồng, tăng 1,2% so với thời điểm 31/12/2018. 

Một trong những tín hiệu vui nữa trong những tháng đầu năm 2019 đó là ngày 28/3 vừa qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã tổ chức công bố báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018, theo đó Thái Bình xếp ở vị trí thứ 32, tăng 2 bậc so với năm 2017.


Ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Từ đầu năm đến nay, mặc dù ngành Nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng với đà thắng lợi của sản xuất vụ đông và chăn nuôi trong năm 2018 nên quý I/2019 giá trị sản xuất toàn ngành vẫn tăng 2,19% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó trồng trọt tăng 2,5%, chăn nuôi tăng 1,8%, thủy sản tăng 6,6%. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp bao vây, dập dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi tiến tới khống chế, công bố hết dịch trong tháng 4 ở tất cả các xã, huyện đã công bố có dịch đồng thời có biện pháp hỗ trợ tái đàn, khôi phục chăn nuôi lợn trong điều kiện bảo đảm an toàn dịch bệnh; chỉ đạo nông dân các địa phương chủ động chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ cây lúa và cây màu xuân; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo vệ hành lang đê điều, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão; tập trung chỉ đạo hoàn thành xây dựng thiết kế mẫu và ban hành các quy định khung về mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu đồng thời rà soát, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch có liên quan để thực hiện thí điểm ở một số địa phương có điều kiện trước khi nhân rộng ra toàn tỉnh...

Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

Các vấn đề hiện nay doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn đó là tìm kiếm mặt bằng sản xuất, kinh doanh, biến động thị trường, tìm kiếm đối tác hợp tác sản xuất, kinh doanh, vay vốn ngân hàng, biến động các chính sách pháp luật, thủ tục hành chính… Do vậy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng phát triển sản xuất, thời gian tới, tỉnh cần quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp, cải cách mạnh mẽ hơn nữa các thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết nhằm tạo sự thông thoáng cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thái, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thái Bình

Nhằm đẩy mạnh phát triển mối quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp, dần xóa bỏ khoảng cách giữa cơ quan hải quan và cộng đồng doanh nghiệp, ngay từ đầu năm, Chi cục Hải quan Thái Bình đã chú trọng thực hiện các giải pháp từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng và phát triển. Cùng với việc tổ chức hội nghị hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn lập báo cáo quyết toán theo Thông tư số 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính và giải đáp các vướng mắc về thủ tục hải quan, Chi cục Hải quan Thái Bình còn duy trì thực hiện có hiệu quả việc ký thỏa thuận với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đồng thời tích cực ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, từ đó giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 190 doanh nghiệp đang làm thủ tục tại Chi cục Hải quan Thái Bình; tổng kim ngạch xuất khẩu đến hết tháng 3/2019 đạt 336 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018; tổng thu thuế xuất nhập khẩu đến ngày 8/4 đạt 332,3 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch năm 2019.


Minh Hương