Chủ nhật, 24/11/2024, 02:52[GMT+7]

Xe máy tại Việt Nam tăng 48 lần trong gần 30 năm

Thứ 5, 18/04/2019 | 08:17:59
1,665 lượt xem
Từ năm 1990 đến năm 2018, xe máy đã tăng khoảng 48 lần, từ hơn 1.209.000 xe lên gần 58.170.000, số vụ tai nạn giao thông do xe máy cũng tỉ lệ thuận theo con số này.

Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Dự án xây dựng chiến lược An toàn giao thông với xe máy do Quỹ hội nhập Nhật Bản - ASEAN (JAIF) tài trợ, hiện Việt Nam đang đứng đầu các nước ASEAN về tỷ lệ xe máy trên tổng số phương tiện cơ giới đường bộ. Nếu giai đoạn 1999 - 2000, số lượng xe máy bình quân mỗi năm tăng 500.000 xe, thì vào những năm 2001 - 2006, giai đoạn xe máy Trung Quốc ồ ạt vào thị trường Việt Nam khiến tỷ lệ xe máy tăng hơn 4 lần, bình quân mỗi năm tăng hơn 2 triệu xe. Từ năm 1990 đến năm 2018, xe máy ở Việt Nam tăng khoảng 48 lần, từ hơn 1.209.000 xe lên gần 58.170.000.

Lãnh đạo Vụ ATGT (Bộ GTVT) cũng cho biết, dự báo xe máy sẽ tiếp tục là phương tiện lưu thông chính của người dân trong thời gian dài sắp tới, có nghĩa lượng xe máy vẫn sẽ tiếp tục gia tăng. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tìm ra phương pháp để quản lý hiệu quả cũng như tìm cách giảm thiểu khả năng tai nạn giao thông trong bối cảnh số lượng xe máy vẫn đang tăng lên.

Dự báo, giai đoạn 2018 - 2021, số xe máy theo đăng ký sẽ tăng hơn 1,12 triệu xe máy, số lượng xe máy trong lưu thông tăng khoảng 1,15 triệu xe. Đến năm 2030, số lượng xe máy theo đăng ký sẽ tăng gần 1,5 triệu xe, lượng xe máy trong lưu thông tăng hơn 1,62 triệu xe.

Để ngăn chặn số vụ tai nạn giao thông tăng lên trong khi số lượng xe máy lưu thông đang gia tăng từng ngày, dự án đã đề xuất các giải pháp liên quan đến thể chế và công tác tổ chức giao thông. Cụ thể, về mặt thể chế, sẽ nghiên cứu sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008, đưa vào luật hoặc văn bản dưới luật về làn đường riêng cho xe máy.

Đặc biệt, sẽ có giải pháp để nâng cao việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị liên quan để nâng cao khả năng quản lý. Thực tế, hệ thống cơ sở dữ liệu về phương tiện ở Việt Nam đang còn rời rạc, chưa có sự liên kết thống nhất, khiến quá trình xây dựng giải pháp về ATGT đối với xe máy gặp nhiều khó khăn.

Cùng với đó là đề xuất cấm xe máy ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đây được xem là giải pháp đang được triển khai ở nhiều đô thị trên thế giới và cũng được xem là cách đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, giải pháp này đi kèm với việc cơ sở hạ tầng, vận tải công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày