Thứ 5, 14/11/2024, 11:24[GMT+7]

Làm giàu trên đất Mộc Châu

Thứ 7, 27/04/2019 | 09:11:24
4,300 lượt xem
Đều bắt đầu từ hai bàn tay trắng, kinh nghiệm làm nông nghiệp chưa nhiều… thế nhưng cách đây hơn 30 năm, có những người con Thái Bình đã mạnh dạn lập nghiệp trên vùng kinh tế mới Mộc Châu (Sơn La). Đến nay, họ đã trở thành những điển hình làm giàu tiên tiến, thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng cây rau màu và cây ăn quả.

Bà Trần Thị Đạt với những cây đào, cây mận trong vườn nhà.

Quê hương thứ hai

Chị Nguyễn Thị Tươi (sinh năm 1970), quê xã Vũ Ninh (Kiến Xương) lên lập nghiệp ở Mộc Châu cách đây hơn 30 năm. Bồi hồi nhớ lại quãng thời gian rời xa quê hương lên đây lập nghiệp, chị Tươi tâm sự: Ngày ấy, kinh tế khó khăn lắm, gia đình lại đông anh em. Ở quê cũng chỉ cấy lúa chứ không biết làm gì. Lần lượt các anh chị tôi lên đây làm trong các nông trường chè. Năm 1984, tôi xin phép bố mẹ theo các anh chị lên đây. Mộc Châu khi đó vắng vẻ lắm. Những ngày gió rét, mưa phùn, tôi tìm căng mắt cũng chỉ thấy một vài bóng người. Các anh, chị của tôi cũng đã có gia đình riêng. Vì vậy, cứ sau giờ làm việc ở nông trường, tôi lại trở về gian phòng nhỏ bé với bốn bức tường. Nỗi buồn tẻ, quạnh hiu ấy cộng với thời tiết khắc nghiệt đã khiến nhiều người bỏ về. Cán bộ nông trường dùng đủ mọi cách để giữ chân người, thế nhưng những cuộc chia ly vẫn cứ diễn ra đều đặn. Tôi cũng không có ý định ở đây lâu dài nhưng như cái duyên đã định, đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, tôi gặp và lập gia đình với ông xã của tôi và sống ở đây đến tận bây giờ. Đối với chị Tươi, Mộc Châu chính là quê hương thứ hai của mình.

Khác với chị Tươi, nghe lời giới thiệu của một người anh họ về tiềm năng của đất Mộc Châu, năm 1999, vợ chồng bà Trần Thị Đạt, quê ở xã Tân Lễ (Hưng Hà) đã quyết định chuyển hẳn lên đây để sinh sống và lập nghiệp. Những người con của bà, thậm chí đã bỏ cả nghề giáo ở quê để lên đây với quyết tâm làm giàu trên vùng đất mới. Được người quen giúp đỡ, vợ chồng bà Đạt đã mua một mảnh đất nhỏ ở giữa thung lũng Mận Nà Ka để làm ăn. Nhớ lại những ngày tháng đầu mới lên, ông Đào Văn Tý, chồng của bà Đạt tâm sự: Lúc đấy khó khăn lắm. Đang ở vùng đồng bằng lại chuyển lên vùng đồi núi, đi lại vất vả, xa khu dân cư nên còn nhiều bỡ ngỡ. Hơn nữa, trước kia quanh năm chỉ cấy cây lúa, nuôi con gà, vì vậy khi lên Mộc Châu, chúng tôi mới bắt đầu tìm hiểu về các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu nơi đây. Dần dần, bà con Thái Bình và các tỉnh khác lên đây cũng nhiều nên gia đình tôi có thêm niềm vui bởi có thêm bà con, lối xóm. Vì vậy, gắn bó mãi, đất lạ cũng hóa thành quen.

Làm giàu từ đất cằn, đá sỏi

Nói đến Mộc Châu, nhiều người nghĩ ngay đến vùng đất với những cảnh quan du lịch, những lễ hội đặc sắc nhưng ít ai biết rằng Mộc Châu là địa bàn có nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Sương muối, giá lạnh, sạt lở đất, lũ quét… Không thay đổi được thời tiết thì thay đổi đồi, núi bằng cách khoác lên nó những chiếc áo xanh của những ruộng rau ăn lá trái vụ. Nghĩ là làm, với những chính sách khuyến khích người dân làm giàu của địa phương, chị Nguyễn Thị Tươi cùng chồng và cậu con trai của mình đã mạnh dạn mua đất đồi, đất núi để trồng rau. Chị tâm sự: Lúc đó, người dân ở đây chủ yếu trồng chè và nuôi bò sữa nên khi tôi trồng rau, nhiều người tỏ ra e ngại. Đã quyết định thì không nản, mất mấy tháng trời, gia đình chị mới cải thiện được hơn 1ha đất đồi, núi sau nhà để trồng rau. Loại rau mà chị chọn trồng đầu tiên là bắp cải. Nghe thì có vẻ lạ vì ở đâu cũng có nhưng chị Tươi không trồng đúng vụ của bà con miền Bắc mà khi chuẩn bị sang hè, các tỉnh miền dưới không trồng được thì chị lại bắt đầu làm đất, trồng rau. Tận dụng nguồn nước suối từ trên núi chảy xuống, thời tiết thuận lợi nên cây sinh trưởng nhanh, không bị sâu bệnh. Thấy thuận lợi, gia đình chị Tươi tiếp tục trồng thêm các loại rau, củ khác như: đậu cove, rau muống Nhật, bí xanh… Tích tiểu thành đại, cách đây 4 năm, gia đình chị Tươi đã liên kết với các hộ sản xuất khác và thành lập HTX rau an toàn Dũng Tiến. Với chứng nhận VietGAP, được các cơ quan, tổ chức kiểm định, đánh giá cao, hàng năm, HTX đã cung cấp hàng nghìn tấn rau, củ cho các cơ sở kinh doanh và phân phối thực phẩm sạch, thu về tiền tỷ mỗi năm.

Nhờ những chính sách phát triển cây trồng trên đất dốc của Mộc Châu, gia đình bà Trần Thị Đạt cũng mua được hơn 3ha đất thung lũng để trồng đào, mận. Bà Đạt chia sẻ: Đất đồi núi và khí hậu ở vùng cao Mộc Châu đặc biệt thích hợp cho việc trồng mận, đào. Việc chăm sóc hai loại cây này lại rất dễ, không cầu kỳ. Từ nhiều năm nay, gia đình tôi không mất nhiều công lao động, chủ yếu là dọn cỏ và thăm vườn. Nhờ thế, kinh tế gia đình từng bước đi lên, đời sống cải thiện. Mùa này lên Mộc Châu, đi rừng thì vui lắm, nhà nào có rừng cũng phải thuê thêm người từ nơi khác về hái cho đúng vụ, vì nếu không hái nhanh khi mận, đào chín sẽ rụng, nhưng hái sớm quá thì lại không ngon. Vườn nhà bà Đạt thu lời chủ yếu từ việc cho khách du lịch vào thưởng thức và bán tại chỗ. Bà Đạt cũng chia sẻ thêm: Một vài năm trở lại đây, đào, mận được giá nên mỗi năm gia đình tôi thu về được từ 500 - 700 triệu đồng. Tuy nhiên, đợt vừa rồi do ảnh hưởng bởi trận mưa đá lúc cây trổ hoa nên chắc mùa mận năm nay sẽ giảm hơn so với những năm trước.

Qua nhiều năm sinh sống và lập nghiệp ở Mộc Châu, những người con Thái Bình như chị Tươi và bà Đạt đã trở thành tấm gương sáng về làm giàu từ nông nghiệp. Mặc dù là những người thành đạt ở miền quê mới nhưng bà con Thái Bình ở Mộc Châu vẫn không quên cội nguồn. Hàng năm, họ vẫn trở về nơi chôn nhau, cắt rốn và giúp đỡ nhiều người có nguyện vọng phát triển kinh tế ở vùng đất mới.

Đặng Anh
(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày