Thứ 6, 15/11/2024, 21:25[GMT+7]

Trao yêu thương nhiều hơn cho bệnh nhân phong

Thứ 7, 27/04/2019 | 10:54:26
1,576 lượt xem
Họ đáng thương bởi luôn mặc cảm sợ bị xã hội kỳ thị, xa lánh vì từng mắc bệnh hủi (phong), bởi tàn tật, già yếu không thể tự phục vụ mà phải sống nhờ sự giúp đỡ của cán bộ y tế, bởi sự cô đơn thiếu vắng sự quan tâm chăm sóc của người thân trong suốt vài chục năm qua...

Công việc vất vả hàng ngày của các hộ lý.

Thương cảm những mảnh đời bất hạnh


Mỗi lần về công tác tại cơ sở 2, Bệnh viện Da liễu Thái Bình (Bệnh viện Phong Da liễu Văn Môn trước đây), lần nào chúng tôi cũng đến Khoa Điều trị, chăm sóc bệnh nhân phong tàn tật và Dinh dưỡng để động viên, sẻ chia với những hoàn cảnh rất đáng thương. Nơi đây có 45 cụ được nuôi dưỡng chăm sóc toàn diện bởi họ là những người cao tuổi nhất, tàn tật nặng nhất trong số 137 người bệnh phong tàn tật hiện đang được nuôi dưỡng tại Bệnh viện. Do bị di chứng nặng nề của bệnh phong khiến họ bị cụt tay, cụt chân, mắt mù, lòa, tai điếc... nên không thể tự phục vụ. Mọi sinh hoạt từ vệ sinh, tắm giặt, ăn uống đều nhờ hoàn toàn vào sự giúp đỡ của cán bộ y tế...


Không biết có phải do cuộc sống hàng ngày quá tẻ nhạt, lặng lẽ, ít được giao tiếp, chỉ quanh quẩn trên chiếc giường nhỏ hoặc lê ra đến cửa phòng rồi quay vào hay không mà mỗi khi chúng tôi đến, các cụ đều phấn khởi tiếp chuyện cởi mở, nhiệt tình. Qua những lần trò chuyện như thế, dần dần tôi được biết khá nhiều những hoàn cảnh đặc biệt và hiểu phần nào tâm tư, nỗi niềm của họ. Mặc dù đã nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của các y bác sĩ và các nhà hảo tâm, song họ vẫn luôn đau đáu nỗi cô đơn buồn tủi vì thiếu sự chăm sóc, thăm hỏi của người thân trong gia đình. Họ luôn mang trong mình nỗi buồn mặc cảm bởi từng mắc căn bệnh hủi mà trước đây đến người thân cũng hắt hủi, xa lánh.


Trong số 45 người bệnh phong tàn tật được nuôi dưỡng chăm sóc toàn diện ở đây, ngoài 1 người 50 tuổi, các cụ đều có độ tuổi từ 80 trở lên và đều có thâm niên ở Bệnh viện từ ngày còn là những cô, cậu thanh niên. 2 năm trước, 1 cụ cao tuổi nhất đã mất ở tuổi 103. Hiện 2 cụ cao tuổi thứ nhì đang còn sống là cụ Vương Thị Dậu, Nguyễn Thị Nhật đều 101 tuổi. Cùng cảnh ngộ bị mắc bệnh phong đưa đẩy những mảnh đời bất hạnh gặp nhau, thương nhau, nên trong số các cụ, có 5 cặp “góp gạo thổi cơm chung” từ ngày còn trẻ. Theo như các cụ chia sẻ, là để sớm tối có nhau, động viên nhau cho vơi bớt cô đơn buồn tủi. Lâu dần, họ cũng được coi là 1 gia đình. Đặc biệt, trong số họ có duy nhất 1 gia đình đúng nghĩa, bởi họ là 2 mẹ con ruột thịt. Song trớ trêu, hoàn cảnh lại vô cùng éo le, bởi hai mẹ con đều mắc 2 căn bệnh nan y là phong và tâm thần. Đó là cụ Đỗ Thị Xùy, 80 tuổi và con trai Bùi Văn Thênh, 50 tuổi...


Ở khu nhà chăm sóc điều trị người bệnh phong tàn tật, cuộc đời mỗi con người nơi đây là một câu chuyện buồn. Dù đã 101 tuổi song cụ Vương Thị Dậu nói chuyện vẫn còn minh mẫn: Tôi quê ở Nam Định, năm nay 101 tuổi và đã có thâm niên gắn bó với Bệnh viện 84 năm rồi. Với tôi, Bệnh viện chính là nhà, các bác sĩ, điều dưỡng và các cô hộ lý chính là người thân của tôi... Cụ Triệu Thị Đạo, 90 tuổi thì luôn hài hước giới thiệu với khách mình là “gái Hà Nội” xịn, nhưng từ năm 20 tuổi đã chuyển khẩu về làm “gái làng Phong” cho đến nay. Lần nào cũng vậy, dù đang cười nói vui vẻ nhưng khi hỏi về người thân, giọng cụ lại trầm xuống, không giấu được buồn tủi: Tôi chẳng có người thân nào đến thăm. Anh em, con cháu của tôi chết hết rồi, chẳng còn ai...  


Trao yêu thương - vơi buồn tủi


Quan sát từ xa, phòng của gia đình cụ bà Đặng Thị Nọn và cụ ông Bùi Văn Vo, chúng tôi nể phục khi chứng kiến chị hộ lý luôn tay lau dọn nhà cửa, bế cụ bà ra ghế để thu dọn giường chiếu rồi lại bế trở lại. Dọn dẹp xong, chị nhận cơm và kiên nhẫn bón từng thìa cho cụ ông đang ngồi trên chiếc giường có chắn hai thanh tre nhìn như chiếc cũi. Ghé vào hỏi chuyện, cụ bà Đặng Thị Nọn thủng thẳng nói: Tôi và ông ấy, người 85, người 90 tuổi rồi. Tôi thì mắt lòa, cụt cả 2 tay, cả 2 chân nên chẳng lo nổi cho bản thân mình, muốn chăm ông ấy mà không làm sao được. Hàng ngày, tôi chỉ có thể lê xa nhất từ giường ra đến cửa, ngồi chán rồi quay vào thôi. Ông ấy thì ngoài bị cụt 2 tay, cụt 2 chân, còn bị mù cả 2 mắt và mắc nhiều bệnh khác, sức yếu lắm rồi. Sợ ông chóng mặt ngã xuống đất, các cô hộ lý phải buộc mấy cây tre chắn làm thành giường. Cuộc sống của ông quanh năm ngày tháng chỉ trên chiếc giường đơn đó thôi. Ngừng chuyện một lúc, cụ Nọn trìu mến hướng về cô hộ lý: Chẳng phải người thân mà hàng ngày các cô ấy phục vụ, chăm sóc chúng tôi như chăm sóc cha mẹ mình. Bệnh nhân ở khoa này ai cũng cụt què, kỳ dị, bệnh tật thế này, các cô ấy không những không ghê sợ, xa lánh mà còn nhiệt tình làm chu đáo mọi việc như vệ sinh, thay bỉm, đổ bô, tắm giặt, bón cơm, dọn dẹp. Tôi biết ơn Bệnh viện và thương các cô ấy lắm... Rời phòng gia đình cụ Nọn, chúng tôi ghé “hàng xóm” là gia đình cụ ông Nguyễn Đỗ Ích và cụ bà Vũ Thị Lĩnh và cũng được chứng kiến hoàn cảnh đáng thương tương tự. Cụ Ích chia sẻ: Chúng tôi đều đã trên 90 tuổi, bà ấy mới bị tai biến liệt cả người nên suốt ngày chỉ nằm một chỗ, phiền các cô hộ lý chăm sóc vất vả hơn...


“Trong cuộc sống hàng ngày, nếu chúng ta gặp một người không may bị tàn tật, khiếm khuyết 1 bộ phận của cơ thể như cụt 1 tay hoặc 1 chân, hoặc bị mù, bị điếc đã thấy họ phải sống khó khăn, thiệt thòi và đáng thương lắm rồi. Nhưng những người bệnh phong tàn tật ở đây, có rất nhiều người vừa cụt cả 2 tay, cả 2 chân, mù cả 2 mắt, điếc và bị nhiều bệnh khác, mọi sinh hoạt ăn ở vệ sinh đều tại chỗ... mới thấy họ khổ sở, đáng thương biết chừng nào. Đấy là chưa kể họ còn luôn sống trong cô đơn mặc cảm bị kỳ thị và thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần. Chính vì thấu hiểu điều đó, cán bộ y tế chúng tôi ngoài nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của mình còn luôn cảm thông chia sẻ, cố gắng trao yêu thương nhiều nhất để mong giúp họ vơi bớt nỗi niềm” - bác sĩ Nguyễn Thị Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thái Bình chia sẻ. Bác sĩ Thái cũng cho biết thêm: Những năm gần đây, được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm, cuộc sống của những người bệnh phong tàn tật đã từng bước được cải thiện. Từ tháng 8/2017 đến nay, tỉnh đã tăng mức hỗ trợ mỗi người từ 510.000 đồng/tháng lên 810.000 đồng/tháng cho người dưới 60 tuổi, 1.080.000 đồng/tháng cho người trên 60 tuổi. Song với mức hỗ trợ đó, Bệnh viện cố gắng lắm cũng chỉ chăm lo cho họ một ngày 2 bữa cơm đạm bạc vào lúc 9 giờ 30 phút và 15 giờ 30 phút. Nhưng từ ngày sáp nhập và thành lập Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện đã trích kinh phí lo cho các cụ thêm một bữa sáng để có đủ 3 bữa ăn trong ngày, giúp các cụ thêm dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe. Bên cạnh chú trọng đổi mới công tác điều trị, chăm sóc, phục vụ, Bệnh viện cũng đồng thời duy trì và tích cực thực hiện công tác xã hội, thu hút các nhà từ thiện giúp người bệnh phong tàn tật được nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.


Rời Bệnh viện Da liễu Thái Bình, những hình ảnh tàn tật đáng thương cùng những cử chỉ đẹp của cán bộ y tế vẫn cứ hiện lên như thước phim quay chậm. Thương các cụ và cũng mừng cho các cụ. Bởi tôi từng nghe bác sĩ Bùi Trung Dũng, Giám đốc Bệnh viện chia sẻ là Bệnh viện không bỏ rơi, sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng đến người phong tàn tật cuối cùng. Bởi hàng ngày các cụ không cô đơn, bên cạnh luôn có người coi như người thân, chăm sóc như chăm sóc cha mẹ mình với cái tâm của người cán bộ ngành Y tế.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hiên, Trưởng khoa Điều trị, chăm sóc bệnh nhân phong tàn tật và Dinh dưỡng

Các cụ đều đã tuổi cao, sức đề kháng yếu, ngoài tàn tật do bệnh phong còn mắc nhiều bệnh khác như tiểu đường, huyết áp, viêm nhiễm, lở loét... Vì vậy, chúng tôi rất chú trọng giữ sức khỏe cho các cụ. Ngoài điều dưỡng hộ lý túc trực chăm sóc 24/24 giờ, ngày 2 lần, bác sĩ đến tận giường thăm khám, cấp thuốc, động viên các cụ kịp thời.

Bệnh nhân Nguyễn Đỗ Ích

Vì hoàn cảnh bệnh tật, chúng tôi phải sống dựa vào sự bao bọc, giúp đỡ của Nhà nước, bệnh viện và cán bộ y tế. Thời gian gần đây, chúng tôi được quan tâm hơn, đời sống cũng khá hơn nhiều. Hàng ngày, có bác sĩ đến tận giường thăm hỏi, khám bệnh, cho thuốc. Phòng ở được lau dọn sạch sẽ không có mùi hôi. Không những được ăn thêm bữa sáng để đủ 3 bữa/ngày, chúng tôi còn thường xuyên được đổi món nên ngon miệng, đỡ tủi thân hơn trước rất nhiều...    

Hộ lý Nguyễn Thị Nhài

Nhiều người đến đây không dám vào phòng, không dám nhìn các cụ vì sợ. Chúng tôi thì đã tiếp xúc, chăm bẵm các cụ như cha mẹ nhiều năm nay, không ngại mà chỉ thấy thương các cụ hơn. Vì vậy, hàng ngày đều bảo nhau sắp xếp công việc gia đình đến với các cụ sớm hơn và về muộn hơn. Ngoài chăm sóc phục vụ còn dành thời gian trò chuyện chia sẻ để các cụ đỡ cô đơn buồn tủi.


HÀ DUNG
(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)