Thứ 5, 28/11/2024, 13:39[GMT+7]

Lo “hậu sự” cho lợn

Thứ 5, 09/05/2019 | 16:12:41
598 lượt xem
Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi và nhiều vấn đề phát sinh, trong đó xử lý, tiêu hủy lợn chết do bệnh dịch là một trong vấn đề khó khăn nhất. Trong điều kiện làm việc vừa nặng nhọc vừa ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, vẫn có rất nhiều người không sợ khó, sợ khổ hàng ngày lặng thầm đảm nhận công tác “hậu sự” cho lợn, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Rất vất vả để thực hiện công tác tiêu hủy đối với những con lợn có trọng lượng lớn (tại xã Phúc Thành)

Nhọc nhằn lo “hậu sự” cho lợn

Đến ngày 23/4, Xuân Hòa là một trong 3 xã có tổng đàn lợn phải tiêu hủy vì bệnh dịch tả lợn châu Phi nhiều nhất của huyện Vũ Thư, với khoảng 113 tấn lợn đã bị tiêu hủy. 

Ông Đỗ Ngọc Trai, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Liên tiếp từ ngày 22/3 đến nay, ngày nào xã cũng có lợn chết, ngày cao điểm nhất toàn xã tiêu hủy 7,8 tấn lợn, ngày ít nhất là 2,4 tấn lợn. Để công tác tiêu hủy lợn đúng quy trình, xã đã phải hợp đồng với 6 lao động chuyên đảm nhận công tác tiêu hủy . Tuy nhiên, lực lượng này chỉ làm phần việc cân trọng lượng lợn và xử lý chôn lấp, còn rất nhiều phần việc liên quan phải thực hiện, vì vậy xã đã phải huy động toàn bộ lực lượng cán bộ, công chức, các ngành, đoàn thể xã, công an viên, dân quân tự vệ , cán bộ thôn vào cuộc tiêu hủy lợn. Khi có lợn chết, lực lượng chuyên môn của huyện, cán bộ xã phải có mặt để kiểm tra, xác định, thậm chí lấy mẫu xét nghiệm để biết lợn chết có đúng vì nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi hay không. Nếu hộ gia đình có nhân lực, thì thôn xã hướng dẫn bà con vận chuyển lợn đến điểm tiêu hủy tập trung, còn nếu hộ neo người hoặc chỉ có phụ nữ, người già cả, cán bộ xã, thôn phải cử người đến hỗ trợ công tác vận chuyển lợn đến điểm tiêu hủy. Nhiều con lợn nặng 1,2 – 1,4 tạ, phải vài người mới vận chuyển được. Xã còn phải lo tìm các địa điểm tiêu hủy, chôn lấp lợn đảm bảo xa khu dân cư; thuê máy đào các hố tiêu hủy, mua bạt, nilon, rồi các trang thiết bị như cân trọng lượng lợn, bình xịt hóa chất tiêu độc khử trùng, quần áo bảo hộ cho lực lượng tham gia tiêu hủy… Hàng ngày, vào các buổi chiều, toàn bộ lực lượng xã, thôn cơ bản chỉ tập trung công tác tiêu hủy lợn, thời gian xử lý các nhiệm vụ khác ít nhiều bị ảnh hưởng, nhưng vẫn phải ưu tiên công tác tiêu hủy lợn trước. Tình trạng lợn chết chưa biết khi nào dừng nên chúng tôi xác định công tác tiêu hủy lợn còn kéo dài. Dù rất vất vả nhưng Xuân Hòa chỉ đạo khâu tiêu hủy phải đúng hướng dẫn.

Không riêng Xuân Hòa, 30/30 xã, thị trấn của huyện Vũ Thư đều bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi khiến cấp ủy, chính quyền, người chăn nuôi, người dân đều rất vất vả trong khâu tiêu hủy lợn.

Lực lượng dân quân xã Phúc Thành phải trực tiếp xuống tận hố tiêu hủy để sắp xếp lợn để tiết kiệm diện tích

Những người không sợ khổ

Khu xử lý, tiêu hủy, chôn lấp lợn chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi xã Phúc Thành, dưới cái nắng nóng hầm hập, mùi hôi thối nồng nặc xông lên đến khó thở. Không quen mùi xú uế, nhiều người bịt mũi, nôn ọe liên tục. Vậy nhưng, sau những chiếc khẩu trang kín mít, các cán bộ xã, thôn, lực lượng dân quân tự vệ xã vẫn miệt mài vận chuyển, cân trọng lượng và cho lợn vào hố tiêu hủy. Đôi khi gặp con lợn nái ngoại to, nặng tới hơn 2 tạ, cả chục người phải hì hục mãi mới di chuyển tới hố chôn lấp được, ai cũng thở dốc vì mệt. 

Quần áo lấm lem bùn đất và vôi bột, anh Bùi Văn Hưng, Thôn đội trưởng thôn Tây Tiến, xã Phúc Thành chia sẻ công việc tiêu hủy lợn nhiễm dịch rất ô nhiễm, nặng nhọc, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, bản thân anh Hưng và nhiều anh em dân quân tự vệ khác đã tình nguyện tham gia hàng chục ngày công lao động trực tiếp tiêu hủy lợn. Có hôm trời mưa ngập hố chôn, các anh phải tiến hành hút nước ra và gắng sức đào đất lấp nhanh để tránh tình trạng lợn nổi lên trên mặt hố, hôm trời nắng thì mùi hôi thối nồng nặc xông lên vô cùng khó chịu, thậm chí mùi hôi thối ám cả vào người, quần áo. Dù cực khổ, nhưng anh Hưng luôn vui vẻ tham gia vì mong muốn góp sức mình chia sẻ thiệt hại với người chăn nuôi và hỗ trợ địa phương trong lúc khó khăn về nguồn nhân lực…

Ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết: Phúc Thành là 1 trong số xã có số lượng đàn lợn phải tiêu hủy nhiều nhất huyện, đến nay đã tiêu hủy khoảng 110 tấn lợn, nên cần huy động nhiều nhân lực mới đáp ứng được công tác tiêu hủy lợn kịp thời. Những ngày qua, từ lãnh đạo, cán bộ, công chức, các ngành đoàn thể từ xã đến thôn đều được huy động để trực tiếp tham gia hỗ trợ bà con trong các khâu vận chuyển, tiêu hủy lợn. Ngoài lực lượng cán bộ, rất đông đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ, người dân tình nguyện, nhiệt tình tham gia công tác tiêu hủy lợn, góp phần rất lớn đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Lãnh đạo, cán bộ xã Vũ Vinh trực tiếp đến hỗ trợ hộ chăn nuôi thực hiện công táci tiêu hủy.

Đồng chí Nguyễn Tống Thìn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Đến ngày 23/4, trên địa bàn Vũ Thư có trên 5.000 hộ chăn nuôi ở 30/30 xã, thị trấn đã có lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi với trên 19.600 con lợn, tương đương 1.113 tấn lợn đã tiêu hủy. Với số lượng lợn phải tiêu hủy lớn, dồn dập, nếu không xử lý kịp thời và đúng yêu cầu, sẽ làm bệnh dịch nhanh chóng lây lan ra diện rộng, đồng thời ảnh hưởng lớn đến môi trường, sức khỏe cộng đồng. Do đó, huyện sớm chỉ đạo, ban hành văn bản, hướng dẫn rất cụ thể các địa phương các quy trình kỹ thuật liên quan đến khâu tiêu hủy, từ đảm bảo địa điểm chôn lấp, cách khử trùng, lập biên bản, kiểm đếm số lượng lợn phải tiêu hủy… Huyện đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, phối hợp cùng lực lượng chuyên môn, người chăn nuôi để thực hiện công tác tiêu hủy lợn ở các địa phương. Trong điều kiện nguồn kinh phí của huyện và các địa phương đều hạn hẹp, huyện, các xã mới chỉ đầu tư được 1 phần trang thiết bị máy móc, quần áo bảo hộ phục vụ công tác khử trùng, tiêu hủy lợn; còn lại chưa hề có kinh phí hỗ trợ công lao động cho những người tham gia công tác tiêu hủy lợn. Mặc dù vất vả, ô nhiễm, cơ chế hỗ trợ chưa có, chưa cụ thể nhưng hầu hết cán bộ từ huyện đến thôn, thậm chí nhiều người dân vẫn tình nguyện, nhiệt tình tham gia công tác tiêu hủy lợn trong nhiều ngày. 

Với nỗ lực của các địa phương, đến nay, huyện thực hiện công tác tiêu hủy lợn đảm bảo đúng yêu cầu, hạn chế tối đa tình trạng vứt lợn chết ra sông ngòi, khu vực công cộng, góp phần quan trọng giữ gìn vệ sinh môi trường bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hạn chế bệnh dịch lây lan, bảo vệ an toàn đàn lợn còn lại.

Quỳnh Lưu


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày