Chủ nhật, 17/11/2024, 18:04[GMT+7]

Chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học

Thứ 3, 14/05/2019 | 08:35:39
2,686 lượt xem
Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), công tác dạy và học của giáo viên và học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Đông Mỹ (thành phố Thái Bình).

Những năm qua, ngành Giáo dục đã triển khai nhiều phương pháp, mô hình đổi mới theo hướng dạy học tích cực, phát huy phẩm chất, năng lực học sinh theo yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Cấp THPT đã tập trung vào các yếu tố đổi mới thông qua hướng dẫn học sinh tự học trên cơ sở của sách giáo khoa giữ nguyên kiến thức. 

Trường THPT Lý Bôn là một trong những trường luôn chú trọng đổi mới công tác quản lý, phương pháp giảng dạy và các hoạt động trong nhà trường theo hướng đơn giản, hiệu quả, phù hợp với các mục tiêu giáo dục. 

Thầy giáo Đỗ Văn Thân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để nâng cao chất lượng giáo dục thì bắt buộc phải đổi mới phương pháp dạy và học. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường trong nhiều năm qua. Nhà trường đã thực hiện đổi mới phương pháp dạy học thông qua các hình thức như: học ở trường, học trên mạng, học qua di sản, học qua các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, nghiên cứu khoa học kỹ thuật... Nhà trường đã kết hợp tốt phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp hiện đại để phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường đẩy mạnh phương pháp thực hành, dạy học theo dự án trong các môn học; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học; tập trung dạy cách học, cách nghĩ, phương pháp tự học, bảo đảm cân đối giữa trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng và định hướng thái độ, hành vi cho học sinh; tăng cường rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh thông qua giờ lên lớp và hoạt động trải nghiệm thực tế. 

Thầy giáo Đỗ Văn Thân cho biết thêm: Những năm gần đây, đề thi THPT quốc gia thường gắn với cuộc sống thực tiễn, do đó, ngoài kiến thức sách giáo khoa, nhà trường cũng yêu cầu các thầy cô giáo khuyến khích học sinh tìm hiểu kiến thức qua nhiều kênh thông tin khác nhau, giúp học sinh hiểu được vấn đề thực tiễn và có định hướng nghề nghiệp rõ ràng trong tương lai.

Ở cấp tiểu học, các nhà trường cũng đang tích cực chuyển từ phương pháp dạy học theo lối “truyền thụ một chiều” sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất. 

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Toàn cấp học đang thực hiện 9 giải pháp để tích cực đổi mới phương pháp dạy học đó là: cải tiến các phương pháp dạy học truyền thống, kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học, vận dụng việc dạy học giải quyết các vấn đề, dạy học theo tình huống, dạy học theo định hướng hành động, tăng cường sử dụng các phương tiện dạy học và công nghệ thông tin, sử dụng các kỹ thuật dạy học phát huy tính sáng tạo và tích cực, chú trọng các phương pháp dạy các môn đặc thù và phương pháp dạy học tích cực cho học sinh. Để thực hiện được những giải pháp này, ngoài việc tổ chức các buổi tập huấn, Phòng còn tổ chức chuyên đề các cấp cho cán bộ, giáo viên tiểu học. Từ đó, các nhà trường có cơ hội được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm đổi mới từ các trường học đã thực hiện thành công.

Xác định muốn đổi mới phương pháp dạy và học, trước hết, phải đổi mới từng giáo viên, tổ, nhóm chuyên môn. Đây là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt trong các năm học của Trường Tiểu học Đông Mỹ (thành phố Thái Bình). 

Cô giáo Đỗ Thủy Hà, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Hàng tuần, các tổ chuyên môn  của Trường luôn duy trì thực hiện tốt sinh hoạt chuyên môn theo hướng đổi mới. Ngoài việc nâng cao năng lực quản lý và năng lực chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý, thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, mỗi cán bộ, giáo viên đã biết chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng các chuyên đề dạy học trong mỗi môn học và các chuyên đề tích hợp, liên môn phù hợp với việc tổ chức hoạt động tích cực, tự lực, sáng tạo của học sinh; đổi mới nhận thức về mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng dạy học tích cực, hướng vào hoạt động học của học sinh. Qua quá trình thực hiện sinh hoạt chuyên môn theo hướng đổi mới đã giúp cho giáo viên tăng cường khả năng quan sát, biết cách phân tích tiết học một cách sát thực, chính xác. Đồng thời giúp giáo viên tích lũy thêm nhiều bài học trong quá trình tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh. Đặc biệt, học sinh được chú ý nhiều hơn về phát triển năng lực và phẩm chất. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của Trường Tiểu học Đông Mỹ những năm qua luôn được duy trì ổn định, điểm thay đổi lớn nhất đó chính là học sinh mạnh dạn, tự tin thể hiện và áp dụng kiến thức, kỹ năng của mình vào cuộc sống.

Rèn cho học sinh thói quen và khả năng tự học, tích cực phát huy tiềm năng và vận dụng hiệu quả những kiến thức, kỹ năng đã được tích lũy là mục đích mà các nhà trường hướng đến hiện nay, từng bước đáp ứng việc đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0.


Đặng Anh