Thứ 7, 16/11/2024, 00:54[GMT+7]

Vượt lên chính mình

Thứ 4, 22/05/2019 | 08:38:58
1,088 lượt xem
Từ nhỏ đã thiếu tình yêu thương, sự chăm sóc của bố; mẹ và em trai bị bệnh, học hết THCS phải nghỉ học để kiếm tiền phụ mẹ nuôi em nhưng anh Nguyễn Hữu Xuân, sinh năm 1987, ở thôn Bồ Trang, xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ) đã nỗ lực vươn lên gây dựng công ty sản xuất đồ gỗ với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Nguyễn Hữu Xuân đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm máy móc góp phần giảm sức lao động cho công nhân.

Đón chúng tôi tại trụ sở bề thế giáp tỉnh lộ 396B, cụm công nghiệp Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) không phải Xuân mà là mẹ vợ, bạn, công nhân của anh. Mẹ vợ Xuân cho biết: Xuân bận lắm, không ở dưới xưởng lại đi lắp đặt công trình. Mấy năm nay, việc đưa em trai đi Hà Nội khám bệnh là vợ thay Xuân. Anh Hoàng Công Toản, thôn Bồ Trang, xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ) cho biết: Tôi làm ở xưởng của Xuân được 10 năm rồi. Anh em gặp nhau là cái duyên nhưng tình cảm, sự thấu hiểu, sẻ chia trong công việc cũng như trong cuộc sống là điều làm chúng tôi gắn bó lâu dài với nhau.

Dưới xưởng mộc, Xuân đang cùng một công nhân cặm cụi sửa máy chế biến gỗ. Nói chúng tôi cứ tự nhiên tham quan xong anh lại chăm chú với công việc của mình. Thi thoảng, công nhân trao đổi, nhờ anh gỡ khó trong công việc. Cuối giờ chiều, Xuân kể cho chúng tôi nghe về niềm đam mê nghề mộc và quá trình hình thành công ty. Bố mẹ ly hôn khi còn nhỏ, kinh tế gia đình khó khăn, chỉ được học hết THCS, Xuân chọn con đường học nghề với mong muốn tự kiếm được “bát cơm” nuôi chính bản thân và giúp mẹ, nuôi em. Anh học nghề mộc tại làng nghề Cúc Bồ (xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương). Xuân bảo: Nhà nghèo, lấy tiền đâu mà theo học tại các trường dạy nghề. Theo anh, thuận lợi của việc học nghề ở các cơ sở bên ngoài là được thực hành nhiều, chủ yếu người trước dạy người sau nên dễ học. Bên cạnh đó, tận dụng gỗ nhỏ, hỏng, người học có thể tranh thủ giờ giải lao để sáng tạo nên những mẫu mã mình thích, chính điều đó kích thích sự hăng say của anh. Tuy vậy, cũng có lúc Xuân tưởng mình phải bỏ nghề, do làm mộc bụi, mùn cưa vào mắt làm anh bị viêm giác mạc. Chữa khỏi mắt rồi Xuân tiếp tục học và làm nghề mộc.

Xuân bảo: Mình là trụ cột gia đình, mẹ ốm, em bệnh, phải về nhà lập nghiệp thôi, không đi làm xa được. Năm 2005, bố ốm nặng rồi mất. Em trai bị câm, điếc bẩm sinh, khi bố mất thì em về ở với mẹ và anh. Cũng thời gian này, Xuân mở xưởng mộc. “Lúc ấy muốn mượn tiền để mở cái lán làm mộc cũng khó. Mới 18 tuổi, kinh nghiệm, vốn sống chưa có, công việc lỡ dở trong khi mẹ hay ốm, em trai khuyết tật, nhà ở thì dựng trên một mảnh đất được người bác cho mượn. Người ta sợ mẹ con mình nghèo quá, vay tiền biết bao giờ trả được” - Xuân tâm sự. Chạy vạy mãi, cuối cùng anh cũng vay được hơn 10 triệu đồng. Vốn ít nên chỉ sắm được máy móc nhỏ, đơn giản và dựng một cái lán tạm để hai anh em cùng làm. Không có vốn và việc làm cầu thang, sàn, trần, tường nhà bằng gỗ tại quê chưa thịnh hành nên anh phải nhận lại đơn hàng làm cầu thang và ốp tường, trần nhà bằng gỗ của một số chủ cơ sở trung gian với giá rất thấp.
Đơn hàng chưa nhiều, để tạo uy tín với khách hàng, ở mỗi dòng sản phẩm, Xuân chủ động tìm thợ “đầu cánh” giỏi nghề để học hỏi nâng cao tay nghề. Anh đã chọn lọc, sử dụng các loại gỗ chất lượng cao để thiết kế, sản xuất những sản phẩm có hoa văn tinh xảo, chất lượng. Tâm huyết, say nghề và yêu nghề, Xuân coi mỗi sản phẩm là một “đứa con” nên anh cẩn thận, trực tiếp kiểm soát các khâu từ lựa chọn nguyên liệu thô cho đến các khâu trong quá trình sản xuất, do đó chất lượng sản phẩm luôn bảo đảm, hạn chế được tối đa các lỗi kỹ thuật. Bên cạnh đó, với số tiền lãi tiết kiệm qua các năm, anh đầu tư hàng tỷ đồng mua máy móc nhằm giảm bớt các khâu đục đẽo thủ công để tạo ra sản phẩm có độ chính xác cao, chất lượng tốt. Các mặt hàng do cơ sở của anh làm ra như các loại ghế, tràng kỷ, bình phong, tủ tường, sàn, cửa... với mẫu mã đẹp, chất lượng và theo thị hiếu nên được nhiều người biết đến và được tiêu thụ rộng khắp ở trong tỉnh và các tỉnh, thành phố trong cả nước... Không chỉ làm mộc dân dụng, Xuân còn làm các sản phẩm từ gỗ cho một số ngôi chùa, đền thờ. Theo anh, làm các công trình tâm linh đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao nhưng cái quan trọng hơn cả là cái tâm của người thợ. Chỉ có sự tâm huyết, kiên trì, bền bỉ, người thợ mới dựng xây nên những công trình văn hóa có giá trị lâu bền với thời gian. Vì thế, trong gian trưng bày và bán các sản phẩm của Công ty TNHH Xây dựng - Sản xuất đồ gỗ Tùng Lâm của Xuân có khẩu hiệu: Có thể tay nghề bạn thấp, nhưng đạo đức nghề nghiệp phải có, sẽ không tụt hậu mai sau.

Vượt lên chính mình, từ 10 triệu đồng vay mượn ban đầu, từ cái lán dựng tạm, nay Nguyễn Hữu Xuân đã có công ty riêng với doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho 22 lao động với mức thu nhập thấp nhất là 5 triệu đồng/tháng. Bà Nguyễn Thị Nẻ, thôn An Trực, xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) cho biết: Chúng tôi nể phục ý chí vượt lên hoàn cảnh của Xuân. Dù giờ kinh tế đã khá giả, có trong tay cơ ngơi khang trang nhưng vợ chồng cậu ấy rất giản dị, gần gũi. Tôi vẫn thường kể chuyện làm giàu của cậu ấy cho con cháu, người thân của mình nghe, coi đó là tấm gương để giáo dục con cháu mình.

Say nghề và với quyết tâm làm giàu, khẳng định ý chí của mình, Nguyễn Hữu Xuân bước đi vững chắc trên con đường lập nghiệp. Anh cũng sẵn sàng chia sẻ, tạo điều kiện giúp đỡ thanh niên, đặc biệt thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên con đường khởi nghiệp.

Xuân Phương

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)