Thứ 5, 14/11/2024, 11:36[GMT+7]

Bức tâm thư và tấm ảnh gửi Bác Hồ

Thứ 2, 27/05/2019 | 08:33:45
5,176 lượt xem
Chùa Pháp Hoa ở phường 4, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những ngôi chùa lớn, từng là cứ điểm quan trọng của Tiểu đoàn quyết tử 950, được hình thành từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hiện tại chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

Khám Chí Hòa.

Ở một vị trí trang trọng trong khuôn viên, từ cổng chùa bước vào, một nhà bia tưởng niệm cỡ lớn đã được dựng. Phía sau bia là bức tường ốp đá quý, ghi danh sách ban lãnh đạo Tiểu đoàn và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tiểu đoàn 950 qua các thời kỳ gồm 3 đại đội: 3721, 3824, 3927 và các ban do Trung tướng Nguyễn Bình, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Nam Bộ là người sáng lập. Trong số cán bộ lãnh đạo có Nguyễn Đình Chính là Trưởng ban Công tác 1, tiền thân của lực lượng biệt động thành Sài Gòn. Mặt trước của tấm bia ghi danh các liệt sĩ của Tiểu đoàn, trong đó Đại đội 3927 có 3 người con Thái Bình là Nguyễn Văn Tro, sinh năm 1922, hy sinh năm 1948 trong trường hợp vượt Côn Đảo bị địch phát hiện bắn chết; Nguyễn Mộng Hùng, sinh năm 1923, hy sinh năm 1948 tại Côn Đảo; Vũ Văn Hậu, sinh năm 1922, hy sinh ngày 25/3/1949 thuộc E Phạm Hồng Thái.

Tiểu đoàn quyết tử 950 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn cũng được Nhà nước phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có Nguyễn Đình Chính, quê ở làng Nguyễn, nay là xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng và Trần Văn Lai, quê ở làng Đông Trì, nay là xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình.

Nguyễn Đình Chính tên khai sinh là Nguyễn Đình Giai, sinh ngày 28/8/1924 trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Nguyễn. Học hết tiểu học Nguyễn Đình Giai vào học Trường Kỹ thuật thực hành, trở thành công nhân nhà máy giấy, nhà máy cơ khí Đáp Cầu, tỉnh Bắc Ninh. Đầu năm 1944, ông ra Hải Phòng gia nhập hải quân Pháp làm “lính thợ bản xứ” đóng tàu ở Hải Phòng. Tháng 4/1944, ông trốn khỏi hàng ngũ địch, vào Sài Gòn làm lính thợ trong xưởng đóng tàu Ba Son. Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, ông bị địch bắt nhốt ở đồn binh Lái Thiêu - Cát Lái, sau đưa xuống Vũng Tàu. Ở trại giam Vũng Tàu, ông đã vượt ngục về Sài Gòn để hoạt động cách mạng dưới tên gọi Nguyễn Đình Chính. Ông đã tham gia khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng ở Thủ Dầu Một - Bình Dương. Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nguyễn Đình Chính được giao nhiệm vụ huấn luyện dân quân du kích và xây dựng công xưởng để sửa chữa và chế tạo vũ khí phục vụ kháng chiến.

Nam Bộ kháng chiến, Nguyễn Đình Chính trở thành chiến sĩ trinh sát của lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định. Tháng 3/1946, ông được giao chỉ huy Ban Công tác 1. Chỉ trong 6 tháng, Ban Công tác 1 do ông chỉ huy đã chiến đấu 57 trận lớn nhỏ, diệt nhiều tên địch và tay sai của chúng ở Khánh Hội, Hòa Hưng, Bàn Cờ, bến cảng Lăng Tô... Giữa năm 1946, Nguyễn Đình Chính cùng 5 chiến sĩ đóng giả trí thức Pháp đột nhập vào nhà một tên phản bội đã từng chỉ điểm để mật thám Pháp bắt hơn 10 cán bộ của ta dùng dao găm diệt 5 tên phản động đang tụ tập tại đó.

Ngày 26/2/1947, sau khi về khu bộ ở Bà Quẹo để nhận thêm vũ khí, Nguyễn Đình Chính quay lại cứu em bé giao liên bị thương thì sa vào tay giặc. Dù tra khảo rất dã man nhưng không khai thác được gì, chúng đã kết án Nguyễn Đình Chính tử hình và đày ra Côn Đảo. Sau sợ ông vượt đảo, chúng đưa về giam tại khám Chí Hòa. Ở trong ngục, Nguyễn Đình Chính đã làm thơ, viết hồi ký và kiên cường đấu tranh với quân địch, vì vậy, ngày 19/5/1948 giặc Pháp lại đưa Nguyễn Đình Chính ra tòa và kết án tử hình lần thứ hai. Ba ngày sau khi bị kết án tử hình lần thứ hai (ngày 22/5/1948), bằng đường dây bí mật, Nguyễn Đình Chính đã viết bức tâm thư kính gửi Hồ Chủ tịch kèm theo tấm ảnh anh đang cởi trần, bị cùm chân trong khám tử tù. Bức thư viết:

“Thưa Cha!
 Đây là một cảnh âm cung trên dương thế mà con chụp được để tặng Cha.
Lần thứ nhất chúng kết án tử hình con vào ngày 10-10-1947. Con sống trong cảnh này đến ngày 19-5-1948, chúng đưa con ra trước công lý xâm lăng lần thứ hai, tặng cho con thêm một án tử hình nữa. Con vẫn cười đọc bản điều trần “Memoi re de Défence” giải trình ý niệm tranh thủ độc lập của Việt Nam và đưa cái công lý xâm lăng của Pháp ra ánh sáng. Kết luận, con tuyên bố trước mặt chúng: Tôi rất sung sướng và lấy làm vinh dự được chết cho đất nước tôi. Tôi tin đến lúc chết: Nước Việt Nam sẽ độc lập. Việt Nam độc lập thống nhất muôn năm!
Một đứa con của Cha
Nguyễn Đình Chính (tự Chín Heo)
(Hầm tử hình 18A khám lớn Sài Gòn - Nam Bộ ngày 22-5-1948)”

Giặc Pháp đã xử bắn Nguyễn Đình Chính tại khám Chí Hòa ngày 9/2/1949. Khi Nguyễn Đình Chính là Trưởng ban Công tác 1 của Tiểu đoàn quyết tử 950 thì Trần Văn Lai là chiến sĩ của đơn vị này. Nguyễn Đình Chính và Trần Văn Lai đều được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hiện nay, tại quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Thái Bình đã có đường phố mang tên người anh hùng Nguyễn Đình Chính. Cũng tại quận Phú Nhuận, trên đường Nguyễn Thị Huỳnh có một căn biệt thự được xếp hạng di tích lịch sử. Đó là nơi ở có căn hầm bí mật để hoạt động cách mạng của vợ chồng chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai và Phạm Thị Chinh.

Với Trần Văn Lai thì có lẽ Nguyễn Đình Chính là một trong những thần tượng về người anh hùng. Tấm ảnh Nguyễn Đình Chính bị cùm chân trong nhà tù đã được ông trân trọng lưu bút: “Anh Nguyễn Đình Chính trong khám tử hình, khám lớn Sài Gòn” và giữ gìn cho đến hết cuộc đời như một kỷ vật thiêng liêng. Cũng có lẽ tấm ảnh người chỉ huy đồng hương đã tiếp thêm nghị lực và ý chí cách mạng giúp Trần Văn Lai sẵn sàng đối mặt và vượt qua những thử thách hiểm nguy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bức tâm thư và tấm ảnh đang bị cùm giam của Nguyễn Đình Chính gửi Hồ Chủ tịch đáng được coi là một điển hình mẫu mực để minh chứng cho tấm lòng của người Thái Bình với Bác Hồ.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày