Thứ 6, 15/11/2024, 11:33[GMT+7]

Nông thôn mới Thái Bình: Ý đảng - lòng dân (Bài 1)

Thứ 2, 27/05/2019 | 08:34:03
2,182 lượt xem
Với sự quyết tâm và nỗ lực, sau 8 năm chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay nhiều địa phương tỉnh đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đạt chuẩn NTM. Nhưng đích đến cuối cùng của NTM không chỉ dừng lại ở con số 19. Bằng cách nghĩ mới, cách làm mới và con người mới, chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn Thái Bình đang ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững.

Diện mạo làng quê Thái Bình đổi thay từng ngày.

Bài 1: “Quả ngọt” nông thôn mới

Những ngôi nhà mới khang trang, những con đường bê tông dài rộng, sạch đẹp nối liền các ngõ thôn, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên… Đó là những thành công mà Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã mang lại cho người dân quê lúa Thái Bình và đó còn là kết quả từ sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân để mang lại diện mạo mới cho nông thôn.

Nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào làm đường giao thông nông thôn.

Chủ trương đúng, trúng

Thái Bình bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trong điều kiện khó khăn, với điểm xuất phát thấp, ngân sách phụ thuộc vào trung ương... Song với quyết tâm chính trị cao của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, đồng thuận của người dân, sau 8 năm xây dựng NTM, toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, được trung ương đánh giá là điểm sáng trong xây dựng NTM. Từ việc thành lập, kiện toàn bộ máy chỉ đạo, tham mưu, giúp việc thực hiện chương trình; nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp; ban hành các chính sách hỗ trợ, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch và phê duyệt đề án xây dựng NTM cấp xã cho đến công tác kiểm tra, giám sát đều được Thái Bình tích cực thực hiện đúng quy định pháp luật và hiệu quả.

Thái Bình đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, từ 5 – 7 thửa/hộ gia đình giảm xuống còn 1 - 2 thửa, từ đó đưa cơ giới hóa vào sản xuất giúp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản. Xuất hiện nhiều mô hình HTX sản xuất, kinh doanh liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được cải thiện; hệ thống bờ vùng, bờ thửa, kênh mương, đường giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, lưới điện, trường học, khu thể thao, trạm y tế, khu xử lý rác thải… được đầu tư xây dựng theo tiêu chí NTM.

Làng nghề dệt khăn xã Thái Phương (Hưng Hà) tạo việc làm cho hàng ngàn nông dân lúc nông nhàn.

Kinh tế nông thôn Thái Bình từ lâu luôn được xem là mũi nhọn để phát triển, vì vậy những ứng dụng khoa học mới cũng được cán bộ truyền đạt cho người nông dân khiến năng suất cao hơn, đời sống được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững. Các quyết sách đúng đắn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao công nghệ, tích tụ ruộng đất... giúp cho những vùng quê nghèo khó, cách xa trung tâm huyện, tỉnh... cũng ngày càng khởi sắc. NTM không phải là đích đến để phô trương thành tích mà hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Nó chứng tỏ sự đoàn kết, sẻ chia của toàn hệ thống chính trị, khi ý Đảng lòng dân vẹn đầy để tạo thành những quả ngọt như ngày hôm nay.

"Người già chúng tôi giờ chỉ mong sống lâu để chứng kiến sự đổi mới của quê hương. Xóm làng đẹp như tranh, đời sống người dân ngày càng nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần."

Bà Trần Thị Sáu
(thôn Tây Lễ Văn, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ)


Những cánh đồng trù phú mang ấm no đến cho người nông dân.

Bừng sáng bức tranh nông thôn

Cũng như bao người dân khác của vùng quê Hồng Tiến (Kiến Xương) cách đây chưa lâu, ông Nguyễn Văn Tuấn thôn Nam Tiến không dám nghĩ đến điều kỳ diệu sẽ đến trên quê hương mình. Bởi đây là vùng quê xa xôi, giao thông đi lại khó khăn, đời sống người dân phụ thuộc vào nghề đánh bắt thuỷ hải sản. Cùng với đó, ý thức của người dân còn hạn chế, sinh kế dựa vào chài lưới ven sông nên chỉ mong sao làm cho đủ ăn đủ mặc, chứ chưa nghĩ đến việc làm đẹp, làm giàu. Nhưng giờ thì ông Tuấn đã phấn khởi khoe: Kể từ khi xã triển khai xây dựng NTM, người dân được tuyên truyền, vận động nên tích cực vào cuộc thì thôn xóm chúng tôi đã có sự thay đổi rõ nét nên đi đâu cũng muốn trở về. Ngoài nhà văn hóa khang trang thì đường sá đã được đổ bê tông rộng thênh thang, ban đêm có điện chiếu sáng. Bà con cũng đã ý thức hơn trong xây dựng khu dân cư, dọn dẹp vệ sinh môi trường, giữ gìn an ninh trật tự. Đời sống của người dân ngày càng có “của ăn của để”, không còn phải lo chạy ăn từng bữa, nằm ngoài mong ước của thế hệ chúng tôi. Được gặp gỡ và trò chuyện với người dân nơi đây mới thấy được thành quả qua những năm xây dựng NTM ở Hồng Tiến, không chỉ có nhà cửa, đường sá, công trình mới, mà điều quan trọng nhất là con người mới, suy nghĩ mới, cách thức sản xuất, cung cách ứng xử mới và lối sống mới.

Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Về xã NTM An Đồng (Quỳnh Phụ), ấn tượng đầu tiên là những con đường bê tông to rộng, thoáng mát, sạch đẹp, người dân hăng say lao động sản xuất trên cánh đồng lúa vàng óng. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất, giúp kinh tế hộ được cải thiện đáng kể, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Bà Trần Thị Sáu thôn Tây Lễ Văn sinh sống trên mảnh đất An Đồng hơn 70 năm qua đã cảm nhận rõ nét những đổi thay từ khi xây dựng NTM. Bà chia sẻ: Người già chúng tôi giờ chỉ mong sống lâu để chứng kiến sự đổi mới của quê hương. Xóm làng đẹp như tranh, đời sống người dân ngày càng nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.


Ông Lê Bá Quyến, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình

Hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng NTM, Công ty Điện lực Thái Bình đã tranh thủ mọi nguồn vốn để nâng cao chất lượng lưới điện nông thôn, giúp các xã sớm đạt tiêu chí số 4 về điện với trên 800 tỷ đồng đầu tư lưới điện nông thôn. Đến nay, 100% các xã đạt tiêu chí số 4 về điện, tỷ lệ tổn thất điện năng giảm từ 30 – 40% trước tiếp nhận xuống còn 7 - 8%. Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đạt 100%, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Ông Đoàn Ngọc Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Phương (Hưng Hà)

Trong quá trình xây dựng NTM, xã đã huy động sức dân cùng góp nguồn lực sớm hoàn thành các tiêu chí, đặc biệt là hệ thống giao thông và thủy lợi nội đồng. Với những giải pháp linh hoạt, sáng tạo và sự đồng thuận của người dân, xã đã huy động nhân dân đóng góp trên 62.000m2 đất, hàng nghìn ngày công lao động làm trên 40km đường giao thông nông thôn, trục chính nội đồng và xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí trên 80 tỷ đồng.

Ông Chu Đăng Tước, Phó Giám đốc HTX DVNN xã Đông Hải (Quỳnh Phụ)

Những năm qua, HTX DVNN xã Đông Hải đã không ngừng nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo mô hình HTX kiểu mới. HTX đã tham mưu với UBND xã xây dựng cánh đồng lớn diện tích trên 50ha, luân canh 2 vụ lúa, 1 vụ màu, đứng ra liên kết với một số doanh nghiệp thu mua lúa gạo cho nông dân, sản lượng đạt gần 200 tấn/năm, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giữ vững, nâng cao chất lượng tiêu chí NTM.


Thực hiện: Anh Thao – Minh Nguyệt – Lưu Ngần- Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày