Thứ 7, 16/11/2024, 00:28[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội

Thứ 5, 30/05/2019 | 18:03:10
1,554 lượt xem
Ngày 30/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội, ngân sách năm 2018 và kế hoạch năm 2019, quyết toán ngân sách 2017.

Đại biểu Phạm Văn Tuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận tại hội trường.

Audio: 3105_quoc_hoi_mixdown.mp3

 

Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Tuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhận định đánh giá năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và rất sát sao trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để giải phóng năng lực sản xuất của các tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo còn một số vướng mắc, bất cập đó là:

Về thể chế, trong nửa nhiệm kỳ qua không thể phủ nhận được rằng Quốc hội, Chính phủ cũng như các cơ quan thuộc Chính phủ đã có rất nhiều đổi mới và quyết liệt; song còn có sự bất cập trong các cơ chế, chính sách, sự thiếu kịp thời, sự không đồng bộ, thiếu nhất quán và chậm được sửa đổi, bổ sung nên chưa tạo động lực để phát triển. Như các vướng mắc trong thực hiện đầu tư, nhất là các quy trình thủ tục từ việc lập dự án, quyết định, triển khai và giải ngân dự án đầu tư; về tích tụ đất đai trong nông nghiệp đã có nhiều ý kiến, kiến nghị nhưng đến nay cũng chưa có giải pháp để tháo gỡ; về khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh: đầu năm 2019, tình trạng dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở một vài tỉnh, đến nay đã lan ra gần 50 tỉnh, thành trong cả nước nhưng việc hỗ trợ kinh phí dập dịch, hỗ trợ cho người chăn nuôi chưa kịp thời,…

Trong nông nghiệp: nước ta có tiềm năng, lợi thế lớn, nhiều sản phẩm nông sản có thể đưa ra thế giới như lúa gạo, con cá, con tôm hoặc cà phê, ca cao, ....nhưng hiện tại chưa có sản phẩm nào có thương hiệu quốc tế và thị trường ổn định. Ví dụ: xuất khẩu gạo rất lớn nhưng chưa có thương hiệu, tỷ lệ được hưởng của người sản xuất rất thấp; trong lĩnh vực thủy sản: nghề làm nước mắm ra đời và phát triển hàng trăm năm ở nước ta, tạo sinh kế cho người dân ven biển nhưng đến nay vẫn còn lúng túng việc xác định tiêu chí, tiêu chuẩn nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp, khó khăn cả trong việc thành lập hiệp hội nước mắm truyền thống,... cũng để cho một số doanh nghiệp và ngư dân bức xúc.

Về phát triển nguồn nhân lực, đây được coi là một trong những mũi đột phá. Tuy nhiên, vẫn không khắc phục được tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, vẫn loay hoay trong ngành giáo dục, đặc biệt là trong lĩnh vực dạy nghề, nguồn nhân lực không được sử dụng hoặc không đáp ứng được yêu cầu; tình trạng bạo lực học đường và tình trạng xâm hại trẻ em, những vi phạm trong thi cử và xử lý cán bộ vi phạm, trách nhiệm của các cấp, ngành chưa được xác định rõ ràng đang tiếp tục gây bức xúc trong cử tri và nhân dân.

Về vấn đề hạ tầng: việc phát triển hạ tầng đặc biệt là đường giao thông còn nhiều bế tắc vì vốn đầu tư công hiện nay rất hạn chế, mặt khác việc giải ngân nguồn vốn này cũng cực kỳ khó khăn bởi các vướng mắc về qui trình, thủ tục, trong khi đó cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực này còn chưa thông thoáng, đầu tư theo các hình thức BOT, BT... chưa được công khai, minh bạch.

Từ thực tiễn trên, đại biểu kiến nghị một số nội dung như:

- Đề nghị Chính phủ, các cơ quan Trung ương phải quyết liệt hơn trong việc cải cách thể chế, không chỉ đơn thuần là thủ tục hành chính mà quan trọng hơn là kịp thời thể chế chủ trương, quan điểm của Đảng bằng cơ chế, chính sách nhưng phải rất đồng bộ, rất thông thoáng, khả thi, tăng cường phân cấp, phân quyền nhiều hơn và tăng hậu kiểm. Đề nghị sớm xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tất cả các loại hình.

- Về nguồn nhân lực, cần khẩn trương thực hiện việc phân luồng trong đào tạo, hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao. Đồng thời phải nâng cao chế độ chính sách đối với người lao động, đặc biệt là người có trình độ cao thu hút được chất xám, nâng cao được năng suất lao động.

- Đề nghị Chính phủ cần phải khẩn trương, kịp thời có cơ chế, chính sách rõ ràng, đồng bộ trong khu vực nông nghiệp; đảm bảo đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Muốn làm được điều đó thì phải có quy hoạch vùng sản xuất, quy hoạch về thị trường, về sản phẩm chủ đạo của từng vùng, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Sửa đổi Luật Đất đai để đẩy nhanh việc tích tụ ruộng đất, tăng hạn điền để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, tháo gỡ hạn chế về quy mô sản xuất manh mún; có cơ chế, chính sách và đầu tư thoả đáng cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững. Đề nghị Chính phủ sớm bố trí nguồn vốn để hỗ trợ kịp thời cho nhân dân trong việc tiêu hủy dịch tả lợn châu Phi, tính riêng Thái Bình đã tiêu hủy trên 16 ngàn tấn, với số tiền tiền theo cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cho người dân khoảng 600 tỷ đồng, còn thiệt hại thực tế của hộ chăn nuôi tính ra còn lớn hơn nhiều, đồng thời có giải pháp kịp thời để hỗ trợ người dân trong việc phát triển đàn đàn vật nuôi thay thế trước tình hình tái đàn đối với con lợn là rất khó khăn.

Vũ Sơn Tùng

Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh