Thứ 7, 16/11/2024, 00:19[GMT+7]

Những người gác đê

Thứ 6, 31/05/2019 | 09:15:04
1,930 lượt xem
Mức phụ cấp hàng tháng chưa đến 700.000 đồng/người nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, lực lượng quản lý đê nhân dân đã góp phần tích cực trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý sớm các sự cố, vi phạm pháp luật về đê điều. Hiệu quả bước đầu của lực lượng này cho thấy việc quan tâm đầu tư, thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân năm 2018 của UBND tỉnh là hướng đi đúng đắn.

Xã Vũ Tiến (Vũ Thư) tổ chức giải tỏa trường hợp xây dựng công trình vi phạm hành lang bảo vệ an toàn đê điều.

Xã Vũ Tiến (Vũ Thư) có trên 7km đê quốc gia và 4,5km đê bối. Đê được đắp từ hàng chục năm trước nên dần xuống cấp qua thời gian, nhiều sự cố trong thân đê khó phát hiện. Đặc thù địa phương là dân cư sinh sống rất gần đê nên trước kia, tình trạng vi phạm Luật Đê điều như xả rác, đổ vật liệu xây dựng, trồng cây lâu năm, đào ao sát chân đê... thường xuyên diễn ra, nhưng chính quyền địa phương rất khó phát hiện nên nhiều vụ việc xử lý, ngăn chặn chưa kịp thời. Từ tháng 7/2018, với sự quan tâm của UBND tỉnh, lực lượng quản lý đê nhân dân được thành lập, Vũ Tiến có 2 người đảm nhận công việc này. 

Ông Nguyễn Văn Mậu, 1 trong 2 người tham gia lực lượng quản lý đê nhân dân của xã cho biết, dù nắng hay mưa, mỗi ngày ông đều khảo sát 1 vòng đê vừa để kiểm tra phát hiện các sự cố, diễn biến hư hỏng của đê, kè, vừa để phát hiện, nhắc nhở người dân không tự ý trồng cây trên mái đê hay đổ rác, vật liệu trên đê. Chiếc cuốc và con dao luôn thường trực, khi cần ông Mậu sẵn sàng dừng xe để phát quang cỏ dại, cây cối mọc trên đê. Đôi khi bị ông Mậu nhắc nhở vi phạm, một số người dân cũng tỏ thái độ phản ứng nhưng ông kiên trì vận động, đến nay bà con rất ủng hộ việc làm của ông. 

Ông Mậu chia sẻ thêm: Mặc dù phụ cấp khá thấp, công việc lại vất vả nhưng tôi vẫn muốn gắn bó với công việc quản lý đê nhân dân bởi tôi mong muốn góp sức mình bảo vệ tuyến đê, bảo vệ an toàn trong mùa mưa lũ cho chính bản thân mình và bà con làng xóm. 

Ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vũ Tiến cho biết: Từ khi có lực lượng quản lý đê nhân dân, các vụ việc vi phạm về Luật Đê điều được phát hiện sớm, giúp chính quyền ngăn chặn, xử lý rất kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng công trình đê điều, từ đó nâng cao khả năng phòng, chống lũ trong mùa mưa bão.

Với sự quan tâm đặc biệt trong công tác quản lý đê điều trên địa bàn, ngày 22/1/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-UBND về  quy định tổ chức và hoạt động của lực lượng quản lý đê nhân dân ở các xã, phường, thị trấn có đê trên địa bàn tỉnh. Triển khai quyết định này, tháng 7/2018, huyện Vũ Thư đã thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân với 32 người làm nhiệm vụ quản lý đê điều ở 21 xã duyên giang. 

Ông Nguyễn Văn Huyến, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện cho biết: Trong điều kiện lực lượng chuyên trách quản lý đê rất mỏng, toàn huyện có gần 10 kiểm soát viên đê điều, trong khi phải quản lý trên 100km đê các loại thì sự ra đời của lực lượng quản lý đê nhân dân rất cần thiết. Thực tế gần 1 năm hoạt động cho thấy, lực lượng quản lý đê nhân dân ở các xã là những người bám nắm rất chắc địa hình, lịch sử, đặc điểm công trình đê điều ở địa phương, vào cuộc tích cực thực hiện nhiệm vụ của mình, nhờ đó đã hỗ trợ rất lớn giúp lực lượng chuyên trách, chính quyền các địa phương phát hiện, xử lý, ngăn chặn, khắc phục sớm các sự cố, vi phạm tại các tuyến đê trên địa bàn. Nhiều công trình vi phạm mái đê, mặt đê, thân đê ở các xã Vũ Tiến, Nguyên Xá, Việt Hùng hay các sự cố công trình đê, kè, cống ở các xã Song Lãng, Tân Phong, Phúc Thành được lực lượng quản lý đê nhân dân phát hiện, báo cáo kịp thời, giúp huyện và các địa phương xử lý, ngăn chặn rất kịp thời, hiệu quả. Trong các đợt mưa bão, đội ngũ này cũng tham gia tích cực công tác kiểm tra, phòng, chống lụt, bão tại địa phương. Chúng tôi sẽ nỗ lực phối hợp tổ chức thêm nhiều đợt tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cho lực lượng này nhằm nâng cao hiệu quả công tác.

Mưa bão, sớm tối, vất vả, phụ cấp thấp, ông Nguyễn Thanh Long, lực lượng quản lý đê nhân dân xã Nguyên Xá không quản ngại mà vẫn tự hào, cần mẫn làm nhiệm vụ quản lý đê của mình. “Nguyện vọng của tôi là được tham gia nhiều hơn các buổi tập huấn nghiệp vụ quản lý đê nhân dân và được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư cấp cho các trang thiết bị, phương tiện như quần áo mưa, quần áo bảo hộ lao động, ủng, đèn pin, cuốc xẻng, máy cắt cỏ... để thực hiện nhiệm vụ quản lý đê nhân dân hiệu quả hơn” - ông Long tâm sự.

Phụ cấp tuy ít ỏi nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, lực lượng quản lý đê nhân dân đang từng ngày thầm lặng, đóng góp công sức nhỏ bé của mình để canh gác, bảo vệ những tuyến đê, góp phần giữ bình yên cho nhân dân khi mưa lũ đến.


Quỳnh Lưu

  • Từ khóa