Thứ 5, 28/11/2024, 15:44[GMT+7]

Hãy để trẻ em được lên tiếng

Thứ 2, 03/06/2019 | 09:19:53
1,334 lượt xem
Ngày 22/5, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức diễn đàn trẻ em cấp tỉnh năm 2019 với chủ đề “Trẻ em với các vấn đề trẻ em”. Đây là năm thứ ba diễn đàn được tổ chức với mong muốn các em được bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình về các vấn đề mà các em quan tâm, từ đó nói lên tiếng nói của mình để xã hội cùng chung tay bảo vệ, chăm lo cho các em.

Tiết mục văn nghệ của Trường THCS Tiền Phong (thành phố Thái Bình).

Diễn đàn năm nay có sự tham gia của 4 trường: THCS Tiền Phong và Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình); Tiểu học Đông La (Đông Hưng) và THCS thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương). Các trường đã mang đến diễn đàn những tiểu phẩm phản ánh những vấn đề đang diễn ra đối với trẻ em được xã hội quan tâm như: phòng, chống xâm hại trẻ em; bạo lực học đường; bạo lực gia đình; áp lực thi cử. 

Tham gia diễn đàn năm nay, Trường THCS Tiền Phong thể hiện tiểu phẩm “Đừng để con một mình”. Tiểu phẩm kể câu chuyện về một bé gái bị chính người tình của mẹ xâm hại ngay tại ngôi nhà của mình khi mẹ đi vắng. Tiểu phẩm phản ánh nỗi đau, sự bất hạnh của một đứa trẻ khi bị chính mẹ ruột của mình vì chạy theo đồng tiền đã vô tình đẩy con mình vào vòng nguy hiểm. 

Thầy giáo Phạm Quang Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tiền Phong chia sẻ: Trường xây dựng tiểu phẩm với mong muốn thông qua tiểu phẩm nhằm gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em có thể là người lạ, nhưng cũng có thể là chính những người thân quen trong gia đình, bạn bè, hàng xóm của bố mẹ, để các gia đình biết cách phòng tránh.

Được xem 4 tiểu phẩm do chính các em học sinh của 4 trường thể hiện, nhiều bậc phụ huynh không giấu nổi sự băn khoăn, lo lắng. 

Chị Bùi Thị Tho, xã Nam Trung (Tiền Hải) tâm sự: Tôi có hai cháu gái đều đang độ tuổi ăn học, bố cháu mất sớm, mình tôi đi làm để chăm lo ăn học cho các cháu nên việc dành thời gian quan tâm cho các cháu cũng không được nhiều. Trong khi xã hội hiện nay ngày càng phức tạp, trẻ em luôn phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại, bạo lực... Diễn đàn đã cung cấp rất nhiều kiến thức bổ ích, giúp tôi hiểu và có kỹ năng trong giáo dục con cái.

Cùng với thể hiện các tiểu phẩm, rất nhiều câu hỏi được các em đưa ra nhờ các khách mời là những chuyên gia về tâm lý, sức khỏe, pháp luật giải đáp. Chẳng hạn, câu hỏi của một em học sinh Trường THCS Tiền Phong: Chúng cháu thấy có rất nhiều đường dây điện thoại nóng dễ nhớ như số điện thoại cấp cứu 115, cứu hỏa là 114. Vậy khi phát hiện trường hợp trẻ em bị xâm hại thì cháu sẽ báo cho ai? Tổng đài điện thoại quốc gia có nhiệm vụ gì để bảo vệ trẻ em?”. Hay câu hỏi của em học sinh đến từ Trường Tiểu học Đông La: Chúng cháu được nghe trên ti vi, đài, báo có nhiều vụ trẻ em bị bạo hành ở gia đình và cả ở trường học, nhất là các trẻ em ở độ tuổi mầm non. Vậy chúng cháu muốn hỏi, hành vi như thế nào được coi là bạo lực, bạo hành với trẻ em... Và còn rất nhiều câu hỏi khiến nhiều giáo viên và phụ huynh, khách mời có mặt phải suy nghĩ và cùng thảo luận, đưa ra các giải đáp để các em biết cách xử lý khi gặp các tình huống có thể xảy ra. 

Bác sĩ Đỗ Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Thái Bình, người trực tiếp tham gia trả lời câu hỏi của các em về lĩnh vực sức khỏe, giới tính, xâm hại trẻ em chia sẻ: Tham gia diễn đàn năm nay có rất nhiều câu hỏi khiến tôi thấy thực sự phải suy nghĩ, bởi ở độ tuổi của các em thường là tuổi ăn, học, vui chơi nhưng càng ngày, xã hội càng phức tạp, nếu không trang bị kiến thức cho các em, hậu quả sẽ khó lường.

Sau gần 3 giờ tổ chức diễn đàn, điều mà các em mong muốn là các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ, chăm lo cho các em; tổ chức nhiều hơn các diễn đàn, buổi truyền thông để các em được nâng cao nhận thức, kiến thức và có thêm những kỹ năng để phòng tránh, đẩy lùi các tệ nạn xảy ra đối với trẻ em hiện nay.

Cô giáo Trần Linh Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Tiền Phong

Chủ đề diễn đàn năm nay “Trẻ em với các vấn đề trẻ em” tôi thấy rất phù hợp với thực tế xã hội hiện nay. Qua diễn đàn, nhà trường thu nhận được rất nhiều điều. Những ý kiến, mong muốn, đề xuất của các em tại diễn đàn là cơ sở để Ban giám hiệu nhà trường và thầy cô giáo định hướng tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ các em và điều chỉnh phương pháp dạy học, quản lý phù hợp hơn.

Chị Nguyễn Thị Huệ, phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình

Diễn đàn năm nay đã phản ánh được phần nào thực trạng đang xảy ra đối với trẻ em từ việc bị xâm hại, áp lực học tập đến bạo lực gia đình. Qua diễn đàn sẽ giúp tôi có thêm nhiều kiến thức để giáo dục con cái, dạy các con biết cách để phòng tránh những tình huống xấu có thể xảy ra với bản thân, không tạo áp lực với con cái để các con được phát triển toàn diện.

Em Hoàng Thị Diệp, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Đông La

Tham gia diễn đàn giúp em có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân. Em hy vọng qua diễn đàn, với những ý kiến, đề xuất chính đáng của các bạn, các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương sẽ hiểu được nguyện vọng của chúng em để có biện pháp bảo vệ, chăm sóc phù hợp.


Anh Thơ