Chủ nhật, 24/11/2024, 11:08[GMT+7]

Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Thứ 2, 03/06/2019 | 09:27:24
28,900 lượt xem
(Chuyên đề đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ tháng 6/2019)

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, di sản tư tưởng của Người được thể hiện sinh động với những nội dung khác nhau, trong đó vấn đề dân chủ được Người đặc biệt quan tâm, bởi suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tất cả cũng vì tự do dân chủ và tiến bộ con người.

Xuất phát từ vị trí, vai trò của Nhân dân trong lịch sử: “Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết”; “dân là gốc của nước”, “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tin tưởng vào sức mạnh và trí tuệ của Nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vì Nhân dân tận tâm, tận lực phục vụ là nguyên tắc tối cao, là sự nhất quán trong tư tưởng và hành động của Người. Kế thừa và phát triển các quan điểm tiến bộ về dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh lý giải khái niệm dân chủ một cách đơn giản, cô đọng, dễ hiểu, dễ thực hiện và kiểm soát. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ có nghĩa “dân là chủ”; đối lập với quan niệm “quan chủ”, thể hiện bản chất trong cấu tạo quyền lực của xã hội. Việc lý giải này thường được Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với vấn đề Nhà nước. Người nói: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là dân làm chủ”, “nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. Có thể coi quan niệm trên đây là quan niệm chính thức về dân chủ và đó là quan niệm ngắn gọn nhất phản ánh đúng bản chất và nội dung quan niệm của Người về dân chủ. 

Không những nói một cách ngắn gọn súc tích, Người còn giải thích thêm: “Nước ta là nước dân chủ; bao nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”.

Trong tác phẩm Thường thức chính trị viết năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ở nước ta chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ... Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ”. Xã hội nào bảo đảm cho điều đó được thực thi thì đó là một xã hội thực sự dân chủ. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Địa vị cao nhất là dân; mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Dân là quý nhất, mạnh nhất. “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”. “Đem tài dân, sức dân, của dân để làm lợi cho dân”.

Từ chỗ đánh giá cao vai trò của Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, Nhân dân ta từ thân phận nô lệ bước lên địa vị làm chủ là thành quả chứa đựng giá trị lớn nhất của cách mạng do Đảng lãnh đạo. Vì vậy, “đối với dân, ta đừng có làm điều gì trái ý dân”. Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân. Nhân dân làm chủ là mục đích, đồng thời là động lực của cách mạng. Làm chủ là quyền thiêng liêng của Nhân dân không ai có thể xâm phạm. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, làm sao cho họ có năng lực làm chủ, biết hưởng, dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm. Phát huy dân chủ là phát huy tài dân, muốn vậy, thì phải nghe dân, gặp dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân. Học hỏi dân để lãnh đạo dân. Theo Bác: “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”.  

Trong mối quan hệ giữa dân và Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: dân là chủ và dân làm chủ thì Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là đày tớ và làm đày tớ cho dân. Dân chủ trong xã hội Việt Nam được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Dân chủ thể hiện trên lĩnh vực chính trị là quan trọng nhất, nổi bật nhất và được biểu hiện tập trung trong hoạt động của Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi dân chủ thể hiện ở việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Trong việc xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng tới việc xây dựng Đảng với tư cách là Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo toàn xã hội. Xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Xây dựng Mặt trận với vai trò là liên minh chính trị tự nguyện của tất cả các tổ chức chính trị - xã hội vì mục tiêu chung của sự phát triển đất nước. Quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh là có bảo đảm và phát huy dân chủ ở trong Đảng thì mới bảo đảm được dân chủ của toàn xã hội. Quyền lãnh đạo của Đảng được xuất phát từ sự ủy quyền của giai cấp công nhân, của dân tộc và của nhân dân. Đảng trở thành hạt nhân chính trị của toàn xã hội là nhân tố tiên quyết để bảo đảm tính chất dân chủ của xã hội. Dân chủ trong Đảng trở thành yếu tố quyết định tới trình độ dân chủ của toàn xã hội.

Như vậy, dân chủ và dân làm chủ là cốt lõi trong khái niệm dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát huy dân chủ là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng Nhân dân. Quan điểm trên thể hiện nội dung cơ bản mà nhân loại tiến bộ thừa nhận: dân chủ nghĩa là quyền lực thuộc về Nhân dân. Theo quan điểm của Người còn cho thấy, dân chủ là một hình thức nhà nước, một thiết chế xã hội và quyền lực thuộc về Nhân dân, trong đó, bản chất của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa là vì con người, phục vụ con người, phục vụ xã hội trên tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin. Cốt lõi của dân chủ xã hội chủ nghĩa là thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể hiện ở bốn mặt gắn bó mật thiết với nhau: Bảo đảm dân quyền, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, nắm vững dân tâm. Bốn mặt đó là thước đo trình độ làm chủ của Nhân dân.

Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, các tổ chức đảng và các cấp chính quyền phải tập trung giải quyết những bức xúc, cũng như những nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải thuận lòng dân, xuất phát từ lợi ích của dân, nhằm cải thiện, nâng cao đời sống của Nhân dân. Tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân sẽ khơi dậy được sức mạnh tiềm tàng và vô tận trong Nhân dân. Để làm được điều đó, Đảng cần phải dựa vào Nhân dân, lắng nghe Nhân dân, phát huy vai trò của Nhân dân, tạo điều kiện cho Nhân dân giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, phải tôn trọng nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ cương của xã hội. Mọi biểu hiện dân chủ hình thức, hay ngược lại, dân chủ quá trớn, lợi dụng dân chủ để “kéo bè, kéo cánh”, để làm rối loạn kỷ cương, để cầu danh, trục lợi, hoặc chuyên quyền, độc đoán, đứng trên tập thể, đứng trên pháp luật, làm cho Nhân dân bất bình, cần phải bị lên án và loại bỏ. Mỗi cán bộ, đảng viên, dù ở bất cứ cương vị nào, phải gần dân, học dân, có trách nhiệm với dân. Phải trăn trở và thấy trách nhiệm của mình khi dân còn nghèo, đói. Không chỉ sẻ chia và đồng cam, cộng khổ với Nhân dân, mà còn phải biết tập hợp Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân, tổ chức, động viên, lãnh đạo Nhân dân phấn đấu thoát khỏi đói nghèo; góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.