Thứ 4, 27/11/2024, 05:31[GMT+7]

Hiệu quả từ các dự án chăn nuôi bò

Thứ 6, 14/06/2019 | 08:26:17
3,270 lượt xem
Được triển khai năm 2009 và năm 2016, dự án Heifer của Mỹ và dự án cho vay bê giống sinh sản của Quỹ thiện tâm - Tập đoàn Vingroup đã và đang mang đến những hiệu quả tích cực, tạo cơ hội giúp các hộ nghèo nâng cao đời sống và vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua đó còn góp phần trực tiếp vào kết quả giảm nghèo tại các địa phương, đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Đàn bò của gia đình ông Dương Văn Tuần (xã Bình Định, huyện Kiến Xương) phát triển tốt, giúp gia đình ổn định cuộc sống.

Năm 2016, dự án cho vay bê giống sinh sản của Quỹ thiện tâm - Tập đoàn Vingroup được triển khai tại Thái Bình với hình thức “ngân hàng bò giống”.  Sau khi hộ tiếp nhận con giống sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng thành bò trưởng thành và cho sinh bê con. Bê con phải được nuôi đến 12 tháng tuổi thì hộ nuôi có nghĩa vụ trả lại cho ban quản lý dự án để chuyển giao cho hộ tiếp theo. Sau đó, chủ hộ sẽ được toàn quyền sử dụng bò mẹ để nuôi và tiếp tục nhân giống. Dự án có tổng số 200 con bò giống sinh sản đã được Hội Chữ thập đỏ tỉnh bàn giao cho huyện Vũ Thư 55 con, huyện Quỳnh Phụ 55 con, còn lại giao cho hai huyện Đông Hưng và Hưng Hà. Đến nay 200 con bò giống đã sinh thêm 110 bê con tiếp tục hỗ trợ cho các xã Tự Tân (Vũ Thư), Bình Định (Kiến Xương), Tây An, Nam Hồng, Nam Hà (Tiền Hải).

Cùng với Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingroup, dự án Heifer của Mỹ cũng hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh số tiền trên 1 tỷ đồng. Theo đó, mỗi hộ nghèo, cận nghèo được vay từ 10 - 15 triệu đồng với mức lãi suất ưu đãi để mua con giống, trong đó chủ yếu là bò giống. Hiện nay dự án đã triển khai và trao 40 con bò cho 40 hộ nghèo tại 4 xã, mỗi xã 10 con gồm: Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ), Phong Châu (Đông Hưng), Lê Lợi, Bình Định (Kiến Xương).  Hộ vay tiến hành trả gốc và lãi hàng tháng là 450.000 đồng/tháng trong 2 năm. Như vậy, tổng đàn bò của cả 2 dự án do Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ trong 2 năm là 350 con với tổng trị giá trên 5 tỷ đồng.

Trong quá trình thực hiện các dự án, các hộ hưởng lợi được tập huấn, hướng dẫn cách làm chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, biện pháp phòng trị bệnh cho bò, phối giống cho bò. Theo đó, các xã, thị trấn cử cán bộ thú y thường xuyên tuyên truyền, giúp người dân tiêm phòng và thực hiện các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh cho bò.

Là xã đầu tiên được triển khai thực hiện dự án Heifer, Bình Định (Kiến Xương) đang duy trì và phát triển tốt các điều kiện của dự án. Sau 10 năm triển khai, đến nay, dự án là “cần câu” cho người dân nghèo của địa phương. 60/60 hộ nghèo của xã được nhận bò giống ban đầu từ dự án Heifer đã thoát nghèo. Đa số các hộ nuôi duy trì được 1 cặp bò mẹ. Một số hộ duy trì tổng đàn từ 8 - 11 con. Cá biệt, gia đình ông Dương Văn Tuần, thôn Hòa Bình luôn duy trì từ 10 - 13 con (bao gồm cả bò mẹ và bê giống), cao nhất xã. Chỉ sau 3 năm thực hiện dự án, gia đình ông đã thoát nghèo, trở thành điển hình tiên tiến của xã trong phát triển kinh tế. 

Ông Bùi Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND xã Bình Định cho biết: Dự án hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo là sự hỗ trợ rất kịp thời và hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, là nền tảng để các hộ vươn lên thoát nghèo. Để dự án đạt được hiệu quả như hiện nay phải kể đến sự nỗ lực của những người dân nghèo, cận nghèo. Nhờ có đàn bò, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 3,98% năm 2015 xuống còn 2,72% đến hết năm 2018. Dự án không chỉ cải thiện đời sống kinh tế cho người dân mà còn phát huy được tính tương trợ trong giúp nhau phát triển kinh tế của nông dân trên địa bàn xã. Thời gian tới, địa phương tiếp tục chú trọng đầu tư nhân rộng đàn bò theo dự án Heifer để các hộ nghèo của xã đều được nhận bò, vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Khác với Bình Định, Tự Tân (Vũ Thư) là địa phương vừa được tiếp nhận bò từ dự án cho vay bê giống sinh sản của Quỹ Thiện tâm - Tập đoàn Vingroup vào tháng 1/2019. 

Ông Phạm Quang Tạo, Chủ tịch UBND xã cho biết: Những hộ được nhận bò là những hộ đã được xét chọn bảo đảm đúng đối tượng, đúng các tiêu chí của đơn vị tài trợ. Chúng tôi sẽ tích cực mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò cho bà con. Đây sẽ là cơ hội để các gia đình vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn.

Thái Bình là tỉnh nông nghiệp. Trong khi bệnh dịch tả lợn châu Phi đã và đang “càn quét” ngành chăn nuôi lợn như hiện nay thì chăn nuôi bò sẽ là hướng đi mới, giúp Thái Bình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững. Chính vì thế, các dự án chăn nuôi bò do Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai đến các hộ dân nghèo không chỉ có ý nghĩa nhất thời mà còn có giá trị lâu dài, giúp các hộ vươn lên xóa nghèo bền vững. 

Ông Lê Duy Quang, Phó Chủ tịch phụ trách Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Các dự án nuôi bò đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của người dân, tạo sức bật đối với những hộ nghèo. Dự án đã giúp các hộ nghèo dần có cuộc sống ấm no, ổn định, từng bước tiến tới giảm nghèo bền vững theo đúng mục tiêu của dự án. Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh mong muốn các nhà tài trợ của các dự án tiếp tục mở rộng và nâng cao các tiêu chí để các hộ nghèo đủ điều kiện nhận nuôi bê giống.

Thu Trang

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày