Thứ 5, 28/11/2024, 18:41[GMT+7]

“Báo tỉnh” rất cần các bạn

Thứ 2, 17/06/2019 | 09:38:56
1,100 lượt xem
Trong hệ thống báo chí cách mạng nước ta, Báo Thái Bình là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói của chính quyền và nhân dân tỉnh nhà, giữ vai trò quan trọng, không chỉ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mà còn định hướng dư luận, tư tưởng cho nhân dân trước các sự kiện, sự việc trong tỉnh, trong nước và quốc tế.

Phóng viên Báo Thái Bình điện tử tác nghiệp tại Điện Biên.

Một lần đi cơ sở, được một cộng tác viên “gạo cội” giới thiệu với chính quyền địa phương “đây là bác phóng viên “báo tỉnh” về tìm hiểu...”. Từ đó, tôi nhiễm luôn cái từ “báo tỉnh” mỗi khi tiếp xúc, giải quyết vấn đề liên quan đến báo chí và cũng là để thuận theo câu nói cửa miệng khi có một ai đó nhắc tới “báo trung ương”, báo ngành nọ, ngành kia... Mới đây, một cộng tác viên cao niên hỏi tôi: “Này đồng chí Trưởng phòng Bạn đọc - Tư liệu, có những vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh, báo chí trung ương, một số báo của “hội đoàn” “xới lên, xáo xuống” chán rồi mà không thấy “báo tỉnh” đăng tin, có phải vì các phóng viên trong tỉnh không nắm được tình hình hay là vì lý do nào đó mà không thể thông tin nhanh như các báo trung ương, báo “hội đoàn” không... Tôi trình bày với anh: Báo Thái Bình mấy năm trở lại đây không ngừng cải tiến cách trình bày, nâng cao chất lượng in ấn, phát hành, đổi mới các chuyên trang, chuyên mục trên báo in, chương trình phát trên internet đối với Báo Thái Bình điện tử... “Báo tỉnh” (Báo Thái Bình) đã đưa tới cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà những thông tin bổ ích, thiết thực trong cuộc sống hàng ngày đồng thời động viên, cổ vũ tinh thần thi đua yêu nước, phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến, biểu dương những nhân tố mới, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh nhà.

Hàng ngày đi cơ sở, nắm địa bàn và tình hình, các phóng viên “báo tỉnh” tích cực thiết lập mối quan hệ mật thiết với chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể... Các phóng viên “báo tỉnh” cũng phát hiện và làm rõ nhiều vụ việc. Không riêng cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà luôn mong muốn qua “báo tỉnh” nắm bắt những thông tin phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (xã, phường) nơi mình sống mà ngược lại đối với “báo tỉnh” lại rất mong muốn bạn đọc gắn bó với báo, đọc “báo tỉnh” hàng ngày và mong muốn ngày càng có nhiều bạn đọc quan tâm viết tin, bài, chụp ảnh, quay clip cộng tác với “báo tỉnh”. Tôi tâm sự với bác cộng tác viên cao niên rằng trách nhiệm của báo chí là phải phản ánh chân thực cuộc sống, thế nhưng như các cụ nói “bàn tay không che khuất mặt trời”, phương diện nào đó, phóng viên “báo tỉnh” không thể bao quát hết tình hình cơ sở. Chỉ có các bác cộng tác viên tại cơ sở mới là người nắm bắt nhanh nhất thông tin và có thể gửi thông tin ấy cho “báo tỉnh” kịp thời. Một cái khó của “báo tỉnh” là thiếu nhân lực cần thiết cho sự đổi mới. Theo Quyết định số 338/QĐ-TW ngày 26/10/2010 của Ban Bí thư Trung ương thì Báo Thái Bình phát hành hàng ngày được chỉ tiêu biên chế là 50 nhưng trên thực tế mới có 32. Mặt khác, viết cho báo ngành, báo của các “hội đoàn”... có thể thoải mái giật tít “câu like” nhưng “báo tỉnh” thì tuyệt đối không thể. Tính chân thực phải đặt lên hàng đầu, bởi viết cho báo đảng phải đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Công tác bạn đọc và bạn đọc với “báo tỉnh” dẫu vẫn còn những nỗi niềm trăn trở, chẳng hạn như cộng tác viên bỏ bao công sức để viết một bài với bao tâm sự đầy vơi nhưng gửi lên “báo tỉnh” có khi không đúng chủ đề nên chưa đăng. Những người làm báo “nằm vùng” ở cơ sở mà chúng tôi vẫn trân trọng nhắc đến là những cộng tác viên, thông tin viên tích cực như nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh (Vũ Quý, Kiến Xương), Phạm Minh Đức (thành phố Thái Bình), nhà thơ Nguyễn Tường Thuật (Thụy Văn, Thái Thụy), Lại Tây Dương, Cao Bá Khoát, Nguyễn Công Liêm... rồi phóng viên đài TTTH các huyện, thành phố, nhiều các bác, các anh, các chị công tác tại đài truyền thanh xã, phường... vẫn hàng ngày hàng giờ có mặt ở khắp mọi nơi trong tỉnh, kịp thời chuyển đến tòa soạn “báo tỉnh” những thông tin sống động của đời sống xã hội. Gặp gỡ các bác, các anh, các chị lúc thì ở Phòng Bạn đọc - Tư liệu, khi ở cơ sở xã, phường hoặc trên cánh đồng lúa bát ngát xanh nơi thôn quê, trên những con đường ngõ xóm... là thấy ngay gương mặt tươi cuời, miệng vui vẻ sẻ chia thông tin và những buồn vui của nghề báo chứ không thấy ai thở than có ý định bỏ nghề cầm bút. Bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 với sự lan truyền chóng mặt của mạng xã hội và truyền thông đặt ra thách thức mỗi người dân đều có thể trở thành người “làm báo” trên mạng xã hội... họ cung cấp thông tin đến công chúng rất nhanh. Và như thế, việc đưa thông tin lên mạng xã hội không còn là việc của riêng người làm báo chuyên nghiệp nữa. Nhưng với mỗi cộng tác viên, thông tin viên... một yêu cầu bắt buộc là khi hòa vào “dòng chảy báo chí với mạng xã hội” thì những kỹ năng nghề nghiệp được trang bị qua trường lớp hay được tôi luyện, trau dồi qua thực tế quá trình hoạt động báo chí sẽ phải khẳng định vai trò người làm báo chân chính bằng sự cẩn trọng trong việc đưa thông tin; phải bảo đảm tính chính xác, khách quan và có trách nhiệm cao với xã hội.

Có học giả cho rằng, làm báo là một nghề không phải là hoa hồng và càng không phải được trải thảm đỏ, đó là cả một sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực cũng như bao người đọc báo, người yêu báo. Tôi càng cảm nhận rõ hơn về cái công việc “phu chữ” này mà khoa học gọi đó là nghề báo đầy nhọc nhằn cũng rất đỗi vinh quang. Một câu, một chữ khiến cả triệu con tim rung động và càng trân quý hơn sản phẩm trí tuệ của những người làm báo, những cộng tác viên, thông tin viên đang tích cực cộng tác với “báo tỉnh”, say đắm cái nghề “thư ký của thời đại” này. Cố nhà báo Hữu Thọ đã từng nói: Làm nghề báo phải giữ “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” và các anh, các chị những người làm báo cơ sở mà chúng tôi quen gọi là cộng tác viên của “báo tỉnh” như “nét son” tô thắm tờ “báo tỉnh” nhà. Xin mượn lời của cố nhà văn Nguyễn Tuân: “Nó là cái nghề dùng chữ nghĩa mà sinh sự để sự sinh”. Vẫn biết rằng với tính chất nghề nghiệp, nhà báo và người làm báo ở bất kỳ đâu vẫn phải đối mặt với những thách thức trong quá trình tác nghiệp, tôi xin được nói một câu khách khí rằng: “Báo tỉnh” rất cần các anh!


Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tôi cộng tác lâu năm với Báo Thái Bình. Có một lý do rất đời thường khi tôi chuyển công tác từ Hà Nội về Thái Bình chỉ để giúp đỡ bà xã trong công việc gia đình, tôi không phải hạng người khỏe mạnh nên cứ mùa màng là tôi tìm cách “trốn”. Và tôi nghĩ ra cách là viết bài cộng tác với Báo Thái Bình. Miệt mài viết mấy tháng trời khi đến tòa soạn lĩnh nhuận bút tôi mừng thầm “thế là đủ tiền để bà xã thuê người cấy, gặt rồi”...

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tôi là cộng tác viên lâu năm của Báo Thái Bình. Giữa tôi và anh Nguyễn Thanh có kỷ niệm sâu sắc và cùng là cộng tác viên xuất sắc của Báo Thái Bình. Tôi nhận anh Nguyễn Thanh về Sở, có công đưa anh Nguyễn Thanh từ nhà nghiên cứu thành Giám đốc Sở và anh Nguyễn Thanh lại đưa tôi từ Phó Giám đốc Sở thành nhà nghiên cứu. Đó cũng là lý do chúng tôi cộng tác bền lâu với Báo Thái Bình.


Nhà thơ Nguyễn Tường Thuật, hội viên Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh

Người làm báo chính là cây cầu là con thuyền đưa thông tin từ khắp mọi nơi đến với nhân dân, đến với các cơ quan quản lý xã hội nhằm hướng tới giá trị chân thiện mỹ... Tôi ở vùng quê bên cạnh những con người “chân lấm, tay bùn” nên bước chân ra đường là đá ngay cọng rơm khô. Chất quê đã hóa thi ca và Báo Thái Bình chính là cầu nối văn học nghệ thuật đến với công chúng thôn quê.


Lê Quang