Thứ 5, 28/11/2024, 18:27[GMT+7]

Phóng viên trẻ cần có 3 chữ “K”

Thứ 2, 17/06/2019 | 09:46:20
8,270 lượt xem
Một trong những yếu tố “ghi điểm” của phóng viên khi làm việc ở các cơ quan báo chí là thực hiện được nhiều kỹ năng cho hoạt động báo chí như viết, quay phim, chụp ảnh, dẫn hiện trường, sử dụng các thiết bị công nghệ... Do đó, vấn đề đặt ra cho mỗi phóng viên, đặc biệt là phóng viên trẻ phải có ít nhất 3 chữ “K”: kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật và công nghệ để tiến tới chữ “K” thứ tư, đó là kinh nghiệm.

Báo Thái Bình sản xuất chương trình truyền hình trực tiếp “Trái tim nhân ái” lần II. Ảnh: Thành Tâm

Trước hết về kiến thức, ngày còn nhỏ, bố mẹ tôi thường nói: Con mà không chịu khó học thì sau này chỉ có vác cày theo trâu mà sống. Ý của bố mẹ tôi là học kiến thức trên trường, trên lớp, học ở sách vở để thoát cảnh “chân lấm tay bùn” nhưng sau này tôi ngẫm lại, nếu có phải vác cày theo trâu thì cũng phải học cách cày. Không ai tự nhiên có kiến thức nên từ việc nhỏ nhất, làm cái gì cũng phải học. Do đó, lúc nhỏ thì học những kiến thức cơ bản, lớn lên khi đã định hướng công việc, nghề nghiệp thì lại chọn học những ngành, lĩnh vực mình lựa chọn. Mỗi người có những cách học khác nhau như học ở trường, học bạn, học online, tự học... để trang bị kiến thức lập thân, lập nghiệp.

Đối với nghề báo, có nhiều người không học chuyên ngành báo chí nhưng lại là cây bút khá sắc sảo nhưng cũng có người học chuyên ngành báo chí ra trường chưa chắc đã trở thành nhà báo. Bởi ngoài các môn chuyên ngành, sinh viên còn phải học rất nhiều môn như Triết học, Tiếng Anh, Tin học, Tiếng Việt thực hành, Toán... Tuy nhiên, nhiều sinh viên còn coi nhẹ hoặc lười học các môn này và lười đọc sách nên kiến thức bị hổng. Những người làm báo, ngoài học các môn chuyên ngành và các môn khác được học ở trường ra rất cần trang bị cho mình nhiều kiến thức khác. Thực tế cho thấy, khi sinh viên báo chí ra trường cầm trên tay tấm bằng khá, giỏi nhưng khi đi làm ở các cơ quan báo chí một số người không làm được việc. Bởi chưa hiểu những lĩnh vực mình phụ trách. Cụ thể, như phóng theo dõi ngành Nông nghiệp dù không chuyên sâu về các lĩnh vực sản xuất nhưng ít ra cũng hiểu cơ bản về vấn đề mình muốn viết như một năm có mấy vụ sản xuất chính, thời gian sản xuất lúa vụ xuân, vụ mùa, vụ đông, làm kinh tế VAC, nuôi trồng thủy sản, giống lúa nào là giống dài ngày, ngắn ngày... Nếu không hiểu vấn đề, khi đi khai thác thông tin không biết bắt đầu từ đâu, hỏi cái gì, lãnh đạo địa phương, người dân nói sao thì viết vậy. Sau khi hoàn thành tác phẩm thì chính tác giả cũng không hiểu nội dung mình đang viết thì phải xem xét lại mình còn hổng kiến thức gì. Hay như tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, phóng viên cũng phải trang bị cho mình nhiều kiến thức. Câu chuyện mà đồng nghiệp kể cho tôi nghe về một sự việc đã diễn ra khá lâu nhưng không bao giờ quên được: Một phóng viên trẻ của một tờ báo khá có uy tín ở Hà Nội về một doanh nghiệp nhà nước ở Thái Bình làm việc; khi đồng chí giám đốc doanh nghiệp giới thiệu là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty, phóng viên hỏi lại, thế đồng chí đã là đảng viên chưa? Vì vậy, ngoài kiến thức học ở trường, mỗi phóng viên cần trang bị cho mình những kiến thức về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng... để làm báo.

Đối với kỹ năng, đây được coi là yếu tố cốt lõi nhất của người làm báo. Bởi khi tuyển sinh đối với ngành báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền bắt buộc phải thi năng khiếu báo chí. Đối với những người không học báo chí, khi làm phóng viên ở các cơ quan báo chí cũng phải có năng khiếu làm báo mới có thể thực hiện được các kỹ năng sáng tạo tác phẩm. Những năm qua, việc đào tạo chuyên ngành báo chí ở các trường đại học, nhất là Học viện Báo chí và Tuyên truyền không ngừng đổi mới về nội dung và phương pháp truyền đạt để sinh viên nắm bắt được xu hướng làm báo hiện đại. Theo đó, sinh viên được hướng dẫn những kỹ năng để sáng tạo cho từng loại hình, thể loại báo chí... Cùng với những kỹ năng được học ở trường, sau khi ra trường đi làm, phóng viên trẻ cần trang bị thêm cho mình những kỹ năng từ thực tế. Tại một lớp tập huấn về nghiệp vụ báo chí, giảng viên cho chúng tôi xem một phóng sự truyền hình về tình hình lũ lụt ở một tỉnh để “nhặt sạn” cho phóng sự này. Trong phóng sự có đoạn phóng viên tác nghiệp tại hiện trường ăn mặc rất thời trang, có người cầm ô che, miệng cười rất tươi; hậu cảnh là các lực lượng chức năng và người dân đang gồng mình chống lũ... Qua hình ảnh này cho thấy phóng viên thiếu chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng xử lý trong hoàn cảnh này, hình ảnh gây phản cảm với công chúng khi ăn mặc không phù hợp với hoàn cảnh, tươi cười trước thiên tai, sự vất vả, mất mát của người dân vùng lũ. Hay khi đưa tin về một vụ trẻ em đuối nước, phóng viên trẻ cũng cần có kỹ năng ứng xử, giao tiếp với gia đình có con bị tai nạn trước khi khai thác thông tin. Trong tình huống này, có những việc làm tưởng chừng nhỏ như nét mặt, trang phục, cử chỉ hành động mà phóng viên không chú ý cũng có khi “mang họa” vào thân và thất bại trong khai thác thông tin... Vì vậy, tùy vào từng sự kiện, điều kiện tác nghiệp cụ thể, phóng viên cần có những kỹ năng tác nghiệp sao cho phù hợp, đạt hiệu quả cao.

Cùng với kiến thức, kỹ năng thì kỹ thuật và công nghệ là một trong những điều kiện rất cần thiết đối với mỗi phóng viên, đặc biệt là phóng viên trẻ trong xu hướng làm báo hiện nay. Bởi, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động không nhỏ đến hoạt động truyền thông đại chúng nói chung, báo chí nói riêng. Hầu hết các cơ quan báo chí đang đổi mới nhằm theo kịp sự phát triển của công nghệ 4.0, như đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông. Do đó, đòi hỏi phóng viên phải sử dụng thành thạo các thiết bị thông minh theo xu hướng của báo chí hiện đại như báo chí dữ liệu, đa phương tiện, tòa soạn hội tụ. Như vậy, phóng viên cần phải đa năng từ viết đến sản xuất video clip, audio, chụp ảnh... để  truyền thông trên nền tảng internet được tích hợp trong một tác phẩm báo chí, hoặc tác phẩm đơn lẻ.

Hiện nay, báo chí đa phương tiện là một trong những ưu thế để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng cũng như xu hướng phát triển của báo chí trong thời đại 4.0. Để đáp ứng được điều này, các cơ quan báo chí đã và đang đổi mới mạnh mẽ cả về nhân lực, trang thiết bị, phong cách làm việc, giao diện trang báo... Như vậy, với xu hướng làm báo hiện nay, đòi hỏi phóng viên trẻ ít nhất phải có 3 chữ “K”, nếu làm tốt những việc này thì phóng viên trẻ sẽ vững vàng trong nghề.


Nhà báo Vũ Anh Thao, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Tổng biên tập Báo Thái Bình, Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Bình

Cái thời phóng viên chỉ biết một việc (viết hoặc chụp ảnh, quay phim hoặc làm phát thanh) đã dần qua đi. Làm báo đa phương tiện đòi hỏi mỗi phóng viên phải thực hiện được nhiều kỹ năng từ viết tin, bài, chụp ảnh, sản xuất video clip, audio, làm báo trên mobile, sử dụng các phần mềm hỗ trợ trong làm báo... Hiện nay, phóng viên trẻ ngoài được học các kiến thức, kỹ năng còn được tiếp cận kỹ thuật và công nghệ rất sớm nên bắt kịp với xu hướng làm báo hiện đại. Phóng viên trẻ nào chịu khó học hỏi, say nghề, sử dụng thành thạo công nghệ để sáng tạo tác phẩm báo chí thì phóng viên đó mới trụ vững trong nghề.

PGS, TS Hà Huy Phượng, Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nếu các nhà báo trẻ hội tụ đủ 3 chữ “K”: kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật và công nghệ một cách chuẩn chỉ thì làm nghề sẽ “vững như kiềng 3 chân”.  Có hai con đường để mỗi người trang bị kiến thức cho mình, gồm được học và tự học. Được học, đó là mỗi người được đến trường, lớp để học tập; tự học, bằng việc đọc nhiều, hỏi nhiều, học ở mọi nơi, mọi lúc, mọi chỗ, bởi kiến thức nó không tự đến với mình. Đối với kỹ năng, có 2 nhóm kỹ năng mà các nhà trường đào tạo báo chí chú trọng, đó là kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Kỹ năng cứng là những kỹ năng hướng dẫn sinh viên báo chí thực hiện sáng tạo, tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí. Kỹ năng mềm là những kỹ năng sống, ứng xử, giao tiếp, xử lý các tình huống khó khăn... mà trong quá trình sống, tác nghiệp phóng viên gặp phải. Đồng thời, phóng viên trẻ phải làm chủ kỹ thuật và công nghệ mới - đó là công cụ để sáng tạo ra những sản phẩm báo chí hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Phóng viên Phạm Hưng, Báo Thái Bình

Do từ làm báo in chuyển sang làm báo đa phương tiện nên phóng viên trẻ như tôi còn gặp nhiều khó khăn trong sáng tạo tác phẩm báo chí, do thiếu kinh nghiệm, kỹ năng tác nghiệp như quay phim, dựng, dẫn hiện trường...Những năm gần đây, Báo Thái Bình thường xuyên phối hợp với Hội Nhà báo Thái Bình, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, các giảng viên báo chí có uy tín trong và ngoài nước mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho phóng viên như về “Kỹ năng sử dụng các công nghệ di động smartphone, flycam, sản xuất video trên báo điện tử”, “Kỹ năng làm báo đa phương tiện”, sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình online... nên tôi đã học hỏi được rất nhiều để thực hiện công việc, đáp ứng được yêu cầu làm báo đa phương tiện.


Nguyên Bình