Thứ 7, 16/11/2024, 00:31[GMT+7]

Tâm sự của phóng viên chiến trường

Thứ 5, 20/06/2019 | 08:22:29
3,544 lượt xem
12 năm tác nghiệp ở chiến trường với hàng nghìn thước phim giá trị ghi lại những khoảnh khắc khốc liệt ở những điểm nóng của đất nước đã để lại cho ông những ký ức khó quên về một thời chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Đó là nhà báo Phạm Hữu Doanh, thương binh hạng 4/4, xã Phú Châu (Đông Hưng).

Nhiều kỷ vật được nhà báo Phạm Hữu Doanh lưu giữ.

Khó khăn khi tác nghiệp

Nhà báo Phạm Hữu Doanh, sinh năm 1935 vốn là giáo viên dạy văn hóa của Trường sĩ Quan pháo binh. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ông được phân về Xưởng phim quân đội và được cử đi học lớp phóng viên quay phim. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp lớp phóng viên quay phim, cùng với chiếc máy quay của Nga, cuốn sổ ghi chép, chiếc ba lô con cóc... ông rong ruổi khắp các chiến trường miền Nam, miền Bắc, sang cả nước bạn Lào để ghi lại hiện thực cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc. 

Ông kể: Đất nước có chiến tranh, thời điểm ấy ai cũng vất vả, người chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền lại càng gian khổ, thiếu thốn trăm bề, đặc biệt là khi tác nghiệp ở chiến trường. Máy móc lạc hậu, nặng, có khi phải đeo trên người chiếc máy ảnh nặng đến 5kg. Phóng viên ít trong khi chiến trường rộng, quân đội đông, chiến sự diễn ra ác liệt nên phóng viên chúng tôi suốt ngày đi. Cũng vì đi nhiều nên tôi có cơ hội để khai thác nhiều đề tài từ những gương chiến đấu dũng cảm của chiến sĩ, kinh nghiệm đào hầm, tổ chức ăn ở, sinh hoạt, tình hình giữ gìn sức khỏe bộ đội...

Với phóng viên chiến trường, ngoài việc ghi lại hiện thực của cuộc chiến tranh, việc chuyển tải thông tin kịp thời về tòa soạn cũng là một vấn đề vô cùng khó khăn. 

“Khi đã có những bức ảnh, những thước phim, tôi luôn cố gắng làm sao phải lựa chọn để dựng lại rồi truyền tải cho kịp thời. Nhưng ở chiến trường nhiều khi đang chọn ảnh, dựng phim, có chiến sự chúng tôi lại phải chuyển chỗ đóng quân ảnh hưởng rất nhiều đến việc đưa thông tin về tòa soạn. Chưa kể, việc bảo quản phim cũng khó khăn, chúng tôi phải cắt nhỏ từng cuộn phim, bọc cẩn thận trong túi nilon, sau đó mới quấn quanh vòng nhét vào cát tút để gửi nhờ các đoàn xe vận tải. Cẩn thận là vậy nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh, khó tránh khỏi trường hợp bị mất, hỏng hoặc thất lạc” - nhà báo Phạm Hữu Doanh chia sẻ.

Càng gian khổ, càng vinh quang

Cầm trên tay những cuộn phim đã hoen gỉ được cất kỹ trong hộp, ông tự hào khoe với tôi: Nhờ những cuộn phim này mà tôi mới có những thước phim, bức ảnh giành giải cao tại các cuộc liên hoan phim ảnh trong nước và quốc tế. 

Ông kể: Năm 1967, tôi được phân công đi quay trận chiến Xiêng Khoảng ở Lào. Với bút danh là Thao Chăn, tôi cùng các chiến sĩ tình nguyện của Việt Nam đã không ngại gian khổ, dầm mưa, chịu đói khát để ghi lại từng trận đánh của quân tình nguyện Việt - Lào. Sau nhiều tháng rong ruổi ở mặt trận, những thước phim quay được tại Xiêng Khoảng được tôi dựng thành phim “Chiến thắng Xiêng Khoảng”. Năm 1968, phim mang dự thi tại Cộng hòa Dân chủ Đức và giành giải Bồ câu vàng. Ngoài ra, rất nhiều thước phim về trận chiến đấu anh dũng của quân đội ta ở Thành cổ Quảng Trị, Hà Nội 72 ngày đêm, đại thắng mùa xuân năm 1975... đều được ông ghi lại là những nhân chứng sống về cuộc chiến đấu anh dũng của quân đội ta trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc.

Chia sẻ thêm về những trải nghiệm của phóng viên chiến trường, nhà báo Phạm Hữu Doanh cho rằng, có ở trên chiến trường mới cảm nhận được sự mong manh giữa sự sống và cái chết. Ông kể: Năm 1969, tôi tham gia trận đánh Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) để lấy lại một vị trí do địch đánh chiếm. Trận đánh diễn ra vào ban đêm. Khi ta chiếm được căn cứ địch, quân địch có hầm ngầm chúng rút quân xuống hầm, trinh sát của ta không phát hiện được. Sáng hôm sau từ dưới hầm chúng phản kích, may mắn thoát được nhưng tôi cũng bị đạn bắn bị thương với tỷ lệ thương tật 31%. Lần chết hụt đấy là kỷ niệm mà không bao giờ tôi có thể quên. Nếu không có lòng say nghề, không dám xông pha vào những nơi ác liệt nhất thì không thể làm được phóng viên chiến trường. Với phóng viên chiến trường, càng gian khổ thì càng vinh quang.

Năm 1978, sau những năm tháng tác nghiệp ở chiến trường, ông chuyển về công tác tại Đài PTTH Thái Bình. Với những đóng góp cho điện ảnh, ông vinh dự được Đảng và Nhà nước trao Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý, bằng khen của Hội Điện ảnh Việt Nam. Theo nghiệp cha, người con trai cả của ông giờ cũng là cán bộ đài truyền thanh của xã, hàng ngày, hàng giờ thông tin về tình hình chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh và địa phương. 

Giờ đây mỗi khi đến ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, những thước phim cất kỹ lại được ông mang ra lau chùi tỉ mỉ. 

“Những thước phim không chỉ là những ký ức về 12 năm tác nghiệp ở chiến trường của tôi mà đó còn là minh chứng về cuộc chiến hào hùng của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc” -  ông Doanh tâm sự.

Nguyễn Cường