Thứ 5, 28/11/2024, 18:44[GMT+7]

Những nữ “nhà báo làng” tâm huyết

Thứ 6, 21/06/2019 | 08:27:54
1,373 lượt xem
Làm báo đã khó, nhưng làm báo “ở làng” thì còn vất vả, khó khăn hơn. Vì lẽ ấy, hầu hết nhân viên đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn - những “nhà báo làng” đều là cánh nam giới sức dài vai rộng. Thế nhưng, trên thực tế vẫn có không ít những nữ “nhà báo” vẫn ngày ngày miệt mài, tâm huyết với công việc làm báo ở làng, ở xã.

Phóng viên Đài TTTH Vũ Thư tác nghiệp tại cơ sở.

Ở tuổi gần 50, chị Phạm Thu Phương, Trưởng đài Truyền thanh xã Xuân Hòa (Vũ Thư) có hơn 20 năm gắn bó với việc “làm báo” ở quê mình. Hơn 20 năm trước, nhờ chất giọng truyền cảm, khả năng dẫn chương trình lưu loát, lại nhiệt tình với việc của xã, của thôn, chị Phương được lãnh đạo xã tin tưởng phân công công việc ở Đài Truyền thanh xã, bắt đầu bén duyên với “báo làng” từ đây. Với người khác, công việc này vất vả, phụ cấp bèo bọt, chẳng mấy người thiết tha nhưng với chị Phương, đó lại là niềm vui, vinh dự khi được truyền tải những thông tin bổ ích đến với người dân. Khi ấy, con còn nhỏ nhưng đều đặn mỗi buổi sáng sớm, chiều muộn, cứ đúng giờ chị Phương lại có mặt để mở đài, tiếp âm đài cấp trên và thực hiện chương trình đài cơ sở. Những hôm mưa gió, rét buốt, tờ mờ sáng chị đã phải dậy lóc cóc đạp xe ra xã, trực loa máy. Nhiều đợt bão đổ bộ, việc ruộng vườn, nhà cửa chưa kịp thu xếp, chị Phương phải bỏ cả lại để lo công tác trực và phát sóng ở đài xã. Xuất phát từ tình yêu, đam mê với công việc, nhưng lại chưa được đào tạo cơ bản nên chị Phương gặp không ít khó khăn khi “tác nghiệp” và thể hiện các tác phẩm tin, bài cho chương trình của đài xã. Chị Phương lại cần cù, tỉ mỉ, chịu khó tìm hiểu, tham khảo học hỏi, “học lỏm” cách viết, cách dùng từ, dùng câu thông qua nghe đài, đọc báo, xem ti vi. Phụ cấp của trưởng đài xã hiện nay mới được hơn 1 triệu đồng, mấy năm nay, chị Phương phải làm thêm công việc của thợ phụ trong công ty may mặc để lo cho gia đình. Thế nhưng, cứ sau mỗi giờ ở công ty về, chị lại xông xáo hết làng trên, xóm dưới, gặp gỡ từ đội ngũ cán bộ xã, thôn đến bà con nhân dân để nắm bắt thông tin và viết tin, bài tuyên truyền kịp thời. Chị Phương chia sẻ: Nhiều khi bận quá, phải đến đêm khuya, mọi người đã đi nghỉ ngơi hết, chị mới lọ mọ ngồi viết tin, bài. Chồng chị thương vợ vất vả, khuyên chị nên nghỉ việc ở đài xã nhưng chị Phương vẫn đam mê, gắn bó với nghề. Niềm vui khi được truyền tải những thông tin hữu ích cho người dân quê mình là động lực lớn nhất giúp chị Phương vượt qua mọi khó khăn, gắn bó với nghề.

Cùng ở Đài Truyền thanh xã Xuân Hòa, chị Ngô Thị Hiển, sinh năm 1983 cũng có 15 năm gắn bó với công tác truyền thanh cơ sở. Công việc của một nữ Bí thư Chi bộ thôn Thanh Bản 2 (xã Xuân Hòa), kiêm nhân viên văn thư, lại đảm đương 5 sào ruộng của gia đình đã khá vất vả với chị Hiển, thế nhưng cũng vì trách nhiệm với công việc chung, chị Hiển vẫn kiên trì làm công việc của “nhà báo làng”. Thông thường, đối với phụ nữ, thời điểm chiều tối luôn bận rộn với việc bếp núc, chăm lo cho bữa cơm gia đình, chăm sóc con cái, ngược lại, chị Hiển ngày ngày cặm cụi bên máy móc, mi-crô, tin, bài ở đài truyền thanh xã. Phụ cấp vài trăm nghìn đồng mỗi tháng thật sự quá ít ỏi nhưng chị Hiển không lấy làm nản, vì với chị, niềm vui đơn giản là được làm công việc mình yêu thích, được cống hiến cho làng xã, cho quê hương.

Chị Phương, chị Hiển (Đài Truyền thanh xã Xuân Hòa) thực hiện sản xuất chương trình phát thanh cơ sở.

Chia sẻ chân thành, chị Trần Thị Thu Hường, cán bộ Đài Truyền thanh xã Song Lãng (Vũ Thư) cho biết: Nếu chỉ nhìn vào thu nhập, thì không ai chọn công việc ở đài truyền thanh cơ sở. Nhất là đối với phụ nữ, công việc này vừa vất vả, vừa đòi hỏi nhiều thời gian, phụ cấp thấp, nếu không có đam mê, nhiệt huyết với công việc thì không thể làm được. Chị Hường kể lại câu chuyện vui của mình: Tôi nhớ đợt đầu mới làm công việc ở đài xã. Hôm đó tôi được phân công trực mở máy tiếp âm và làm chương trình buổi sáng. Thời điểm đó mùa đông, trời mưa phùn lất phất, mới hơn 4 giờ sáng tôi đã phải dậy để đi trực. Quãng đường từ nhà ra đài xã tuy không xa, nhưng vốn nhát gan, trời lại mưa rét, tối đen, đường vắng tanh không một bóng người, vừa đạp xe tôi vừa run rẩy vì sợ. Vừa vất vả, vừa nhát tối nên ban đầu tôi cũng nản nhưng yêu nghề nên dần tôi cũng vượt qua mọi khó khăn. Mỗi lần đài phát sóng xong, chỉ cần bà con động viên: “Này, bài hôm nay cô viết hay đấy!” là tôi quên hết mệt mỏi, vất vả và lại tiếp tục cố gắng. Nếu có mong mỏi, tôi không mong cho riêng mình mà mong tỉnh, huyện quan tâm hơn, nâng thêm một chút phụ cấp cho đội ngũ cán bộ đài truyền thanh cơ sở, để anh chị em làm việc cũng cảm thấy đỡ tủi.

Ông Đào Văn Tưởng, Giám đốc Đài TTTH huyện Vũ Thư cho biết: Tuy lực lượng cán bộ đài truyền thanh cơ sở của huyện hiện nay gần 90 người nhưng do đặc thù công việc vất vả nên hiện chỉ có 4 nữ “nhà báo làng”, trong đó có 1 chị giữ vai trò trưởng đài, còn lại 3 chị là cán bộ đài truyền thanh xã. Hầu hết các chị đều có thời gian gắn bó khá dài với công tác truyền thanh cơ sở. Mặc dù so với nam giới, thì chị em phụ nữ có nhiều khó khăn hơn trong quá trình công tác vì sức khỏe yếu hơn, phải dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, tuy nhiên, thời gian qua, các nữ “nhà báo làng” trên địa bàn huyện đều rất nhiệt tình, tích cực, cần mẫn và trách nhiệm với công việc. Các đài cơ sở có chị em tham gia công tác thì việc tiếp âm, sản xuất chương trình phát thanh của đài luôn bài bản, đều đặn, nhờ sự đóng góp, tham gia của các chị. Thậm chí như chị Phương, chị Hường... do đam mê học hỏi đến nay viết tin, bài chắc tay không kém là mấy so với những phóng viên của đài huyện, đài tỉnh. Chính tình yêu, sự đam mê với nghề của các chị là động lực để anh em nam giới phải học hỏi, vươn lên, từ đó cùng nhau gắn bó, cống hiến nhiều hơn cho công tác truyền thanh ở cơ sở.

Quỳnh Lưu