Chủ nhật, 24/11/2024, 10:50[GMT+7]

Mục tiêu đến hết năm 2020, toàn tỉnh phát triển đàn trâu, bò đạt 70.000 trở lên

Thứ 3, 02/07/2019 | 14:37:39
1,531 lượt xem
Sáng ngày 2/7, UBND tỉnh họp nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 – 2025 và những năm tiếp theo; Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo về việc giải quyết đề nghị của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại Hà Nội.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Audio: 030719_ubnd_tinh_nghe_va_cho_y_kien_mixdown.mp3

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp có các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị và huyện, thành phố.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 năm qua (2013 - 2018), số lượng đàn trâu của tỉnh tăng từ 5.801 con (năm 2013) lên 6.280 con (năm 2018), tốc độ tăng bình quân đạt 1,65%/năm; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng năm 2018 đạt 795 tấn, tốc độ tăng bình quân đạt 15,49%/năm. Số lượng đàn bò của tỉnh tăng từ 44.109 (năm 2013) lên 48.592 con (năm 2018), tốc độ tăng bình quân đạt 2,03%/năm; sản lượng thịt bò năm 2018 đạt 7.883 tấn, tốc độ tăng bình quân đạt 26,25%/năm. Toàn tỉnh hiện có trên 60 điểm giết mổ trâu, bò nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trong tỉnh với khoảng 5.355 tấn thịt trâu, bò mỗi năm. 

Mục tiêu đến hết năm 2020, toàn tỉnh phát triển đàn trâu, bò đạt 70.000 con trở lên, trong đó đàn trâu, bò cái nền đạt 30.000 con trở lên; xây dựng được 2 trang trại “lõi” trở lên đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết. Hết năm 2025, tổng đàn trâu, bò của tỉnh đạt 180.000 con trở lên, trong đó đàn trâu, bò cái nền đạt chuẩn 80.000 con trở lên; xây dựng từ 3 – 5 trang trại “lõi” trở lên đầu tư chăn nuôi trâu, bò theo chuỗi liên kết và phát triển được từ 25.000 – 28.000 nông hộ, gia trại chăn nuôi trâu, bò vệ tinh; thu hút đầu tư xây dựng từ 1 – 2 khu giết mổ gia súc tập trung.  

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến liên quan đến mục tiêu tăng trưởng, căn cứ, cơ sở để thực hiện các mục tiêu của đề án; công tác quy hoạch đất tập trung xây dựng trang trại “lõi” xa khu dân cư bảo đảm vệ sinh môi trường, quy hoạch diện tích khu trồng cỏ bảo đảm nhu cầu thức ăn trong chăn nuôi; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người chăn nuôi.

Cũng trong buổi sáng, UBND tỉnh nghe Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo giải quyết đề nghị của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại Hà Nội. Khu đất Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại Hà Nội dự kiến thực hiện dự án phát triển nhà ở có diện tích 12.632,3m2 thuộc địa giới hành chính phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình). Tuy nhiên trong quá trình thực hiện phát sinh một số vướng mắc về việc lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết, trình tự, thủ tục giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Phát biểu kết luận, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh việc chuyển đổi sinh kế cho người chăn nuôi từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi đại gia súc là hướng đi đúng đắn, đồng thời đề nghị trong quá trình xây dựng, triển khai tổ chức thực hiện đề án phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 – 2025 phải bảo đảm các điều kiện: tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; vận động và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng trang trại “lõi”; có sự tham gia của người dân trong việc chăn nuôi bò và cung ứng các sản phẩm phục vụ cho chăn nuôi bò; sử dụng đệm lót sinh học để xử lý môi trường. Quan điểm, mục tiêu của đề án phải bảo đảm theo tinh thần Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo, trên cơ sở đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở, ngành liên quan nghiên cứu cụ thể hóa các mục tiêu.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất 8 mục tiêu, giải pháp đã nêu trong đề án, đồng thời yêu cầu phải bổ sung vào đề án nhiệm vụ, giải pháp cụ thể liên quan đến các tổ chức trong hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Để đàn trâu, bò phát triển bền vững cần phải dự báo nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình chăm sóc, phát triển đàn trâu, bò, từ đó có chính sách, giải pháp, kế hoạch tuyển dụng, huấn luyện, đào tạo nguồn nhân lực. 

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, tiếp thu, bổ sung để sớm hoàn thiện đề án.  

Về việc giải quyết đề nghị của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại Hà Nội, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết dứt điểm các tồn tại liên quan đến khu đất dự kiến thực hiện dự án phát triển nhà ở của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại Hà Nội.

Thanh Huyền