Chủ nhật, 17/11/2024, 10:55[GMT+7]

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương

Thứ 5, 04/07/2019 | 18:06:41
1,817 lượt xem
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 4/7, Chính phủ tổ chức phiên họp trực tuyến với các địa phương để đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 050719_hoi_nghi_truc_tuyen_mixdown.mp3

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị, địa phương, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm tăng trưởng GDP ước đạt 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm từ 2011 - 2017. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,64% so với cùng kỳ. 

Thu ngân sách nhà nước ước đạt 52,8% dự toán, chi ngân sách nhà nước ước đạt 40,8% dự toán. Tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế ước đạt 7,08% so với cuối năm 2018, tăng 6,14% so với cùng kỳ năm 2018 - cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất, kinh doanh, trong đó cơ cấu tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tốt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. 

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 822.900 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018. Đăng ký thành lập doanh nghiệp vẫn duy trì được đà tích cực với tổng số gần 67.000 doanh nghiệp được thành lập mới với vốn đăng ký đạt trên 860.000 tỷ đồng. 

Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, giải pháp xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, sáng tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp được tăng cường thực hiện, từ đó tạo niềm tin và sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ 6 tháng đầu năm; tình hình thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử và tình hình đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm. 

Phần tham luận, các đại biểu tập trung phản ánh về các vấn đề lớn, đang có khó khăn, vướng mắc cần Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ, gồm vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở cấp cơ sở, những vấn đề về phân cấp, phân quyền cho địa phương, cơ sở và giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2019.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, bộ, ngành, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra; đồng thời giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp kiến nghị của các đại biểu dự họp, chuyển các cấp, bộ, ngành có thẩm quyền xem xét, giải quyết. 

Điểm lại những thời cơ cũng như rủi ro, khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các các cấp, bộ, ngành, địa phương phải chủ động theo sát diễn biến để có ứng phó kịp thời; thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ đó là kiên quyết không lùi bước trước những khó khăn, thách thức, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, phát huy hơn nữa tinh thần vượt khó, đổi mới, sáng tạo, chủ động, linh hoạt, thích ứng với tình hình, quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2019, góp phần thực hiện thành công kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm như: theo dõi, bám sát, cập nhật, đánh giá đầy đủ các rủi ro bên ngoài; theo dõi, đánh giá đúng tác động thị trường tài chính, thị trường quốc tế, thị trường ngoại hối, có giải pháp kịp thời bảo đảm ổn định lãi suất và tỷ giá ngoại tệ, tạo bước đệm chống chọi với các cú sốc từ bên ngoài. 

Đại biểu dự hội nghị trực tuyến phiên họp tại điểm cầu tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Đối với mục tiêu phát triển kinh tế, để phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,6 - 6,8%, Thủ tướng yêu cầu các cấp, bộ, ngành và các địa phương cần chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi, tăng cường thúc đẩy xuất khẩu nông thủy sản, lưu ý đến công tác phòng chống thiên tai, cháy rừng; tiếp tục tìm cách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Việt Nam nhất là các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao và doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, thân thiện với môi trường; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và vốn vay ưu đãi nước ngoài ODA; có những giải pháp toàn diện hơn để phát triển du lịch; chú trọng đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tháo gỡ vướng mắc trong xử lý nợ xấu, từ đó đóng góp tích cực hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế của đất nước; giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn, thực chất hơn môi trường kinh doanh nhất là việc thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, đưa việc cải cách môi trường đầu tư kinh doanh làm tiêu chí thi đua ở mọi địa phương, mọi ngành, xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, hối lộ, khẩn trương hoàn thành việc rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết theo đúng tiến độ, chất lượng đã đề ra, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển; giao các bộ, ngành liên quan tham mưu thành lập tổ công tác đặc biệt đón làn sóng FDI vào Việt Nam; có các biện pháp quyết liệt giải quyết các vấn nạn như bạo lực học đường, gian lận trong thi cử, tệ nạn ma túy đá, tín dụng đen…

 Minh Hương