Thứ 5, 05/12/2024, 02:43[GMT+7]

Đâu cũng là quê hương cả…

Thứ 3, 09/07/2019 | 10:22:20
6,315 lượt xem
“Thái đen, Thái trắng, Thái Bình/ Ba Thái đồng tình xây dựng Điện Biên” là câu ca quen thuộc đi vào tiềm thức của bao thế hệ những người dân Điện Biên. Bởi lẽ cùng với hai Thái bản địa, người Thái Bình lên khai hoang, mở đất, rồi gắn bó cả cuộc đời mình với mảnh đất nơi cực Tây Tổ quốc. Được gặp, được nghe những người con quê lúa giãy bày tâm sự, chúng tôi mới hiểu rằng với họ dù ở Thái Bình hay ở Điện Biên đâu cũng là quê hương cả…

Anh Khiết cùng vợ chuyện trò với người dân bản Chạng.

Nơi chúng tôi tìm đến đầu tiên là bản Chạng, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo. Nơi đây nằm trong một thung lũng nhỏ, cách TP. Điện Biên Phủ chừng 90km, là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái, ngành Thái đen với những nếp nhà sàn san sát. 

Vào những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, nơi đây cũng là một trong số những điểm dừng chân của đoàn người Thái Bình lên khai hoang, mở đất. Qua bao thời gian với nhiều thăng trầm, biến cố, bản Chạng chỉ còn 3 hộ dân người Thái Bình gắn bó với mảnh đất này. 

Một trong số đó là anh Nguyễn Văn Khiết, nguyên quán An Hiệp, Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình). Hơn 40 năm xa quê hương, anh Khiết vẫn giữ được cho mình giọng nói Thái Bình rất “ngọt” chẳng lẫn được vào đâu. Thậm chí, ngôi nhà gỗ mà vợ chồng anh đang ở cũng được thiết kế mang hơi hướng của kiến trúc 3 gian 2 chái truyền thống của đồng bằng Bắc Bộ. 

Rót cho chúng tôi chén nước chè tươi nóng hổi, anh chậm rãi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của những ngày xưa cũ… Thực hiện chủ trương của Trung ương về vận động đồng bào miền xuôi lên xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa miền núi, hàng nghìn hộ dân Thái Bình hăng hái lên với Điện Biên. Gia đình anh cùng với hơn 20 hộ lên khai hoang, mở đất tại khu vực này vào năm 1979. Vào thời điểm đó anh mới chừng hơn 3 tuổi, hoài niệm về quê hương chẳng có nhiều. Thay vào đó là những ký ức tuổi thơ gắn bó với đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Bấy giờ núi rừng còn hoang vu, thăm thẳm, vô cùng bỡ ngỡ với những người đồng bằng như gia đình anh. May mắn thay, các hộ dân “chân ướt, chân ráo” lên đây nhận được sự đùm bọc, yêu thương của những người dân bản xứ. Họ chặt cây, xẻ gỗ làm nhà ở, giúp người đồng bằng làm quen với môi trường mới để yên tâm lao động sản xuất. Dần dần, cuộc sống của 2 Thái: Thái đen và Thái Bình ngày càng hòa hợp. Minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó là việc anh đem lòng yêu rồi kết duyên cùng một “nàng Ban” của núi rừng Tây Bắc. Không chỉ vậy, dù có giọng nói đặc trưng miền quê lúa, nhưng khi chuyện trò cùng người bản địa, vốn ngôn ngữ Thái đen của anh không hề thua kém trai bản chính cống… Chẳng thế mà người dân nơi đây tín nhiệm, bầu anh giữ nhiều chức vụ quan trọng của bản. Thời gian thấm thoắt trôi, nhiều hộ dân không còn gắn bó với nơi đây mà chuyển đi nơi khác, người vào TP. Điện Biên Phủ, người về lại cố hương… Riêng gia đình anh vẫn bám trụ, tiếp tục cuộc sống yên bình bên ở bản Chạng. 

Anh Khiết tâm sự: Gia đình tôi vẫn có nhà, đất dưới quê đấy chứ nhưng thỉnh thoảng ghé về thăm. Nơi đây gắn bó như máu thịt bởi cả bố mẹ, vợ con tôi đều ở cả mảnh đất này. Hơn nữa, tôi thích cuộc sống bình dị ở nơi đây với những người đồng bào dân tộc chân chất, thật thà, luôn gắn bó với tôi như những người họ hàng thân thiết… Giao thông ngày nay thuận tiện, nhớ quê muốn về cũng chỉ mất một đêm trên xe khách. Các cháu đi học chuyên nghiệp tôi cũng dặn dò thường xuyên về thăm quê cho khỏi quên nguồn cội. Mà anh em họ hàng hay đồng hương đi qua Tuần Giáo cũng rẽ vào thăm nhà tôi luôn… Mấy người xa quê chúng tôi cũng tập hợp nhau lại, lập nên Hội đồng hương huyện Quỳnh Phụ tại Tuần Giáo và một số huyện lân cận, năm nào cũng thăm hỏi động viên nhau. Vậy nên, dù ở Thái Bình hay Điện Biên, với tôi đâu cũng là quê hương cả mà thôi…

Cuộc gặp gỡ cụ Vũ Kiệm, nguyên quán Tiền Hải (Thái Bình), hiện đang sinh sống tại phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) là một trong số những người đầu tiên lên khai hoang, mở đất. Khi đó lòng chảo Điện Biên vẫn là chiến trường còn ngổn ngang bom đạn. Công tác lâu năm và nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên những năm 80 của thế kỷ trước, nên chuyện về người Thái Bình ở đất Ðiện Biên này cụ Kiệm nắm như lòng bàn tay. Những năm 1960 - 1961, cùng với những cựu chiến binh ở lại xây dựng nông trường, dòng người Thái Bình lên Ðiện Biên bắt đầu thành lập các hợp tác xã nông nghiệp để mở rộng diện tích sản xuất, chủ yếu là làm lúa nước. Những hộ dân lên đợt đầu được bố trí ở mạn dưới, thuộc khu vực xã Pom Lót (huyện Điện Biên) bây giờ. Ngoài ra, cũng có những hộ được phân công vào tận khu vực bản Ta Lét, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên). Từ những hợp tác xã ban đầu, dần dà các hộ dân lên sau mới phát triển ngược lên phía xã Thanh Xương, Thanh Hưng, Thanh Nưa (huyện Điện Biên). Có lẽ bởi người dân bản địa mến khách, sẵn sàng chia sẻ ruộng nương, trâu bò cho những người ở đồng bằng nên dòng người Thái Bình lên với Ðiện Biên không dứt, cho đến những năm 1985 vẫn có những hộ rời quê lên xây dựng kinh tế mới. Theo thống kê vào thời điểm đó, dân số huyện Ðiện Biên có đến 38% dân tộc Kinh, chủ yếu đến từ quê lúa Thái Bình. Và những người đi mở đất ấy đã đóng góp rất nhiều mồ hôi, nước mắt và cả xương máu trong việc xây dựng và phát triển Ðiện Biên. Không chỉ khai khẩn, mở rộng diện tích sản xuất lên gấp 2, 3 lần, biến mảnh đất chiến trường thành ruộng lúa xanh tươi, những người con của quê hương 5 tấn còn mang theo kỹ thuật sản xuất lúa nước chuyển giao cho người Thái, Mông, Tày… tại Ðiện Biên. 

Theo lời cụ Vũ Kiệm, trước đây người Thái canh tác hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, không chú trọng chăm sóc nên năng suất lúa tương đối thấp, chỉ đạt 1,8 - 2 tấn/ha/năm đối với lúa nước, 1 tấn/ha/năm đối với lúa nương. Với kinh nghiệm nhiều đời truyền lại, người Thái Bình đã mang kỹ thuật làm cỏ, chăm sóc lúa theo từng thời kỳ… giúp họ thay đổi cách thức sản xuất xưa cũ. Nhờ vậy, năng suất lúa dần tăng lên, đến năm 1967 - 1968 đạt tới gần 5 tấn/ha/vụ… Hầu hết thế hệ những người đầu tiên ấy đều đã coi Điện Biên là quê hương thứ 2 của mình. Chính vì vậy, dẫu da diêt nỗi nhớ quê nhưng ai cũng ra sức cố gắng, nỗ lực chung tay vào công cuộc xây dựng, kiến thiết mảnh đất Ðiện Biên ngày càng giàu đẹp. Thời gian qua đi, lớp người đầu tiên đã ở tuổi xế chiều như cụ Kiệm, nhiều người nghĩ đến chuyện về lại quê hương, an hưởng tuổi già. Nhưng ngẫm lại, gần như cả cuộc đời đã gắn bó với Ðiện Biên, lớp con cháu cũng đã tiếp nối nhiệm vụ của các bậc tiền nhân mà cống hiến sức mình cho mảnh đất này nên các cụ chẳng nỡ rời xa…

Những người như anh Khiết, cụ Kiệm và hàng nghìn người Thái Bình khác đều là những người con của quê lúa chót nặng lòng với mảnh đất nơi cực Tây Tổ quốc. Theo sự phát triển của thời gian và xã hội, ngoài lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là thế mạnh, các thế hệ thứ 2, thứ 3 của người Thái Bình năm xưa đã và đang tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Giáo dục, y tế, sản xuất công nghiệp, lực lượng vũ trang… Qua đó, góp phần xây dựng và phát triển mảnh đất Ðiện Biên – quê hương thứ 2 của họ ngày càng phát triển phồn vinh.

Diệp Chi