Thứ 7, 23/11/2024, 22:02[GMT+7]

Thái Bình: Công tác dân số trong tình hình mới

Thứ 5, 11/07/2019 | 08:22:33
4,075 lượt xem
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, Kế hoạch số 61-KH/TU, công tác dân số - KHHGĐ của Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tư vấn cung cấp kiến thức về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ.

Ngày 25/12/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21, ngày 11/1/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Kế hoạch số 61-KH/TU thực hiện Nghị quyết số 21. Theo đó, Thái Bình đề ra mục tiêu: duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững; phấn đấu đến năm 2030 duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con), quy mô dân số 1,83 triệu người.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, Kế hoạch số 61-KH/TU, công tác dân số - KHHGĐ của Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2018 là năm thứ 18 Thái Bình duy trì được mức sinh thay thế (2 con/bà mẹ). Tỷ số giới tính khi sinh 110,6 nam/100 nữ (năm 2018), giảm 0,5 điểm phần trăm so với năm 2017.  Tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi. 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại. Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã chủ động, tích cực tham mưu cho Sở Y tế và UBND tỉnh phê duyệt các đề án nâng cao chất lượng dân số: đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đề án tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên.

Cùng với đạt các chỉ tiêu đề ra, công tác phối hợp giữa các ngành thành viên ban chỉ đạo công tác dân số - KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở, trong đó nổi bật là các cơ quan như Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thái Bình, Đài PTTH Thái Bình... trong các hoạt động thông tin, tuyên truyền Nghị quyết số 21-NQ/TW; các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, quy định của địa phương, phản ánh các hoạt động về công tác dân số trong tình hình mới được thực hiện chủ động, thường xuyên. Đặc biệt, năm 2018 hoàn thành việc sáp nhập trung tâm dân số - KHHGĐ huyện vào trung tâm y tế huyện, chuyển về trực thuộc Sở Y tế quản lý, thành lập phòng dân số - truyền thông giáo dục sức khỏe thuộc trung tâm y tế; 286/286 cán bộ chuyên trách dân số xã là chức danh của trạm y tế (chức danh 6); trên 2.690 cộng tác viên y tế - dân số. Các hoạt động chuyên môn cũng được triển khai tích cực và đã đạt được những kết quả quan trọng. Các mô hình nâng cao chất lượng dân số bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Thành lập mới 64 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, 20 câu lạc bộ các bà mẹ có con tuổi vị thành niên, thanh niên, 41 câu lạc bộ các bạn gái tiêu biểu. Duy trì hoạt động các câu lạc bộ tại 16 xã thực hiện mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, 157 xã thực hiện mô hình kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, 83 xã thuộc đề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển. 

Chương trình sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh tiếp tục được triển khai tại Bệnh viện Phụ sản và Trung tâm sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh (Bệnh viện An Đức). Toàn ngành đã tổ chức gần 1.300 hội nghị truyền thông, nói chuyện chuyên đề về các vấn đề công tác dân số trong tình hình mới ở các xã, phường, thị trấn thu hút hàng vạn đối tượng là cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia đồng thời tổ chức tập huấn cho bí thư chi bộ, thôn trưởng, tổ trưởng tổ dân phố, trạm trưởng trạm y tế xã về công tác dân số trong tình hình mới; tập huấn nghiệp vụ cho nhân viên y tế thôn, tổ dân phố kiêm cộng tác viên dân số...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số - KHHGĐ của Thái Bình đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tỷ lệ người cao tuổi chiếm tỷ lệ trên 14% dân số; số năm sống khỏe còn thấp. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ngày càng tăng (5 tháng đầu năm 2019 là 19,9%) trong đó có gần 300 cặp vợ chồng là cán bộ, đảng viên mang thai, sinh con thứ ba trở lên. Tỷ số giới tính khi sinh giảm nhưng vẫn ở mức cao. Tỷ lệ nạo phá thai, đặc biệt là ở lứa tuổi vị thành niên và thanh niên có chiều hướng tăng. Tỷ lệ xét nghiệm chẩn đoán sàng lọc trước sinh và  sơ sinh còn thấp.

Để từng bước khắc phục khó khăn, hạn chế, phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh sẽ tích cực tham mưu  Tỉnh ủy, UBND tỉnh quán triệt và triển khai tinh thần, nội dung của Nghị quyết số 21-NQ/TW, Nghị quyết số 137/NQ-CP, Kế hoạch số 61-KH/TU sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn cán bộ các cấp theo định hướng dân số và phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn; phát huy tối đa sự chủ động của địa phương, đơn vị. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Cung cấp đầy đủ, kịp thời các biện pháp tránh thai và dịch vụ KHHGĐ an toàn, hiệu quả, đa dạng, thuận tiện với chất lượng ngày càng tốt hơn cho các đối tượng, bảo đảm  thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch. Thúc đẩy cung ứng PTTT tiếp thị xã hội, xã hội hóa. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện công tác dân số, các mô hình, đề án tại cấp huyện, xã. Đặc biệt là tăng cường hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, thanh tra chuyên ngành các vi phạm pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Thực hiện quản lý chương trình dân số - KHHGĐ trên cơ sở triển khai phần mềm kho dữ liệu điện tử tại cấp xã. Đẩy mạnh hiệu quả của các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như: chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, đề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển, chương trình tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số... Qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Thái Bình.

BSCKII Nguyễn Văn Phỏng
(Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày