Thứ 5, 14/11/2024, 11:06[GMT+7]

Nan giải bài toán về nước ở các đảo du lịch

Thứ 6, 12/07/2019 | 11:17:40
1,534 lượt xem
Mùa khô năm nay, nhiều địa phương ở miền Trung phải đối diện với nguy cơ khan hiếm nước sinh hoạt, nhất là tại hai đảo du lịch Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) và Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tình trạng thiếu nước ngọt đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của người dân nơi đây.

Hàng ngày, bà Nhứt phải đến nơi đặt hệ thống đường dây dẫn nước từ trên suối để lấy nước mang về sinh hoạt

Người dân và du khách đều “khát”

Những ngày nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ nước của bà con xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam tăng lên rất nhiều. Thế nhưng, bể chứa phục vụ nước sinh hoạt cho cả xã đảo ở Bãi Bìm có dung tích 80 ngàn m3 đã cạn khô và không thể cung cấp một giọt nước nào.

Bà Lê Thị Nhứt, nhà ở thôn Bãi Ông, Cù Lao Chàm cho biết, 4 ngày trở lại đây, giờ giấc sinh hoạt của cả gia đình bị đảo lộn bởi tình trạng thiếu nước. Tương tự bà Nhứt, mấy hôm nay, gia đình anh Võ Phúc Sinh cũng lâm vào tình cảnh lao đao vì nhu cầu sử dụng nước cứ thiếu trước hụt. Để tiết kiệm nguồn nước dự trữ tại nhà, vào buổi sáng và tối, anh Sinh tranh thủ chạy xe máy lên khe nước để tắm giặt.

Cù Lao Chàm có 40 homestay, một số cơ quan hành chính như Ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, UBND xã Tân Hiệp, một khu chợ tập trung. Tất cả đều sử dụng chung nguồn nước từ hồ Bãi Bìm. Năm nào người dân cũng đối diện với tình trạng thiếu nước nhưng đây là lần đầu tiên căng thẳng nhất trong nhiều năm qua.

 Người dân xã đảo Tân Hiệp tranh thủ chạy xe máy lên khe suối để lấy nước 

Không chỉ Cù Lao Chàm, thiếu nước dường như đã trở thành vấn đề cấp bách ở nhiều địa phương, nhất là những nơi có vị trí cách biệt. Tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang đối diện với nguy cơ thiếu nước trầm trọng vì mạch nước ngầm bị xâm nhập mặn.

Do đặc điểm không có nguồn nước tự nhiên từ sông, suối nên hầu hết hoạt động sinh hoạt, sản xuất của khoảng 22.000 người dân đảo Lý Sơn phụ thuộc dường như hoàn toàn vào nguồn nước ngầm khai thác từ hơn 2 ngàn giếng nước nơi đây. Nóng hạn cũng đồng nghĩa các giếng nước khô cạn hoặc nhiễm mặn.

Khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, từ năm 2012 đến nay, mực nước ngầm ở đảo tụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, mực nước đo vào cuối 2017 tụt 5m so với năm 2012. Riêng năm 2018, mực nước tụt nhiều hơn 1m.

Ngoài nỗi lo thiếu nước sản xuất (đây cũng thời điểm nông dân Lý Sơn xuống giống hai vụ hành) thì nỗi lo lớn nhất chính là nước sinh hoạt phục vụ du lịch. Để có nước phục vụ du lịch, nhiều hộ dân ở đảo Bé (Lý Sơn) đã phải mua nước từ đảo Lớn, mỗi lần chuyển qua tàu chỉ chuyển được 5 khối với giá 1,1 triệu đồng, còn vận chuyển từ cầu cảng về nhà thì 100 ngàn đồng một xe/một khối. 

Cần giải pháp bền vững

Ông Ngô Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, mực nước ngầm sụt giảm cộng với tốc độ phát triển du lịch và các hoạt động kinh doanh trên đảo nên việc thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt là khó tránh khỏi. Hiện tại, nước trong bể ở Bãi Bìm đang cạn trơ đáy và không thể dẫn về để phục vụ cho gần 3 nghìn người dân trên đảo và khách du lịch.

Vào mùa khô, những giếng nước ở Lý Sơn cũng đang cạn dần 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, nguồn nước ngầm suy giảm, thì tại các đảo có vị trí tách biệt, nước ngọt ngày càng trở nên khan hiếm. Vì vậy, ngoài sử dụng khoa học, tiết kiệm thì việc đánh giá trữ lượng, lập quy hoạch, kế hoạch khai thác bền vững cũng là điều nên tính tới, nhất là trước áp lực gia tăng dân số cơ học thông qua các hoạt động du lịch.

Theo baotainguyenmoitruong.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày