Thứ 7, 16/11/2024, 02:18[GMT+7]

Chàng trai “quê lúa” khởi nghiệp trên cao nguyên Mộc Châu

Thứ 2, 15/07/2019 | 09:36:45
2,399 lượt xem
Trong lần đến thăm trang trại của Công ty Cổ phần Chimi Việt Nam tại bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La), chúng tôi ấn tượng với chàng thanh niên có dáng người nhỏ nhắn, nhiệt tình, say mê giới thiệu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch. Hỏi thăm mới biết đó là anh Đào Trọng Hùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Chimi Việt Nam, chàng trai thế hệ 9x sinh ra và lớn lên tại Thái Bình, rời xa phố thị lên khởi nghiệp tại cao nguyên Mộc Châu.

Anh Đào Trọng Hùng tư vấn, giới thiệu cơ hội về việc làm trong ngày hội việc làm huyện Mộc Châu năm 2019.

Cơ duyên với cao nguyên Mộc Châu

Đến thăm trang trại của Công ty Cổ phần Chimi Việt Nam, ai nấy đều trầm trồ ấn tượng với những loài hoa ôn đới rực rỡ đủ sắc màu, những luống hoa được trồng theo hình trái tim dưới tán rừng thông cổ thụ; trong nhà lưới, những luống bắp cải, cà chua hay những luống dâu tây xanh mơn mởn. 

Trò chuyện với tôi, chàng Phó Giám đốc trẻ dễ mến, giọng nói trầm ấm, truyền cảm, kể về cơ duyên gắn bó với mảnh đất cao nguyên. Qua câu chuyện tôi được biết Đào Trọng Hùng sinh năm 1992, xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư (Thái Bình). Sinh ra, lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp, tiếp xúc với nghề nông từ nhỏ, năm tháng tuổi thơ vất vả cùng gia đình, Hùng luôn đau đáu câu hỏi: “Vì sao người nông dân quanh năm vất vả nhưng chỉ đủ ăn?”. Với quyết tâm phải học tập thật tốt để thoát khỏi cuộc sống lam lũ, khó khăn..., Năm 2010 Hùng thi đỗ vào ngành Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Năm 2014, Hùng tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi và không khó tìm được công việc tốt tại Công ty SamSung Việt Nam với mức lương đáng mơ ước của nhiều sinh viên mới ra trường. Kể đến đây, Hùng ngừng lời, trầm ngâm một lúc rồi anh bảo: Không biết có phải vì sự vất vả, lam lũ của tuổi thơ hay vì câu hỏi của năm xưa trong mỗi lần về quê “Làm sao để làm giàu từ nông nghiệp?” đã thôi thúc tôi đi đến quyết định xin nghỉ việc tại Công ty Sam Sung Việt Nam vào tháng 8/2016, tìm hướng đi mới xuất phát từ nông nghiệp. Để thực hiện ý tưởng này, tôi đã dành hai tháng đi đến một số tỉnh từ Bắc vào Nam, tham quan, học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp.

Khi đó, Tây Bắc - Mộc Châu còn khá xa lạ đối với Hùng. Qua tìm hiểu, Hùng biết Mộc Châu có khá nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được triển khai như: rau sạch của HTX Tự Nhiên, cà chua GreenFarm; dâu tây của Hoa cảnh Cao Nguyên, chanh leo của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc... Hùng đã liên lạc với anh Vũ Văn Lực, là đồng môn cùng trường đại học với Hùng, lúc đó anh Lực đang làm vườn dâu tây tại Mộc Châu, nhờ anh đưa đi tham quan các mô hình nông nghiệp của Mộc Châu. Khi đến mảnh đất cao nguyên Mộc Châu, Hùng có một ấn tượng đặc biệt, sự thu hút đến kỳ lạ, Hùng đã dành ba tháng để tìm hiểu và khám phá Mộc Châu. 

Hùng chia sẻ: Qua tìm hiểu tôi nhận thấy Mộc Châu là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp trong đó điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu rất phù hợp cho các loại cây ôn đới. Ở đây thích hợp với nhiều loại cây trồng mới, có thể kết hợp với dịch vụ du lịch, đây là hướng đi mới và đầy tiềm năng có thể khai thác. Con người nơi đây rất dễ mến, Mộc Châu còn là quê hương thứ hai của rất nhiều người từ các tỉnh đồng bằng lên khai hoang từ nhiều năm trước và đã cùng với đồng bào địa phương làm giàu trên mảnh đất này. “Đất lành chim đậu”, tôi quyết định chọn vùng đất này để khởi nghiệp.

Mô hình trồng cà chua sạch của Công ty Cổ phần Chimi Việt Nam.

Phát triển nông nghiệp sạch gắn với du lịch

Sau quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, tháng 8/2017, Đào Trọng Hùng cùng với người bạn học năm xưa là Vũ Văn Lực và một số người bạn cùng chí hướng đã góp vốn, đăng ký thành lập Công ty Cổ phần Chimi Việt Nam với mục tiêu đầu tư trồng dâu tây áp dụng công nghệ cao tại khu vực bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu). Anh Lực là Giám đốc Công ty còn Hùng là Phó Giám đốc phụ trách quản lý bộ phận kinh doanh, cùng nhau bàn bạc, hoạch định chiến lược đưa Công ty ngày càng phát triển, từng bước khẳng định vị trí, thương hiệu. 

Hùng cho biết: Qua bàn bạc, chúng tôi xác định trồng nông sản sạch chưa đủ, nếu kết hợp nông nghiệp sạch với du lịch sẽ tạo hứng thú, thu hút nhiều du khách. Đặc biệt, dâu tây là loại cây trồng mới, sẽ thu hút du khách tới trang trại để được giới thiệu cách trồng, chăm sóc cây dâu tây, được tự tay hái và sử dụng loại quả này. 

Theo Hùng, thuận lợi nhất khi kết hợp mô hình này là khu trang trại của Công ty gần rừng thông bản Áng, vốn là địa điểm du lịch được nhiều người biết đến. Do đó, khi du khách đến rừng thông sẽ tìm đến với trang trại dâu tây tham quan, trải nghiệm. Công ty trồng nhiều loài hoa xung quanh trang trại để khu du lịch rừng thông bản Áng ngày càng đẹp hơn, thu hút nhiều khách du lịch.

Chính từ ý tưởng đó, Công ty đầu tư hơn 6.000m2 nhà lưới để làm du lịch trải nghiệm. Toàn bộ diện tích trồng dâu tây của Công ty được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động; trên các luống dâu tây đều phủ nilon nên không tốn công chăm sóc, làm cỏ. Công ty mở cửa miễn phí cho du khách đến tham quan nên trang trại dâu tây của Công ty tại bản Áng đã thu hút nhiều du khách. Vào những ngày cuối tuần, có hàng nghìn lượt du khách từ nhiều tỉnh, thành phố đến tham quan, trải nghiệm và mua sản phẩm. Đặc biệt, từ ngày đi vào hoạt động, Công ty đã đón nhiều đoàn khách của trung ương, các tỉnh, thành phố, các huyện trong tỉnh Sơn La đến tham quan, học tập mô hình này.

Chưa dừng lại ở đó, giữa năm 2018, nhận thấy nhu cầu thị trường với quả dâu tây còn rất lớn, qua tìm hiểu trên địa bàn huyện Mộc Châu thấy tại khu đồi chè trái tim (thị trấn Nông trường Mộc Châu) thu hút khá đông khách du lịch nhưng lại chưa có nhiều sản phẩm dịch vụ phục vụ du khách, Hùng tiếp tục đề xuất với Công ty mở thêm trang trại trồng dâu tây tại nơi này với mục đích mở rộng diện tích trồng dâu, quảng bá thương hiệu của Công ty đến đông đảo khách du lịch. Và Hùng lại được Công ty giao nhiệm vụ trực tiếp xây dựng, quản lý, điều hành khu trang trại mở mới. Sau 4 tháng thi công hạ tầng, tiến hành trồng và chăm sóc cây, đầu năm 2019, trang trại dâu tây thứ hai của Công ty rộng 8.000m2 tại khu vực đồi chè trái tim mở cửa đón khách du lịch. Qua 6 tháng đi vào hoạt động, bước đầu đã thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm, qua đó, đóng góp đáng kể vào doanh thu của Công ty.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Chimi Việt Nam là đơn vị trồng nhiều dâu tây nhất trên địa bàn huyện Mộc Châu, vụ dâu tây năm 2018 - 2019 (từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau), Công ty trồng 6ha, thu được hơn 60 tấn quả, với giá bán từ 200.000 - 400.000 đồng/kg tùy từng loại quả, mang lại nguồn thu tiền tỷ cho Công ty. Với quy trình trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, các sản phẩm quả dâu tây của Công ty được nhiều khách hàng ưa chuộng, tin dùng. Hiện nay, quả dâu tây tươi được bán cho khách du lịch đến trải nghiệm, số còn lại chuyển về Hà Nội bán thông qua các siêu thị. Ngoài ra, Công ty nghiên cứu, chế biến thành công một số sản phẩm từ quả dâu tây như: siro dâu tây, mứt dâu tây, kẹo dâu tây... để bán cho khách tham quan. Bên cạnh đó, sau mỗi vụ dâu tây, Công ty trồng thêm rau bắp cải, cà chua... hàng năm thu trên 80 tấn rau, cung ứng cho các siêu thị tại Hà Nội. Công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng; vào vụ thu hoạch dâu, Công ty thuê hơn 50 lao động/ngày để thu hái quả. Trước giá trị, hiệu quả kinh tế từ cây dâu tây mang lại, vụ trồng dâu tây năm nay Công ty tiếp tục thuê thêm đất, mở rộng diện tích trồng dâu tây từ 10 - 11ha.

Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, Hùng khiêm tốn: Người Thái Bình vốn cần cù, chịu khó; truyền thống đó đã giúp tôi rất nhiều trong những ngày đầu khởi nghiệp cùng Công ty. Bởi, sau 6 năm học đại học và làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, quay trở lại với những công việc lao động chân tay, tiếp xúc với đất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... thời gian đầu rất khó khăn. Hơn nữa, nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi sự hiểu biết sâu, phải áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nên bản thân tôi phải tìm tòi các tài liệu, giáo trình trong nước, nước ngoài, tự trau dồi kiến thức cho bản thân để thực hiện các mô hình... 

Được biết, để có kết quả như hôm nay là cả sự nỗ lực của bản thân Hùng cùng các thành viên trong Công ty. Nhiều đêm Hùng thức trắng suy nghĩ, trăn trở để tìm hướng đi phù hợp. Mấy tháng trời tìm hiểu các mô hình nông nghiệp ở Mộc Châu, Hùng vẫn giấu gia đình. 

“Sau khi Công ty đi vào hoạt động một thời gian, tôi mới đưa gia đình lên tham quan; thấy Mộc Châu có khung cảnh đẹp, khí hậu trong lành, con người gần gũi, thân thiện, đặc biệt, thấy mô hình của chúng tôi cũng hay, thu hút nhiều du khách nên gia đình ủng hộ cao, động viên anh em chúng tôi phát triển mô hình này” - Hùng nói.

Tuy thời gian khởi nghiệp ở Mộc Châu chưa lâu nhưng Hùng và các anh em trong Công ty đã xác định gắn bó lâu dài với cao nguyên Mộc Châu, coi đây là quê hương thứ hai của mình. Bởi vậy, Hùng cùng với Ban giám đốc Công ty tiếp tục phát triển Công ty trên nền tảng nông nghiệp kết hợp dịch vụ du lịch, phấn đấu là doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng thương hiệu dâu tây Mộc Châu.

Việt Anh
(Báo Sơn La)