Thứ 7, 23/11/2024, 21:23[GMT+7]

Cơ sở cai nghiện ma túy công lập tỉnh: Sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới

Thứ 3, 16/07/2019 | 08:55:33
9,875 lượt xem
Cơ sở cai nghiện ma túy công lập tỉnh là tên gọi mới trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục và Lao động xã hội thuộc UBND thành phố và Trung tâm Cai nghiện ma túy và Chăm sóc đối tượng xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo Quyết định số 848 ngày 29/3/2019 của UBND tỉnh. Từ khi sáp nhập đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn, cán bộ, nhân viên Cơ sở luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Lao động trị liệu giúp hiệu quả trong công tác cai nghiện.

Cơ sở cai nghiện ma túy công lập tỉnh hiện có hai cơ sở, cơ sở 1 tại xã Đông Lĩnh (Đông Hưng) đang điều trị cai nghiện cho 200 học viên, cơ sở 2 tại phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) đang điều trị cai nghiện cho gần 100 học viên. Sở dĩ vẫn duy trì hai cơ sở do cơ sở 1 chưa đáp ứng được yêu cầu điều trị cai nghiện cho 500 đối tượng theo quy mô của đề án. Bởi hiện nay, ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, con người thì việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện cũng gặp nhiều khó khăn. 

Ông Hoàng Hoa Thám, lãnh đạo phụ trách Cơ sở cai nghiện ma túy công lập tỉnh cho biết: Hiện nay, qua thống kê toàn tỉnh có gần 5.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trên thực tế số đối tượng sử dụng ma túy nhiều hơn rất nhiều so với hồ sơ quản lý, từ đó dẫn tới tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến rất phức tạp. Mặc dù Cơ sở cai nghiện ma túy công lập tỉnh hiện tại với hai cơ sở có khả năng đáp ứng được 500 học viên nhưng mới chỉ có khoảng 300 học viên đang cai nghiện bắt buộc. Lý do số học viên đưa vào cai nghiện bắt buộc tại cơ sở ngày càng khó do những quy định tại Nghị định số 136 của Chính phủ có những bổ sung, sửa đổi chặt chẽ hơn so với các quy định trước đây. Cụ thể, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định. Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy hoặc trong thời hạn 1 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện. Thứ hai, là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, có nơi cư trú ổn định, bị chấm dứt thi hành quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy. Thứ ba, là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, không có nơi cư trú ổn định. Với những quy định trên, việc đưa người nghiện ma túy vào Cơ sở cai nghiện ma túy công lập tỉnh bắt buộc có những khó khăn về thủ tục, người nghiện ma túy phải có quyết định của tòa án, được nhận quyết định trước khi được đưa vào cơ sở nên rất nhiều đối tượng sau khi nhận quyết định đã bỏ trốn khỏi địa phương.

Để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, ngay từ khi học viên được tiếp nhận vào cơ sở cai nghiện, sau khi được phân loại, điều trị cắt cơn, học viên sẽ được điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, thăm khám sức khỏe định kỳ. Cùng với chăm sóc y tế, học viên được lao động trị liệu, rèn luyện tay nghề và phục hồi kỹ năng lao động đã bị suy giảm do nghiện ma túy. Học viên tham gia lao động trị liệu được phân công công việc phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và giới tính. 

Học viên Nguyễn Văn Q. chia sẻ: Vào Cơ sở, ngoài điều trị cắt cơn chúng tôi được lao động thông qua học một số nghề. Nơi điều trị, làm việc thoáng mát, có quạt, có máy tập thể dục thể thao vì thế tư tưởng chúng tôi cảm thấy thoải mái. 

Ông Tô Văn Hoài, Phó Trưởng phòng Điều trị nội trú cho biết: Khi học viên vào đây, hầu hết ở mức nghiện nặng, sức khỏe rất yếu nên tập trung điều trị sức khỏe sau đó chuyển sang lao động phù hợp với khả năng. Trong thời gian cai nghiện bắt buộc hầu hết học viên đã lấy lại được cân bằng về tâm lý, sức khỏe và có động lực, quyết tâm để cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng. Bởi hơn ai hết, họ đã phải trải qua những khó khăn, vất vả khi còn đang là người nghiện tại cộng đồng.

Việc cắt cơn, từ bỏ được nghiện ma túy trong thời gian cai nghiện bắt buộc đã khó, việc để họ không tái nghiện khi ra ngoài cộng đồng khó khăn hơn nhiều. Theo một số khảo sát, tỷ lệ tái nghiện lên tới 60 - 90%. Trước thực trạng này, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, theo ông Hoàng Hoa Thám, các cấp, các ngành cần quan tâm nhiều đến việc kiểm soát, phòng, chống người nghiện và sử dụng ma túy ngoài cộng đồng. Riêng với Cơ sở, khi học viên tái hòa nhập cộng đồng, Cơ sở luôn theo dõi và quản lý hồ sơ, thường xuyên phối hợp với các điểm tư vấn cai nghiện của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội để quản lý học viên ngoài cộng đồng cũng như hỗ trợ cho người nghiện và thân nhân người nghiện để hiểu biết phòng tránh tái nghiện. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách đồng bộ của các cấp, các ngành tạo điều kiện cho học viên có môi trường để lao động, có việc làm để phòng, chống tái nghiện.


Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày