Thứ 7, 16/11/2024, 03:41[GMT+7]

Người Thái Bình trên quê hương Phổng Lái

Thứ 4, 24/07/2019 | 14:30:14
1,966 lượt xem
Đã gần 60 năm trôi qua, nhưng ký ức về tình đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau giữa những người con quê hương Thái Bình nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước lên xây dựng vùng kinh tế mới ở xã Phổng Lái (Thuận Châu) và đồng bào sở tại vẫn còn mãi, nhắc nhở các thế hệ tiếp nối truyền thống, xây dựng vùng quê này ngày càng phát triển.

Lựa chọn chanh leo xuất khẩu tại HTX Chanh leo Thuận Châu.

Vẹn nguyên ký ức

Xã Phổng Lái nằm ngay chân đèo Pha Đin huyền thoại, cách trung tâm huyện Thuận Châu khoảng hơn 10 km theo quốc lộ 6 hướng lên tỉnh Điện Biên. Vùng đất này có khí hậu khá mát mẻ, đất đai màu mỡ, nhiều đồng chè xanh ngát hệt như “Mộc Châu thu nhỏ”. Đây cũng chính là miền đất mà cách đây hơn nửa thế kỷ, những người con của quê lúa Thái Bình chọn làm điểm xây dựng vùng kinh tế mới nơi Tây Bắc xa xôi, mong muốn đóng góp một phần công sức để miền núi tiến kịp miền xuôi, làm sáng lên hòn ngọc của Tổ quốc.

Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội người cao tuổi của xã, dù đã ở tuổi ngoài 80, nhưng ông Trần Xuân Tư vẫn còn khá nhanh nhẹn và tràn đầy nhiệt huyết. Trong căn phòng nhỏ tại UBND xã Phổng Lái, ông Tư hào hứng kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu của công cuộc khai hoang, lập nghiệp trên vùng đất nơi chân đèo Pha Đin này. Ông Tư bảo, thời điểm ấy đang thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), Đảng ta chủ trương điều chỉnh lao động giữa các vùng, miền; chuyển một bộ phận nhân dân từ các tỉnh miền xuôi lên miền núi phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội lâu dài. Đầu năm 1961, Ban Khai hoang tỉnh Thái Bình thành lập với nhiều kỹ sư trồng trọt, chăn nuôi, bác sỹ, y sĩ, chuyên môn khác; trên 400 người phần lớn là đoàn viên thanh niên các huyện: Kiến Xương, Đông Quan, Tiên Hưng, Vũ Thư, Hưng Nhân, Thư Trì xung phong lên đường đi xây dựng vùng kinh tế mới. Rồi HTX nông nghiệp Bình Thuận ra đời - tên HTX được ghép giữa Thái Bình và Thuận Châu. Đồng chí Nguyễn Hữu Độ, Bí thư Đảng bộ Bình Thuận làm Chủ nhiệm. HTX gồm 5 đội sản xuất: Tiên Hưng, Kiến Xương, Đông Quan, Thư Vũ đóng tại địa bàn xã Phổng Lái, còn đội Hưng Nhân đóng trên địa bàn xã Chiềng Pha.

Trong hồi ức của ông Tư, Phổng Lái ngày đó hoang sơ lắm, dân cư thưa thớt, đường sá chẳng có, thiếu thốn đủ mọi thứ. Những người đi khai hoang sống tập trung trong các lán trại, mái tranh, phên nứa, thiếu rau xanh, thiếu nước sinh hoạt, lại chưa quen môi trường sống tập thể, không ít người bắt đầu nảy sinh tư tưởng ngại khó, chùn bước. Lúc mới đi hăng hái là thế, nhưng ròng rã nhiều ngày trời, lại hiện hữu trước mắt toàn thung lũng hiểm trở, rừng núi hoang vu, khiến những người thiếu kiên nhẫn dao động. Dù vậy, đa số anh chị em vẫn trụ lại, bởi bà con các dân tộc địa phương sống rất chân thành, thiếu cái ăn, cái uống, bà con hỗ trợ, thiếu chỗ ngủ thì mời về nghỉ chung nhà, ngôn ngữ bất đồng nhưng mọi người đều cảm nhận được tấm lòng của bà con đồng bào bản địa. Đáp lại tấm chân tình đó, HTX Bình Thuận đã tổ chức các lớp bình dân học vụ, tổ chức chơi bóng đá, bóng chuyền, thành lập đội văn nghệ, vừa làm phong phú đời sống tinh thần, vừa tạo mối quan hệ thân thiện, gần gũi giữa bà con miền xuôi, miền ngược. Trong đó, phải kể đến vai trò của đoàn viên thanh niên, lực lượng xung kích trong các phong trào thi đua. Với kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tích lũy được, những đoàn viên thanh niên của HTX Bình Thuận cùng với người dân bản địa tiến hành khai hoang, đắp bờ hồ Đông Quan, tạo thuận tiện cho việc đi lại và tích trữ nước để trồng rau, thả cá; vào vụ gieo hạt, đoàn viên thanh niên HTX thắp đèn, đốt đuốc để chọc lỗ bỏ hạt... vụ ngô đầu tiên, năng suất khá cao, bắp to, dài tới 30 cm, khiến ai nấy đều vui mừng; vụ lúa nương đầu tiên cũng bội thu... Tin vui liên tiếp đến, một số xã viên HTX xin phép về đón vợ con lên sinh sống và đã có khoảng 100 cặp vợ chồng cùng nhau lên lập nghiệp tại Phổng Lái. 

Lớp người đi tiên phong không chỉ góp công khai phá, ổn định đời sống trên mảnh đất Phổng Lái, mà còn giáo dục, nhắc nhở các thế hệ con cháu tiếp tục gắn bó xây dựng quê hương thứ hai. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Báu là minh chứng về sự trưởng thành của thế hệ kế tiếp. Sinh ra và lớn lên trên đất Phổng Lái, năm 1990, anh Báu đi bộ đội, đóng quân tại tỉnh Điện Biên. Xuất ngũ, anh lại trở về Phổng Lái. Ham học hỏi lại chịu khó, anh được bồi dưỡng, rèn luyện, tham gia nhiều vị trí công tác tại xã. Năm 2016, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lái, thực sự là niềm vui, tự hào của thế hệ những người con Thái Bình. Anh Báu chia sẻ: Ngoài thế mạnh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, thì truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa ba dân tộc Thái, Mông, Kinh trên địa bàn là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của Phổng Lái. Thật trân trọng khi cộng đồng bà con miền xuôi và miền ngược luôn san sẻ, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hỗ trợ, học nhau phát triển kinh tế. Bởi thế, đã có hàng trăm đôi nam nữ các miền nên nghĩa vợ chồng, sinh sôi thế hệ thứ hai, thứ ba...

 Sức sống mới nơi chân đèo Pha Đin huyền thoại

 Men theo những con đường bê-tông chạy qua các bản Kiến Xương, Thư Vũ, Tiên Hưng, Đông Quan, Mô Cổng, ở đâu chúng tôi cũng cảm nhận rõ sự trù phú. Những đồi chè xanh mướt xen giữa khung cảnh thanh bình của bản làng. Dừng chân tại đồi chè nhà bà Đặng Thị Phương (bản Thư Vũ), một trong những người đầu tiên đặt chân lên đất Phổng Lái những năm 60 của thế kỷ trước. Thấy có khách, dặn mấy đứa cháu tiếp tục hái chè, bà Phương tươi cười dẫn chúng tôi vào nhà. 

Rót chén nước hãm từ lá chè xanh hái ngoài vườn mời khách, bà Phương phấn khởi: Cây chè bén rễ đất Phổng Lái mấy chục năm rồi. Ban đầu chúng tôi chỉ trồng chè để uống chứ chưa làm hàng hóa. Bây giờ thì diện tích trồng chè đã được mở rộng, chè đã thành cây trồng chủ lực. Hồi những năm 80, còn có các công ty thu mua để xuất khẩu sang Liên Xô đấy. Trải qua nhiều thăng trầm, cây chè vẫn được xác định là thế mạnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững của đất Phổng Lái.

Quả là bà Phương không nói quá. Những cánh đồng chè xanh giờ trải khắp bản mường. Phổng Lái hiện có gần 700 ha, hơn 400 hộ trồng, chế biến, kinh doanh chè, tạo việc làm và thu nhập cho trên 2.000 lao động trên địa bàn. Để có thể xuất khẩu sản phẩm chè, nhiều công ty, doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh chè do những người quê gốc Thái Bình làm chủ, không chỉ ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong các khâu trồng, chăm sóc, chế biến sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị cây chè, mà còn hợp tác, tư vấn, hướng dẫn đồng bào các dân tộc tham gia trồng chè, thu nhập ổn định từ trồng chè. 

Anh Nguyễn Văn Khiêm, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, được mọi người coi như “bà đỡ” cho cây chè đất Phổng Lái. Trung bình mỗi năm, HTX của anh bao tiêu khoảng 2.500 tấn chè búp tươi cho bà con trong khu vực, sản xuất 500 tấn chè khô cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. 

Chúng tôi đến HTX đúng lúc rất nhiều nông dân các xã Phổng Lái, Phổng Lập, Chiềng Pha, Mường É chở chè búp tươi đến giao. 

Vừa chỉ đạo nhập chè cho bà con, anh Khiêm vừa chia sẻ: HTX đang bao tiêu toàn bộ chè búp tươi cho các hộ dân. HTX phát triển tốt cũng nhờ liên kết giữa nông dân và HTX, bà con tin tưởng đăng ký hợp đồng bán sản phẩm. Để đáp ứng, HTX đã mua sắm, lắp đặt dây chuyền sản xuất công suất lên tới 20 tấn chè búp tươi/ngày, tương đương khoảng 4 tấn chè khô thành phẩm.

Việc đưa các loại giống mới vào gieo trồng, chế biến cũng được người Thái Bình tiên phong. Một trong những loại cây trồng được người dân Phổng Lái nhắc đến sau cây chè là cây chanh leo. 

Chị Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Chanh leo Thuận Châu là người đầu tiên đưa cây chanh leo về trồng, đang từng bước xây dựng thương hiệu chanh leo nổi tiếng đất Thuận Châu. Là vợ Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Báu, chị luôn sát cánh cùng chồng chăm lo gây dựng, làm giàu cho mảnh đất quê hương thứ hai này. Điều đặc biệt, HTX của chị Bình đang có sự tham gia điều hành rất tích cực của Phó Giám đốc Thào A Hồ - chàng thanh niên dân tộc Mông rất năng động, dám nghĩ, dám làm của bản Mô Cổng. A Hồ cũng chính là người vận động người dân trong bản tích cực trồng chanh leo, tham gia HTX để liên kết sản xuất. Phổng Lái giờ có trên 50 ha cây chanh leo (mỗi ha cho thu trên 100 triệu đồng/năm).

Anh Nguyễn Văn Khiêm, Giám đốc HTX SXKD và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận kiểm tra chất lượng chè khô trước khi xuất khẩu. 

Những ngày ở Phổng Lái, được nghe biết bao chuyện về những người quê gốc Thái Bình, cảm nhận được tình đất, tình người và động lực quyết tâm đưa Phổng Lái đi lên. Tự hào lắm khi nơi đây, hiện đã có 4 doanh nghiệp, 3 HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả; 4 cơ sở chế biến, thu mua cà phê, ngô, khoai, sắn; 48 cơ sở kinh doanh, nuôi trồng thủy sản liên kết gần 1.200 hộ nông dân (chiếm khoảng 65% dân số toàn xã) tham gia chuỗi sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Cây chè, cà phê, chanh leo, nhãn ghép, xoài ghép, bơ, sa nhân... đã và đang làm giàu cho người nông dân. Số hộ nghèo từ 40% năm 2009 đã giảm xuống 7,2% năm 2018; thu nhập bình quân năm 2018 đạt 27 triệu đồng/người (tăng 17 triệu đồng so năm 2010); Phổng Lái cũng là xã đầu tiên của Thuận Châu cán đích nông thôn mới. 

Năm tháng dần trôi, rừng núi hoang vu ngày nào nay xanh mướt bởi những đồi chè, vườn chanh leo trĩu trái, vườn cây ăn quả xanh tốt, những bản làng trù phú của các thế hệ người Thái Bình, người Mông, người Thái cùng đoàn kết, gắn bó, lao động sản xuất, tô thắm bức tranh cuộc sống mới sinh động dưới chân đèo Pha Đin lịch sử.

Duy Tùng – Quàng Hưởng

 (Báo Sơn La)

(Bài dự thi viết về người Thái Bình, đất Thái Bình)