Thứ 5, 14/11/2024, 11:15[GMT+7]

Hưng Bình - Nét đẹp một vùng quê

Thứ 4, 24/07/2019 | 15:23:19
2,462 lượt xem
Với những truyền thống nổi trội: cần mẫn và năng động, đoàn kết và dân chủ, hiếu học và giàu chí tiến thủ... đã trở thành nền tảng, yếu tố quyết định hình thành, tôi luyện và phát triển nhân cách và phẩm giá con người Thái Bình. Nét đẹp ấy được những người con của “quê hương 5 tấn” gìn giữ, phát huy khi ly hương đến định cư ở bất kỳ nơi đâu trên khắp mọi miền Tổ quốc. Và, minh chứng rõ nét ngay tại bản Hưng Bình, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Dù tuổi cao nhưng ông Nguyễn Văn Lân (bản Hưng Bình, xã Bình Lư, huyện Tam Đường) vẫn tích cực lao động sản xuất.

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

Sau khi có chủ trương của Đảng vận động mỗi hộ gia đình ở miền xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới Tây Bắc, cùng với các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình... hàng trăm hộ dân của tỉnh Thái Bình tự nguyện hưởng ứng. Từ những năm 1964, nhiều hộ dân ở xã Chi Lăng, huyện Tiên Hưng (nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) lên định cư tại huyện Tam Đường. Đến năm 1966, 36 hộ dân của xã Chi Lăng chuyển sang định cư theo quy hoạch của xã ở khu vực đất của bản Pa Pe và quyết định đặt tên bản mới là Hưng Bình (ghép từ 2 tên: Tiên Hưng và Thái Bình với mục đích đời con cháu sau này luôn nhắc nhớ về nguồn cội), đồng thời thành lập Hợp tác xã Hưng Bình.

Trong câu chuyện về những ngày đầu lập nghiệp, mặc dù đã 79 tuổi nhưng trong hồi ức, ông Nguyễn Văn Lân - nguyên Chủ nhiệm HTX Hưng Bình, Bí thư Chi bộ bản, hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bình Lư vẫn nhớ như in chuỗi ngày khổ cực ngày đầu lập bản, sống trong cảnh làm công điểm, cuối tháng cầm phiếu ra kho lương thực lấy gạo. 

Ông Lân kể: Năm 1966, vợ chồng tôi tình nguyện lên xây dựng kinh tế mới tại xã Bình Lư. Do từng làm Bí thư Đoàn xã nên khi thành lập Hợp tác xã Hưng Bình (chuyên sản xuất nông nghiệp) tôi được giao làm Phó Chủ nhiệm kiêm kế toán. Vùng đất này còn hoang sơ lắm, cuộc sống của người dân sở tại rất đơn giản, ruộng làm một vụ rồi thả trâu, bò, chủ yếu vẫn là khai thác lâm sản, săn bắt thú rừng, tôm cua dưới suối phục vụ bữa ăn hàng ngày. Những trảng đồi cỏ mọc um tùm, cây ngô, sắn ít có cơ hội bám rễ, vươn mầm.

Nhiệm vụ của HTX là mở rộng diện tích đất canh tác, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Tuy nhiên, do tính công điểm, sử dụng bằng sức người để khai phá đất hoang nên không khuyến khích được tính tự giác, chủ động của hội viên, hiệu quả công việc thấp. Năm 1967, không được tiếp tục trợ cấp lương thực, bản xác định nếu duy trì phương thức quản lý, hoạt động như trên chắc chắn nhiều hộ dân sẽ dời đi như tình trạng chung trên địa bàn huyện thời điểm đó. Bởi vậy, ông Lân cùng với một cán bộ của bản Hoa Lư đề nghị với huyện xin được khoán sản phẩm. Tuy nhiên, ý tưởng đó sớm bị gạt bỏ, trở về ông Lân bàn với Ban Chủ nhiệm HTX tổ chức họp xã viên và quyết định “khoán chui”.

Ông Lân chia sẻ: Biết làm như vậy là sai với quy định, trái chủ trương của huyện nhưng nếu không sớm thay đổi thì không thể phát huy tính tự chủ, truyền thống cần cù, chịu khó, năng động của quê hương Thái Bình. Ngay trong năm đó, năng suất, sản lượng lương thực tăng rõ rệt, nhân dân hăng hái lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Kể cả sau khi hợp nhất với các bản: Nà Khan, Pa Pe, Nà Phát, Tân Bình, Hưng Bình thành HTX Thống Nhất, Ban Chủ nhiệm vẫn luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, vận động xã viên thâm canh tăng từ 1 vụ lúa lên 2 vụ; hộ chăn nuôi trâu thực hiện nuôi nhốt hoặc thả lên bãi chung của bản, hạn chế tình trạng phá hoại hoa màu. An ninh lương thực đảm bảo, bà con yên tâm an cư và bắt đầu lạc nghiệp với việc phát triển nghề phụ truyền thống: làm đậu, nấu rượu, nuôi lợn. Với tinh thần trách nhiệm, giữ đúng lời hứa với Đảng, Nhà nước, vinh dự cá nhân khi rời nơi “chôn nhau cắt rốn” đi thực hiện sứ mệnh cao cả: xây dựng vùng kinh tế mới, 36 hộ dân xã Chi Lăng đã thực sự làm đất lạ hóa quê hương. Để rồi, các thế hệ sau nối tiếp cha ông mở rộng diện tích đất sản xuất; phát triển nghề truyền thống.

Tiên phong trên mọi lĩnh vực

Trong câu chuyện trên đường đưa chúng tôi vào nhà ông Nguyễn Văn Lân, đồng chí Vàng Văn Ngọc - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình Lư khẳng định: Hưng Bình là 1 trong 2 bản có 100% người Thái Bình sinh sống của xã quy tụ toàn diện thế mạnh trên các lĩnh vực. Đó là phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự. Sản xuất lúa, chăn nuôi của Bình Lư phát triển như hiện nay cũng từ sự mạnh dạn chuyển đổi phương thức, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất của người dân Hưng Bình.

Nâng cao sản lượng lương thực, phát huy truyền thống “quê hương 5 tấn”, từ chỉ sản xuất 1 vụ lúa với phương thức canh tác truyền thống gieo, nhổ mạ rồi cấy lúa, cấp ủy, chính quyền bản xây dựng nghị quyết, kế hoạch đạt năng suất 5 tấn lúa/2 vụ/ha. Quy hoạch vùng sản xuất tập trung; xây dựng quy ước chăn thả gia súc; chuyển đổi giống lúa mới cho năng suất cao, thời gian canh tác ngắn; mạnh dạn tìm hiểu, nghiên cứu, cải tiến phương thức gieo trồng lúa.

Ông Lân cho biết: Khởi điểm là chúng tôi thử nghiệm trọc lỗ bỏ hạt giống xuống ruộng, tuy nhiên lúa lên không đều mà vẫn tốn thời gian; sau đó chuyển sang sử dụng cào gỗ bản to, đục rãnh, lỗ nhỏ cho thóc giống lên rồi kéo trên mặt ruộng để hạt xuống theo hàng. Nhà nước cũng có hỗ trợ máy gieo sạ nhưng diện tích ruộng nhỏ, nhiều bờ, tốn công di chuyển. Cuối cùng là san phẳng mặt ruộng và tung hạt giống đều tay. Sau khoảng 1 tháng tiến hành tỉa, dặm. Đồng thời, gieo 2 -3 ngày phun thuốc trừ cỏ (hậu nảy mầm) đã tạo hiệu quả kép: không phải gieo mạ, giảm thời gian cấy, chi phí nhân công làm cỏ lúa mà năng suất tăng cao. Đến nay, năng suất lúa đã đạt 10 tấn/2 vụ lúa/ha, thậm chí có vụ còn đạt cao hơn. Nhiều diện tích thuận nguồn nước, dân bản còn phấn đấu làm 3 vụ (thâm canh thêm cây màu vụ đông).

Nâng cao thu nhập, nhân dân bản Hưng Bình đầu tư xây dựng chuồng kiên cố nuôi lợn, làm đậu, nấu rượu, trồng rau bán ra thị trường và tận dụng phụ phẩm phục vụ chăn nuôi. Chú trọng chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi, đảm bảo chất lượng sản phẩm đậu phụ, rượu thành phẩm. Hưng Bình từng bước khẳng định có nghề trồng trọt, chăn nuôi và nghề phụ phát triển mạnh nhất xã Bình Lư.

Chung sức xây dựng nông thôn mới, Hưng Bình vận động, tuyên truyền, khuyến khích nhân dân hiến đất, góp ngày công làm đường với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. 

Tôi còn nhớ, năm 2012 về thăm bản, trong câu chuyện, tôi được anh Nguyễn Thanh Tiến - Trưởng bản Hưng Bình cho biết: Ngoài vận động dân bản khai thác lợi thế đồng đất, nghề truyền thống từ quê cũ để thực hiện tiêu chí sản xuất, thu nhập, hộ nghèo, chúng tôi chỉ đạo cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu hiến đất mở rộng, nâng cấp đường nội bản. Trước đó, đoạn đường dài 500m cũng 2 lần được bà con chủ động góp tiền mua đá xít thải về rải nâng cao mặt đường. Cùng với vận động, giải thích, đảng viên gương mẫu phá bờ rào, hiến đất và vận động quần chúng đồng tình ủng hộ. Chỉ sau hơn 1 tháng, với sự góp công san gạt mặt bằng của dân bản, đường nội bản rộng 3,5m được bêtông hóa.

Theo lời ông Nguyễn Văn Thơ (73 tuổi), 100% người Thái Bình cùng sinh sống nên tình làng nghĩa xóm được xây dựng bền chặt. Từ khi lập bản đến nay, các hộ dân vẫn giữ thói quen “việc của một nhà là việc chung của bản”, các vấn đề liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của nhân dân đều được đưa ra bàn thảo, thống nhất, đồng thuận thực hiện. Đó cũng là lí do bà con duy trì sản xuất 1 - 2 giống lúa chất lượng cao/cánh đồng; xây dựng và giữ vững “thương hiệu” sản phẩm: đậu, rau Hưng Bình.

Một điều chúng tôi khá ấn tượng ở Hưng Bình là người cao tuổi vẫn tích cực cùng con cháu lao động sản xuất. Ngay cả ông Lân hay ông Thơ, sức khỏe không cho phép kéo cày, vác đất nhưng vẫn ngày ngày chăm bón cho mảnh vườn để có thêm thu nhập từ rau xanh, hoa quả các loại. Ông Lân nói vui: Nếu ở thị trấn, trung tâm xã, người cao tuổi có những thú vui: Lao động cho dẻo dai sức khỏe, để thấy mình vẫn còn hữu ích cho đời. Việc nhà nông không cứ phải ra đồng, chúng tôi tùy theo điều kiện sức khỏe mà chọn việc làm phù hợp.

Trong số 67 hộ dân ở Hưng Bình hiện nay, ngoài canh tác lúa, ngô, cơ bản các hộ đều phát triển nghề chăn nuôi, trồng rau xanh và có tới 30% hộ duy trì nghề phụ nấu rượu, làm đậu phụ; còn 6 hộ nghèo thuộc đối tượng người già neo đơn, ốn đau; hằng năm 80% gia đình đạt danh hiệu văn hóa và bản giữ vững danh hiệu này đã nhiều năm. Với sự nỗ lực, vững tin an cư lạc nghiệp nơi quê mới, nhân dân bản Hưng Bình đã thiết thực góp sức xây dựng thành công xã nông thôn mới Bình Lư cuối năm 2014 và tiếp tục duy trì, nâng cao các tiêu chí bền vững đến hôm nay.

Đổi thay đất nghèo - những người con Thái Bình ở bản Hưng Bình đã minh chứng bằng chính sự mạnh dạn dám nghĩ dám làm; gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, của “quê hương 5 tấn”. Để rồi những nét đẹp đó ngày càng được lan tỏa sâu rộng từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Hoàng Nam

(Báo Lai Châu)

 (Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết về Người Thái Bình, đất Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày