Thứ 7, 16/11/2024, 04:28[GMT+7]

Hành trình làm liệt sĩ

Thứ 2, 29/07/2019 | 09:55:47
2,763 lượt xem
...Bộ hồ sơ có 95 chữ ký đều là những chữ ký thật. Các nhân chứng xác nhận đều là những người thật, 45 con dấu cũng là những con dấu thật. Bố tôi bị địch bắn chết cũng là chết thật... Vậy mà sau 68 năm hy sinh, bố tôi mới được công nhận là liệt sĩ...Trong niềm vui của gia đình, nỗi buồn trong tôi vẫn trào lặng với lòng mong muốn thiết tha đề nghị sớm chỉ đạo cải cách đổi mới thủ tục xác nhận danh phận người có công, chúng ta mới trả được món nợ máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nư

Bà Vũ Thị Thát hai tròng mắt ngấn lệ ngồi cùng mấy chị em ruột, lặng người nghe ông Trần Văn Hòe, xã đội phó người trực tiếp chỉ huy đội du kích xã Thăng Long chiến đấu trong trận càn Trái Quýt kể: Sáng ngày 30/9/1951, mở đầu trận càn địch tới tấp bắn pháo về các làng xóm thuộc xã Thăng Long. Lúc này dân làng hầu hết phải đi sơ tán. Trong đội du kích có trường hợp vợ ông Lương Đức Ân, bụng mang dạ chửa, lại còn một đứa con nhỏ mới hơn một tuổi không biết ra sao. Tôi bảo Lương Đức Ân:
- Cậu tranh thủ lúc ngớt tiếng pháo về qua nhà xem tình hình vợ con thế nào?
Lương Đức Ân mang theo khẩu súng, lội tắt ruộng lúa về nhà. Chừng hơn một giờ đồng hồ quay ra, anh Ân kể lại với chúng tôi:
- Đẩy cửa bước vào nhà, thấy vợ tôi ôm con ngồi nép ở góc giường, tôi bảo, sao mình không đi sơ tán, quân địch càn vào làng đến nơi rồi. Vợ tôi bảo, em đi làm sao được, một nách con nhỏ, bụng lại to. Vợ tôi đang có mang tháng thứ tám. Nghe tiếng pháo nổ rất gần, tôi vội dắt vợ con ra căn hầm tránh đạn đã đào sẵn ở góc vườn. Căn hầm ngập nước tới một phần ba hầm. Tôi bế con cho nhà tôi xuống trước rồi đặt con bé lên vai của vợ để cháu khỏi ướt. Con bé ôm chặt đầu mẹ ngẩng lên nhìn bố rồi khóc thét. Tôi cúi xuống dỗ cháu, vợ tôi bảo: Em có linh cảm chuyến này mình không còn được gặp lại mẹ con em nữa. Nếu chúng càn vào đây, có mệnh hệ gì, mình xin phép đơn vị về cứu mẹ con em nhé, rồi vợ tôi khóc. Tôi bảo em cứ yên tâm, nhưng nhìn vợ ngâm cái bụng chửa dưới nước, đội đứa nhỏ trên cổ, run run, tôi không cầm được nước mắt. Tôi đậy nắp hầm cho vợ con xong, đứng lại bần thần nhìn căn hầm một lát rồi tôi ra đây...

Bà Vũ Thị Thát đưa tay lên chấm mắt, cảm kích nói với mọi người:
- Ông Hòe còn nhớ hơn cả tôi. Lúc ấy tôi nghĩ khi địch càn vào, chúng sẽ bắn chết mẹ con tôi, chứ có ngờ đâu đó lại là lần cuối cùng nhà tôi được gặp lại vợ con. Ông ấy được ẵm đứa con gái của mình mới hơn một tuổi. Còn số phận đứa con trong bụng tôi, ông ấy đâu có biết.

*
*     *

Trận càn Trái Quýt người Pháp gọi là trận càn Mandarin diễn ra từ ngày 30/9 đến ngày mùng 8/10/1951 vô cùng khốc liệt. Quan Pháp huy động tiểu đoàn lính Lê Dương số 3 làm chủ lực tấn công, cùng nhiều đơn vị ngụy quân phối hợp. Chúng hy vọng sẽ bao vây tiêu diệt toàn bộ lực lượng Việt Minh tại vùng đất Tiên Hưng, Duyên Hà.

Sau khi nã pháo, ném bom dọn đường, quân địch từ đường 39 và từ bốt cầu Đình Thượng tràn vào càn quét khu vực Trực Nội, Đúm Nội, Đúm Ngoại và các vùng xung quanh. Đội du kích tập trung của xã Thăng Long được lệnh phối hợp cùng hai đại đội của trung đoàn 42 bộ đội chủ lực hình thành tuyến phòng thủ chiến đấu chống càn. Lính Lê Dương, mội đội quân hung hãn, thiện chiến, vũ khí hiện đại. Nhưng qua trận đánh đầu tiên, chúng phải “gờm” khi gặp đội du kích Thăng Long thoắt ẩn, thoắt hiện, từ trong hệ thống đường hào, kênh mương, bờ ruộng bất ngờ tấn công. Trận càn Trái Quýt ngày càng thảm khốc. Tiểu đoàn lính Lê Dương số 3 cùng quân ngụy vượt qua đồng lúa đánh vào làng. Đội du kích và bộ đội chủ lực xông lên chặn lại. Từ bốt cầu Đình Thượng sát cánh đồng Đình Trung quân Pháp phản kích, bắn trả quyết liệt. Cánh đồng Đình Trung mùa lúa đang trổ bông, đồng ruộng xao xác, khói đạn mờ mịt. Từ đây bọn địch hình thành các mũi tiến quân vào làng. Để chặn địch ở vòng ngoài, từ thôn Cổ Quán đội du kích Thăng Long tiến ra cánh đồng Đình Trung phục kích bắn trả không cho địch vào làng gây tội ác. Bị chặn đánh, quân Pháp tập trung hỏa lực về phía đội du kích mai phục. Cuộc chiến đấu đẫm máu ngày càng khốc liệt. Xác địch bị quân ta bắn chết nằm ngổn ngang. Phía ta, bộ đội, du kích, cả người dân khu vực chống càn bị thương vong, bị chết và bị địch bắt sống cũng khá nhiều.

Ở một mũi đội du kích mai phục chặn đánh địch, còn sống sót hai ông Trần Văn Hợp và Lương Đức Ân người cùng làng Cổ Quán. Phát hiện mục tiêu chỉ có hai du kích, bọn địch vây quanh hòng bắt sống. Chúng từ từ sát lại, kêu gọi hai ông hạ vũ khí đầu hàng. Ông Trần Văn Hoạt và ông Lương Đức Ân xông lên, bắn lại quyết liệt không để chúng bắt sống. Địch xả một loạt đạn trúng người ông Trần Văn Hợp, ông chết tại chỗ. Chúng lao vào bắt sống ông Lương Đức Ân rồi lôi lên bờ ngòi, cắt đầu, hất xác ông xuống sông.

Mẹ tôi bà Vũ Thị Thát kể: Sau trận đánh, xác ông Trần Văn Hợp được mọi người đưa về làng mai táng. Xác ông Lương Đức Ân không thấy đâu. Anh em du kích bạn chiến đấu cùng bố tôi tìm mãi không thấy. Mẹ tôi vẫn kiên trì, ngày ngày bà ra bờ sông, ra cánh đồng Đình Trung nơi xảy ra trận càn tìm thi thể của chồng. Lội hết ruộng này qua ruộng khác, bụng thì to, lúa ngập ngang người, tìm cả tháng trời vẫn không thấy. Cuối năm đó, năm 1951 mẹ tôi viết lá đơn đầu tiên, được chính quyền xã Thăng Long tiếp nhận, lập hồ sơ đề nghị cấp trên xét suy tôn liệt sĩ cho bố tôi. Nhưng vì chưa tìm thấy xác nên hồ sơ để lại xem xét sau. Rồi sau đó xã Thăng Long nơi bố tôi hy sinh chia làm hai xã, nhà mẹ tôi cắt sang xã Minh Tân, mẹ tôi lại làm đơn đề nghị. Có lẽ vì thân xác bố tôi lấp khuất không tìm thấy nên danh phận của ông vẫn chìm trong quá khứ.

Ba mươi năm sau, ngày 20/11/1965 mẹ tôi làm lá đơn thứ 3 gửi UBND xã Minh Tân, gửi phòng Lao động Thương binh huyện Đông Hưng, gửi Sở lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình. Bộ hồ sơ nay vẫn còn lưu tại xã Minh Tân. Đoạn cuối lá đơn mẹ tôi viết: “Trước lúc chết chồng tôi là du kích được xã giao nhiệm vụ chiến đấu chống càn, cả làng, cả xã ai cũng biết. Dù bị mất xác thì cũng vì nhiệm vụ mới phải hy sinh. Tôi viết lá đơn này tha thiết kính mong các cấp xem xét suy tôn liệt sĩ cho chồng tôi...”. Bốn nhân chứng xác nhận trong đơn của mẹ tôi về cái chết của ông Lương Đức Ân:
- Tôi là Nguyễn Văn Huy, 74 tuổi ở xóm 5, xã Minh Tân, Đông Hưng, Thái Bình. Tôi làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã Thăng Long từ năm 1950 đến 1954, chứng nhận ông Lương Đức Ân, thôn Duy Tân, xã Thăng Long, nay là xã Minh Tân, tham gia du kích của xã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 1951, địch mở trận càn Trái Quýt, ông Ân cùng các đội viên du kích chiến đấu rất dũng cảm, không may ông bị địch bắt ở cánh đồng Đình Trung cũ rồi chúng bắn chết. Ngày đó chúng tôi làm hồ sơ suy tôn liệt sĩ cho ông Lương Đức Ân, nhưng khi đó không tìm thấy xác ông, nên chúng tôi để lại giải quyết sau. Nay tôi đề nghị cấp trên xét để ông Ân được hưởng chính sách của Chính phủ... Ngày 23/11/1995, Nguyễn Văn Huy ký tên. UBND xã Minh Tân, huyện Đông Hưng xác nhận chữ ký của ông Nguyễn Văn Huy công dân xã Minh Tân là đúng. Ngày 27/11/1995, Chủ tịch Phạm Thị Gái.

- Tôi là Trần Văn Hòe xã đội phó sau thay ông Hợp làm xã đội trưởng xã Thăng Long. Trong trận càn Trái Quýt chúng tôi phân công đội du kích làm nhiệm vụ chiến đấu chặn quân địch càn vào làng, trong đội du kích có ông Lương Đức Ân. Ông Ân bị địch bắn chết tại khu vực cánh đồng Đình Trung. Căn cứ sự việc như tôi được chứng kiến, đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết theo chính sách nhà nước đã ban hành.

Ngày 21/11/1995, Trần Văn Hòe, ký tên. Bà Phạm Thị Gái, Chủ tịch UBND xã Minh Tân ký xác nhận chữ ký của ông Hòe ngày 22/11/1995.

- Năm 1951, ông Lương Đức Ân tham gia chống càn tại khu vực gần bốt Đình Thượng cùng ông Trần Văn Hợp. Vì hỏa lực địch quá đông, lực lượng ta quá ít nên ông Hợp bị bắn chết tại chỗ, ông Ân bị địch bắt đi không biết chúng bắn chết ở đâu, không tìm thấy xác. Lúc đó tôi là chính trị viên thôn đội thôn Cộng Hòa, xã Thăng Long trực tiếp chỉ huy ông Lương Đức Ân. Biết rõ sự việc trên, tôi viết xác nhận, đề nghị cấp trên xét truy tặng liệt sĩ cho ông Ân theo chính sách của Nhà nước đã ban hành. Ngày 23/11/1995 người làm chứng: Trần Hoạt.

- Tôi là Nguyễn Văn Tư, nguyên xã đội trưởng xã Thăng Long từ năm 1946 đến năm 1950. Thời kỳ này ông Lương Đức Ân tham gia chiến đấu một số trận, khi đó tôi trực tiếp chỉ huy. Tiêu biểu như trận đánh địch ở An Liêm (Cầu Rều). Đặc biệt trận đánh địch ở khu vực chợ Giắng ngày 15/7/1950 ông Ân được phân công vào lấy xác đồng đội ra an táng, ông rất dũng cảm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 1951, trong lúc anh em du kích chống càn, ông Ân bị địch bắn chết, đến nay chưa được hưởng chế độ gì. Tôi xác nhận và đề nghị Nhà nước xét suy tôn liệt sĩ cho ông đỡ thiệt thòi.

Ngày 25/11/1995, người xác nhận ký tên: Nguyễn Văn Tư. Ông Đào Xuân Đại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thăng Long xác nhận chữ ký của ông Nguyễn Văn Tư ngày 26/11/1995.

Do thân xác của bố tôi bọn địch chặt đầu ném xuống sông, không tìm thấy nên văn bản cuộc họp xét suy tôn liệt sĩ của Ủy ban nhân dân xã Minh Tân ngày 9/1/1996 do bà Phạm Thị Gái, Chủ tịch UBND xã làm chủ tọa ký ghi rõ: “Trường hợp ông Lương Đức Ân đề nghị xác minh thêm”. Thế là hồ sơ phải để lại chờ xác minh. Nhưng gần 3 năm trôi qua, chẳng ai xác minh cả. Gia đình tôi nhiều lần lên huyện, lên tỉnh, về xã dò hỏi và đề nghị các cấp xem xét giúp đỡ, nhưng đều không có hiệu quả.

Mẹ tôi buồn lắm, suốt ngày rầu rĩ, ốm đau. Có hôm bà lần ra bờ sông bên cánh đồng cửa đình, nơi bố tôi chiến đấu, thắp hương ngồi khóc: “Ông ơi, ông bỏ đi sống khôn chết thiêng hãy về phù hộ cho mẹ con tôi làm được giấy tờ, thủ tục cho ông. Ông chết là vì dân vì nước mà sao phải khổ thế ông ơi...”. Bao năm trời, ngày đêm suy nghĩ, dằn vặt, buồn chán, thất vọng mẹ tôi lâm bệnh nặng rồi qua đời.

Tôi là con rể, vợ tôi, Lương Thị Cúc, đứa bé bố tôi bế đặt lên vai mẹ tôi ngồi dưới hầm tránh đạn năm 1951. Cô em là Lương Thị Tản, khi bố tôi chết còn nằm trong bụng mẹ, chồng là Phạm Đồng Hòa. Sau khi mẹ tôi mất, chúng tôi tiếp tục làm hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ cho bố. Ngày 10/12/2000 gia đình tôi cùng một số người dân địa phương tìm thấy xác bố tôi (ông Lương Đức Ân) dưới bãi sông bên cánh đồng cửa Đình Trung, thôn Duy Tân, xã Minh Tân. Bộ hài cốt nằm úp, không có đầu, không có gỗ, không có tiểu, đất bọc xung quanh. Nghe tin chúng tôi tìm thấy hài cốt của bố tôi không có đầu, một ông già người cùng thôn với bố tôi ra báo tin, ông nói:
- Năm 1966, ngày đó tôi còn thanh niên, một hôm ra đánh dậm ở khúc sông này, khi nhấc dậm lên, trong dậm có một cái sọ người, sợ quá tôi đổ vội xuống nước rồi vác dậm chạy về làng...
Cái đầu lâu ông già đánh dậm đổ xuống cách bộ hài cốt của bố tôi chừng hơn 10m, cách khu vực đội du kích chiến đấu chống càn chừng 200m. Con sông đang mùa nước cạn, tôi và các con tôi cùng mấy anh em trong họ, chặn từng đoạn sông, tát nước, xúc bùn, xắn đất tìm đầu lâu của bố tôi. Công việc vất vả lắm, nhưng cái đầu lâu là vật chứng quan trọng bổ sung trong hồ sơ xét liệt sĩ của bố nên mọi người ai cũng quyết tâm.

Ngày hôm sau gia đình tôi tổ chức lễ an táng hài cốt cho bố. Đại diện chính quyền đoàn thể, bà con họ tộc, dân làng cùng bạn bè đồng ngũ của anh em chúng tôi về dự ai cũng cảm kích. Trong bài diễn văn của ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Chi bộ xóm 6 có đoạn viết: “Trong trận chiến đấu chống càn tại quê nhà, ông Lương Đức Ân đã bỏ mình hy sinh vì dân làng, vì đất nước. Hôm nay chúng tôi về đây thắp nén nhang kính viếng hương hồn ông và chia buồn cùng gia quyến. Cán bộ nhân dân xóm 6, xã Minh Tân đời đời ghi nhớ sự hy sinh to lớn của ông...”.

Sau buổi lễ an táng, tôi lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh gửi thêm lá đơn trình bày việc đã  tìm thấy hài cốt của bố. Trước đó do không tìm thấy hài cốt nên việc xem xét rất khó khăn. Nhưng suốt hai năm đi lại, một số cán bộ chính sách còn rất trẻ trả lời: Hồ sơ của bác chưa đủ chứng cớ pháp lý. Tôi không hiểu cái chứng cớ pháp lý của người chết trận như thế nào? Cuối tháng 2/2002 tôi lên gặp ông Bùi Quang Hồng, Giám đốc Sở trình bày lại sự việc. Ông Giám đốc Sở nói: “Trường hợp của ông nhà anh và một số trường hợp khác ở xã Minh Tân chúng tôi đã biết, phức tạp lắm. Sở đã cho người về xác minh, hướng dẫn hồ sơ. Khi nào huyện có văn bản gửi lên tỉnh, chúng tôi sẽ xem xét rồi chuyển hồ sơ lên Bộ, gia đình cứ yên tâm”. Những năm sau đó các đời giám đốc tiếp theo, tôi gặp, trình bày cũng trả lời đại loại như thế. Chờ mãi, chờ mãi gia đình tôi nhiều người chán nản, bỏ cuộc, không theo đuổi nữa.

*
*     *

Gần 20 năm sau, năm 2017, những người chiến đấu cùng bố tôi trong trận càn Trái Quýt năm 1951, diện tồn đọng hầu hết đã được suy tôn liệt sĩ. Ngày 27/7/2017, gia đình tôi tiếp tục “hành trình” làm thủ tục hồ sơ cho bố tôi. Vì lương tâm thôi thúc, vì bức xúc quá, gần 66 năm hy sinh mà chưa được xác nhận danh phận. Ông chết vì bệnh tật hay chết vì chiến đấu bị địch bắn.

Đơn đề nghị lần này được các cơ quan chính sách quan tâm hơn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, UBND huyện Đông Hưng cử người về xã Minh Tân dự họp, hướng dẫn lập hồ sơ để trình hội đồng 3 cấp (xã, huyện và tỉnh) xem xét. Rất may bộ hồ sơ mẹ tôi làm 25 năm trước, năm 1995, có 4 nhân chứng xác nhận, đóng dấu đỏ, còn lưu tại huyện và xã Minh Tân làm căn cứ nên có nhiều thuận lợi. Chỉ trong 3 tháng các văn bản giấy tờ đề nghị xét liệt sĩ cho bố tôi ở hai cấp xã và huyện đã cơ bản hoàn tất gồm: Giấy báo tử. Đơn đề nghị của thân nhân liệt sĩ. Giấy xác nhận đề nghị suy tôn liệt sĩ của các nhân chứng. Bản sao lý lịch đảng viên của từng người chứng thực. Biên bản họp lấy ý kiến nhân dân xác nhận người có công tại xã Minh Tân. Biên bản tổng hợp kết quả niêm yết công khai. Biên bản họp hội đồng xác nhận người có công xã Minh Tân. Trích sao lục lịch sử Đảng bộ xã. Biên bản họp ban chỉ đạo xác nhận người có công huyện Đông Hưng... Các văn bản đều 100% nhất trí đề nghị cấp có thẩm quyền xét truy tặng liệt sĩ cho ông Lương Đức Ân. Cuối năm 2017, hồ sơ được chuyển lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình. Cán bộ Sở kiểm tra, nghiên cứu khá kỹ và cẩn trọng. Theo trình tự thủ tục, sau khi thẩm định, nếu đủ chứng cứ pháp lý, Sở sẽ trình lên Ban Chỉ đạo tỉnh xem xét rồi trình lên Bộ quyết định. Trường hợp của bố tôi lãnh đạo Sở cho rằng, một số nội dung trong hồ sơ còn chưa rõ, nên ngày mùng 8/1/2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình làm Công văn số 64/SLĐTBXH-NCC gửi kèm hồ sơ lên xin ý kiến Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho phương án giải quyết. Thế là bộ hồ sơ được gửi lên Bộ, nằm tại Cục Người có công gần 8 tháng để Cục xem xét.

Trăn trở với trường hợp của bố mình, không biết đến bao giờ mới được giải quyết. Tôi tìm đến nhờ một người bạn thân, từng công tác ở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giúp đỡ, tác động thêm. Bạn tôi hiểu rõ hoàn cảnh cái chết tang thương của bố tôi, ông đã cầm bộ hồ sơ (gia đình lưu) đến nhà trình bày với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị mà ông quen biết. Sau khi xem hồ sơ, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị ghi vào góc tờ giấy báo tử: Chuyển đồng chí Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét...

Ngày 23/8/2018, Cục Người có công ra Công văn số 1814/NCC-CS1 gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình ghi rõ: “Hồ sơ ông Lương Đức Ân có thể xem xét xác nhận liệt sĩ theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội”. Để cẩn trọng hơn nữa, ngày 25/9/2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình ra tiếp Công văn số 1474-SLĐTBXH-NCC gửi Công an tỉnh Thái Bình đề nghị tra cứu hồ sơ. Sau khi Công an tỉnh có Công văn số CAT-PA01 trả lời đã xác định không phát hiện thấy thông tin tài liệu liên quan đến ông Lương Đức Ân, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình tiến hành hoàn thiện hồ sơ trình Ban Chỉ đạo xét người có công tỉnh Thái Bình.

Trong bản báo cáo các trường hợp đề nghị xác nhận người có công diện tồn đọng của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tháng 12/2018, phần về bố tôi có đoạn: “Ông Lương Đức Ân đủ điều kiện đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xác nhận liệt sĩ trong trường hợp chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ... theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ”. Hồ sơ tiếp tục được chuyển lên Cục Người có công, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Gần 4 tháng sau, ngày 18/4/2019, gia đình tôi nhận được thông báo phải bổ sung 5 loại giấy tờ còn thiếu. Gồm: Biên bản họp dòng họ và họp gia đình có xác nhận đóng dấu. Biên bản họp Ban Chỉ đạo xác nhận người có công huyện Đông Hưng thiếu 10 chữ ký và con dấu. Bản sao lý lịch đảng viên của ông Lương Đức Lãng em ruột ông Lương Đức Ân. Bản sao lý lịch đảng viên của những người làm chứng hoặc của con những người làm chứng có xác nhận đóng dấu... Chỉ trong một tuần lễ, huyện Đông Hưng, xã Minh Tân và gia đình tôi đã lo đủ các loại giấy tờ trên. Hồ sơ của bố tôi được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình tiếp tục gửi lên Cục Người có công, kèm theo Tờ trình số 19/TTr-UBND ngày 28/1/2019 của UBND tỉnh Thái Bình do bà Nguyễn Thị Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký.

Lần này gia đình tôi ai cũng tin tưởng. Tin vì bộ hồ sơ có 95 chữ ký đều là những chữ ký thật. Các nhân chứng xác nhận đều là những người thật, 45 con dấu cũng là những con dấu thật. Bố tôi bị địch bắn chết cũng là chết thật. Ngày 10/7/2019, ông Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình báo tin: Trường hợp ông Lương Đức Ân bố tôi đã được Chính phủ xác nhận là liệt sĩ. Ông mời tôi ngày 22/7/2019 thay mặt gia đình cùng Sở vào tỉnh Vĩnh Long nhận bằng Tổ quốc ghi công.

Tuy nhiên trong niềm vui của gia đình, nỗi buồn trong tôi vẫn trào lặng. Lương tâm thôi thúc tôi viết lại câu chuyện này. Viết với lòng mong muốn tha thiết, đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cần sớm chỉ đạo cải cách, đổi mới thủ tục xác nhận danh phận người có công. Chỉ có làm tốt việc nhân nghĩa này, chúng ta mới trả được món nợ máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nước, vì dân.

Nhà văn Minh Chuyên

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)