Thứ 7, 23/11/2024, 16:25[GMT+7]

Đứng lên bằng đôi chân khuyết tật

Thứ 2, 05/08/2019 | 08:50:56
2,642 lượt xem
Chiến tranh đã qua đi 44 năm nhưng chất độc da cam/Điôxin vẫn là nỗi ám ảnh của hàng triệu người Việt Nam, để lại di chứng cho nhiều thế hệ. Không cam chịu số phận, bằng ý chí, nghị lực của mình, nhiều nạn nhân chất độc da cam/Điôxin đã vươn lên phát triển kinh tế. Chị Phạm Thị Thái Hồng ở phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình là một trong những người như vậy.

Chị Hồng tư vấn cho khách hàng.

Chị Hồng là con thứ tư trong gia đình có 5 anh chị em. Bị ảnh hưởng của chất độc da cam (CĐDC)/Điôxin từ bố nên ngay từ lúc ra đời Hồng đã bị teo cả hai chân. Mặc dù gia đình đã chạy chữa khắp nơi nhưng càng lớn đôi chân của chị càng teo nhỏ, khác thường, việc đi lại vì thế gặp nhiều khó khăn. Tuổi thơ của Hồng là những ngày tháng đến trường trên đôi vai gầy của cha và mẹ. Chị chia sẻ: Càng lớn tôi càng nhận thức được mình khác các bạn cùng trang lứa nên bản thân rất mặc cảm. Nhưng được sự động viên của gia đình nên tôi quyết tâm không bỏ học. Những lúc không có bố mẹ hỗ trợ, tôi men theo vách tường, vách nhà để đi, cố gắng không để bố mẹ và người thân phải vất vả.

Mặc dù là nạn nhân bị ảnh hưởng gián tiếp bởi CĐDC/Điôxin, sức khỏe yếu nhưng sức học của Hồng rất tốt. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô gái trẻ thi đỗ Đại học Luật Hà Nội và Đại học Ngoại thương Hà Nội. Nhưng do điều kiện sức khỏe và hoàn cảnh gia đình, nhận thấy thị trường kinh tế có sự thay đổi nên chị quyết định về nhà kinh doanh, buôn bán nhỏ. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm tòi qua sách báo, internet cùng với niềm đam mê trang sức từ nhỏ, chị quyết định vay vốn mở cửa hàng trang sức tại nhà. Thời gian đầu, việc lập nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, vắng khách. Chị phải tận dụng tủ kính của gia đình và một số cửa hàng để trưng bày trang sức. Do cả hai chân đều bị khuyết tật, phải chống nạng nên việc đi lại để tìm nguồn hàng cũng là một thách thức không nhỏ. Song được sự giúp đỡ của người thân, bạn bè và ý chí quyết tâm vượt khó, chị Hồng vẫn cố gắng xoay sở. Các sản phẩm của cửa hàng chủ yếu được làm từ vàng, bạc, pha lê, ngọc trai... Ngoài một số mẫu trang sức được lấy từ các cơ sở sản xuất ngoài tỉnh, chị Hồng còn tự thiết kế các mẫu trang sức dựa trên ý tưởng của chính mình. Tiếng lành đồn xa, các sản phẩm của cửa hàng có mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng nên ngày càng được nhiều người ưa chuộng, tìm mua. Chính vì thế, sau hơn 15 năm kinh doanh, gia đình chị đã có “của ăn, của để”. Chị Hồng trải lòng: Để có được ngày hôm nay, gia đình và bạn bè đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Bản thân tôi cũng tự ý thức mình phải vươn lên. Tôi luôn tự nhủ tuy đôi chân không lành lặn nhưng còn đôi tay và khối óc, phải phấn đấu khắc phục khó khăn, vươn lên sống có ích cho gia đình và xã hội.

Ông Cao Trung Thịnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin thành phố Thái Bình cho biết: Là thế hệ thứ hai kế tiếp bị ảnh hưởng bởi CĐDC/Điôxin nhưng chị Hồng đã xóa bỏ mặc cảm, vươn lên làm chủ cuộc sống. Ngoài ra, chị còn tích cực tham gia các hoạt động của câu lạc bộ thanh niên khuyết tật tỉnh, giúp đỡ nhiều người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng.

Thu Hoài