Thứ 2, 18/11/2024, 02:37[GMT+7]

Lời giải cho bài toán quá tải ở bậc học mầm non (Kỳ cuối)

Thứ 6, 09/08/2019 | 09:05:11
1,714 lượt xem
Số lượng các trường, nhóm, lớp mầm non ngoài công lập tăng nhanh khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, với sự vào cuộc của ngành Giáo dục và các địa phương trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiều nhóm, lớp độc lập tư thục đã hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Giờ chào cờ của các cháu Trường Mầm non Quang Trung (thành phố Thái Bình).

Kỳ 3: Cùng vào cuộc, tăng quản lý

Số lượng các trường, nhóm, lớp mầm non ngoài công lập tăng nhanh khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, với sự vào cuộc của ngành Giáo dục và các địa phương trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiều nhóm, lớp độc lập tư thục đã hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, hết năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 56 nhóm, lớp độc lập tư thục đủ điều kiện được cấp phép hoạt động. Hiện nay, tại các huyện, thành phố vẫn còn tồn tại một số nhóm, lớp đang hoạt động nhưng chưa được cấp phép. Theo quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, việc quản lý các nhóm, lớp độc lập tư thục thuộc trách nhiệm UBND xã, phường, thị trấn. 

Ông Trần Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND phường Bồ Xuyên cho biết: Để quản lý tốt các cơ sở trông giữ trẻ tư thục, ngay từ cuối năm 2017, UBND phường đã thành lập tổ kiểm tra về điều kiện nuôi dạy trẻ, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tổ chức ký cam kết với các hộ dân chống bạo hành, ngược đãi, xâm hại trẻ. Bên cạnh đó, hướng dẫn các thủ tục cấp phép hoạt động cho các nhóm trẻ gia đình có từ 7 trẻ trở lên. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện các giải pháp, về cơ bản, các cơ sở và hộ dân bảo đảm tốt việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ, không có tình trạng bạo hành, ngược đãi, xâm hại trẻ. 

Chị Hoàng Thị Thủy, tổ 39, phường Bồ Xuyên chia sẻ: Hai vợ chồng tôi làm tại một công ty ở khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, nhiều hôm đi sớm về muộn trong khi con nhà tôi mới hơn 1 tuổi nên tôi đã chọn gửi cháu ở một lớp trông trẻ trên địa bàn phường. Qua 3 tháng gửi tại đây, tôi thấy khá yên tâm bởi sự tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm của cơ sở. Tôi dự định gửi cháu ở đây đến 3 tuổi rồi xin cho con học ở Trường Mầm non Bồ Xuyên.

Không chỉ ở phường Bồ Xuyên, qua ghi nhận tại một số địa phương tập trung nhiều nhóm trẻ cho thấy những địa phương thực hiện tốt việc quản lý các nhóm, lớp độc lập tư thục là những địa phương luôn thực hiện thường xuyên việc điều tra, nắm bắt thông tin hoạt động của các nhóm, lớp tư thục. Việc quản lý hiệu quả các nhóm, lớp tư thục của chính quyền địa phương cũng giúp phụ huynh yên tâm khi gửi trẻ.

Các cháu nhóm Mầm non Hoa Anh Đào (xã Tân Phong, huyện Vũ Thư) trong giờ học.

Đối với những nhóm trẻ đang gặp khó khăn về mở rộng diện tích để thành lập trường mầm non cũng đang được các địa phương và ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm. 

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Tân Phong (Vũ Thư) - nơi nhóm Mầm non Hoa Anh Đào đang hoạt động chia sẻ: Mặc dù trong nhiều năm qua xã chưa nhận được bất kỳ phản ánh tiêu cực nào về nhóm mầm non này nhưng để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân và sự phát triển công tác giáo dục của xã, xã cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp để thống nhất quy hoạch một diện tích đất phù hợp cho nhóm Mầm non Hoa Anh Đào và cũng yêu cầu chủ nhóm này phải chuẩn bị kinh phí, sẵn sàng chuyển đổi khi hoàn thiện hồ sơ. 

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Trường, qua các lần kiểm tra cho thấy giáo viên của nhóm Mầm non Hoa Anh Đào có trình độ đạt từ trung cấp trở lên, mỗi phòng học được bố trí 2 giáo viên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bếp ăn cơ bản đáp ứng với số lượng học sinh. 

Chị Đồng Thị Hoài Thu, quản lý nhóm Mầm non Hoa Anh Đào chia sẻ: Hàng năm, chúng tôi vẫn tự tổ chức các buổi bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên qua các tài liệu của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện và của các trường đại học sư phạm. Bên cạnh đó, nhóm cũng thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội cho giáo viên vì vậy hầu hết giáo viên tại đây đều gắn bó lâu dài. Vừa qua, chúng tôi đã làm đơn đề nghị xã và huyện cho thành lập trường mầm non song do diện tích hiện nay chưa đáp ứng nên trong thời gian tới bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn chúng tôi sẽ cố gắng chuyển đổi môi trường học tập trong thời gian ngắn nhất.

Ông Hoàng Văn Thiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan quản lý, kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất hoạt động của các cơ sở mầm non, đặc biệt là nhóm, lớp độc lập tư thục, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có biểu hiện, hành vi không chuẩn mực đối với trẻ em. Đồng thời, chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố kịp thời hỗ trợ các trường xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ để phụ huynh yên tâm hơn khi gửi trẻ ở các nơi này. Bên cạnh đó, sẽ triệu tập giáo viên của các nhóm, lớp độc lập tư thục tham gia các buổi tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, cô nuôi. Đối với những nhóm, lớp chưa có giấy phép hoặc đã đủ điều kiện thành lập trường mầm non, Sở cũng sẽ có những hướng dẫn cụ thể để các nhóm này hoàn tất thủ tục để được cấp giấy phép hoạt động và thành lập theo đúng quy định của pháp luật để đi vào hoạt động ổn định, hợp pháp, góp phần vào sự phát triển của ngành học mầm non.

Có thể khẳng định, việc mở các nhóm, lớp độc lập tư thục cũng như đầu tư xây dựng các trường mầm non tư thục là điều rất được khuyến khích theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, để bảo đảm một môi trường giáo dục an toàn cho trẻ thì tất cả các tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ theo các quy định của Nhà nước. Công tác quản lý các nhóm, lớp này cũng cần có sự chung tay vào cuộc của các ngành, địa phương, đặc biệt là sự quan tâm của các bậc phụ huynh.


Đặng Anh

  • Từ khóa