Thứ 2, 25/11/2024, 18:29[GMT+7]

Điểm tựa cho những con tàu vươn khơi

Thứ 5, 15/08/2019 | 09:37:17
2,248 lượt xem
Trong những chuyến ra khơi của bà con ngư dân, lá cờ Tổ quốc là biểu tượng thiêng liêng, cổ vũ, động viên bà con vươn khơi bám biển, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ngư dân xã Nam Thịnh (Tiền Hải) vui mừng khi được nhận cờ Tổ quốc.

Một ngày cuối tháng 7, hơn 100 bà con ngư dân xã biển Nam Thịnh (Tiền Hải) và làng chài Cao Bình, xã Hồng Tiến (Kiến Xương) vui mừng khi nhận được những món quà ý nghĩa từ Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình trong chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. 

Lão ngư Đặng Văn Vị, thôn Quang Thịnh, xã Nam Thịnh đã tròn 45 năm “ăn sóng, nói gió”, quen với mùi biển cả. Ngay khi đón nhận lá cờ Tổ quốc, ông và các thuyền viên vội treo ngay lên cột tàu, chuẩn bị cho chuyến vươn khơi ngày mai. Ông Vị chia sẻ: Lá cờ Tổ quốc phải treo nơi trang trọng nhất cũng chính là nơi cao nhất của tàu. Khi đi biển, giữa mênh mông sóng nước, những con tàu nhấp nhô với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió mà càng thấy gắn bó với biển, gắn bó với nghề. Thấy cờ Tổ quốc là thấy quê hương, xóm làng.

Với mỗi ngư dân, vươn khơi, bám biển chính là cuộc sống, nếu rời biển cũng đồng nghĩa với việc bị cái nghèo đeo bám. Những người dân miền biển đã quen với tay lưới, tay chài, điểm mặt từng loại cá, tôm như người dân canh tác nông nghiệp quen với mỗi giống lúa, ngô, khoai, sắn. Đời nối đời, họ tiếp nối nghề truyền thống của cha ông để khai thác hải sản, nâng cao đời sống gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Với những người dân vùng biển, biển đẹp nhất là khi đoàn tàu nối đuôi nhau rẽ sóng ra khơi. Bởi sau mỗi chuyến vươn khơi “thuận buồm, xuôi gió” mang theo tôm, cá đầy khoang cũng là mang theo giấc mơ của những đứa con của biển. Mỗi con tàu treo một lá cờ Tổ quốc cũng ví như những “cột mốc sống”, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Lá cờ Tổ quốc trở thành “bùa hộ mệnh” cho ngư dân vươn đến với mỗi ngư trường.

Treo cờ Tổ quốc là thể hiện sự hiện diện của ngư dân Việt Nam trên vùng biển Việt Nam.

 “Dù đánh khơi hay đánh lộng, mỗi tàu cá của ngư dân chúng tôi đều phải treo cờ Tổ quốc. Treo cờ là thể hiện sự hiện diện của ngư dân Việt Nam trên vùng biển Việt Nam. Khi hoạn nạn cũng như lúc khó khăn, lá cờ còn là tín hiệu để các phương tiện khác đến hỗ trợ nhau” - ngư dân Vũ Văn Đức, thôn Hợp Châu, xã Nam Thịnh tâm sự. 

Giờ đây, mỗi chuyến vươn khơi của mỗi con tàu không còn đơn lẻ nữa, họ đã biết tập hợp, liên kết nhau lại để thành lập những tổ, đội tàu thuyền tự quản ra khơi khai thác hải sản, hỗ trợ nhau cùng làm ăn trên biển. Mỗi tổ đội tàu thuyền tự quản như là những “xóm, làng” trên biển. Họ cùng chia sẻ cho nhau thông tin về ngư trường, hỗ trợ, giúp đỡ nhau mỗi khi gặp hoạn nạn. Đến nay, ở 14 xã, thị trấn khu vực biên giới biển của tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với địa phương xây dựng, duy trì hoạt động 11 tổ, đội tàu thuyền tự quản với hàng trăm thành viên tham gia. Họ vừa là những ngư dân thực thụ vừa là một chiến sĩ sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo khi Tổ quốc cần.

Ông Nguyễn Văn Lang, đội trưởng đội tàu thuyền tự quản khu 9, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) cho biết: Cùng với tương trợ nhau trong hoạt động khai thác hải sản và cuộc sống hàng ngày, đội tự quản tàu thuyền của chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động như “Tấm lưới nghĩa tình”, “Tủ thuốc nghĩa tình” để động viên nhau cùng vươn khơi, làm giàu từ biển. Ngoài ra, đội cũng tổ chức trao cờ Tổ quốc cho các thành viên, nhất là vào dịp đầu năm, ngày lễ để thay thế cờ cũ. Chúng tôi rất xúc động khi hàng năm đều được địa phương, đơn vị biên phòng và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh ủng hộ phao, thuốc men, cờ. Có thể món quà tuy nhỏ nhưng nó là niềm động viên, an ủi, tạo động lực cho chúng tôi gắn bó với biển quê hương.


Đại tá Trần Xuân Văn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân

Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” do Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân phát động nhằm hiện thực hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển gắn với quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đây cũng là tình cảm, trách nhiệm, nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ hải quân cùng đồng hành, gắn bó với ngư dân. Chương trình được triển khai trong phạm vi toàn quốc, đã và đang nhận được sự chung tay, góp sức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương cũng như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước. Ở Thái Bình, đơn vị kết hợp tặng quà, phổ biến pháp luật và tư vấn, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho ngư dân.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Để tạo điều kiện cho ngư dân bám biển, vươn khơi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực phối hợp với các lực lượng như Bộ đội Biên phòng tỉnh, hải quân, kiểm ngư, hải quan, cảnh sát biển... tổ chức tuyên truyền cho ngư dân khai thác hải sản an toàn, đúng luật gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Để hiện đại hóa ngành thủy sản vào năm 2030, Thái Bình tiếp tục thực hiện các giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, sản xuất và khai thác hiệu quả trên vùng biển xa bờ; đồng thời tổ chức lại sản xuất trong khai thác thủy sản theo hướng giảm số lượng tàu khai thác gần bờ, tăng số lượng tàu khai thác xa bờ; nhân rộng các mô hình tổ, đội đoàn kết, hỗ trợ nhau trên biển, khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản...

Ngư dân Nguyễn Văn Vang, thôn Đồng Lạc, xã Nam Thịnh (Tiền Hải)

Chúng tôi rất trân quý lá cờ Tổ quốc. Mỗi tàu đều có vài lá cờ để thay thế khi cờ bị rách, sờn màu do tác động của thời tiết trên biển. Được nhận lá cờ từ Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân cũng như các món quà thiết thực từ các cơ quan, đơn vị, chúng tôi xin cảm ơn các đơn vị đã tiếp thêm động lực và luôn là điểm tựa của ngư dân trên mỗi hải trình. Là những người được sinh ra và lớn lên ở miền biển, hưởng lợi từ biển, với chúng tôi, bám biển, giữ biển là trách nhiệm với Tổ quốc, với tổ tiên của mình.


Tất Đạt 

  • Từ khóa