Thứ 7, 23/11/2024, 17:29[GMT+7]

Thủy điện dừng phát để lấy nước 'cứu' khát cho Đà Nẵng

Thứ 5, 22/08/2019 | 15:50:02
1,314 lượt xem
Sáng 21-8, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã triệu tập cuộc họp khẩn với các sở, ngành và chủ các nhà máy thủy điện đầu nguồn để bàn phương án khắc phục tình trạng thiếu nước xảy ra nghiêm trọng trên địa bàn những ngày qua.

"Chạy nước" là từ các hộ dân ở một khu chung cư quận Sơn Trà, Đà Nẵng thường dùng trong mấy hôm nay khi nói về cảnh chen chúc hứng nước về sinh hoạt

Nhiều nơi ba ngày không có nước

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, phó giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng, nguồn nước hiện còn lại tại các hồ thủy điện trên thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn cho thấy khó có thể đáp ứng nhu cầu dùng nước của hạ du trong thời gian còn lại của mùa cạn, nếu diễn biến xâm nhập mặn thường xuyên trên 1.000mg/lít tại cửa thu nước Cầu Đỏ, trong khi đó dự báo 10 ngày đến vẫn tiếp tục không có mưa trong khu vực.

Ông Vinh cho biết: "Việc điều tiết nguồn nước còn lại tại các hồ trong giai đoạn hiện nay nếu không hợp lý sẽ làm nhanh chóng cạn kiệt nguồn nước trong hồ, dẫn đến thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng".

Vì vậy, ông Vinh đề nghị thủy điện Đắk Mi 4 phải dừng phát điện, đồng thời vận hành xả nước liên tục về hạ du Vu Gia theo quy trình vận hành liên hồ đã được Thủ tướng ban hành khi độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ trên 1.000mg/lít.

Đối với nhà máy thủy điện A Vương, theo đề xuất thì chỉ huy động phát điện với lưu lượng quy định và đảm bảo giá trị mực nước hồ theo quy định.

Người dân kéo đường ống dẫn nước từ một giếng khoan về nhà mình để phục vụ sinh hoạt 

Trong khi đó, theo ông Hồ Minh Nam - phó tổng giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), từ chiều 19-8 đã xuất hiện tình trạng nước yếu và thiếu tại các khu vực ở cuối nguồn nước của phường Hòa Quý, Khuê Mỹ (Q.Ngũ Hành Sơn); phường An Hải Bắc, Mân Thái, Nại Hiên Đông, Thọ Quang, Phước Mỹ (Q. Sơn Trà), phường Hòa Khánh Bắc (Q.Liên Chiểu), phường Hòa Phát (Q.Cẩm Lệ) và một số xã của huyện Hòa Vang...

Dù Dawaco giảm áp lực và lưu lượng tại khu vực quận Hải Châu và một phần quận Thanh Khê để tăng áp lực cho các quận còn lại, nhưng hiện nhiều khu vực vẫn thiếu nước sinh hoạt nặng nề.

Nhiều tuyến đường người dân trông chờ vào nguồn nước từ các bồn cố định. Tuy nhiên các bồn chứa cũng nhanh chóng hết sạch do nhu cầu dùng quá lớn 

Theo ông Nam, nguyên nhân là việc điều tiết luân phiên bị hạn chế vì nguồn nước thô không đủ, bị thiếu hụt nguồn nước thô khoảng 100.000m3/ngày. Công ty đã vận hành tối đa trạm bơm phòng mặn An Trạch nhưng trữ lượng nước bơm về mỗi ngày chỉ đạt 210.000m3 (nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn thành phố là gần 310.000m3/ngày). 

Vì thế, phải chực chờ ở cửa thu nước thô vào nhà máy nước Cầu Đỏ, hễ độ mặn xuống thấp là lấy nước để bù đắp thêm. Tuy nhiên, trữ lượng nước thô lấy được thiếu nhiều so với bình thường. Do nguồn nước sản xuất ra bị thiếu nên phải cấp vào mạng lưới ở chế độ duy trì vì dồn nước cho một khu vực mà áp lực trong đường ống vẫn không tăng lên được. Vì thế, vẫn phải chờ độ mặn giảm để lấy nước sông Cầu Đỏ sản xuất mới tăng áp và điều độ được

Suốt ba ngày qua, nước thủy cục vẫn chưa về đến nhiều tuyến đường ở phường Thọ Quang và Mân Thái (Q. Sơn Trà). Đến trưa 21-8 người dân ở các phường này vẫn trông chờ vào nguồn nước được cấp từ các bồn cố định. Khu vực xảy ra tình trạng kiệt nước nhiều nhất vẫn là ở hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Do đây là hai khu vực nằm xa nhà máy sản xuất nước nước, lại có nhiều cơ sở dịch vụ, khách sạn.

Không có nước trong đường ống thủy cục, người dân phải xách từng xô nước về giặt áo quần 

"Thủy điện chịu hi sinh"

Tại cuộc họp, đại diện Sở TN-MT TP Đà Nẵng đề nghị các chủ nhà thủy điện Đakmi 4 và An Vương cần chịu khó hi sinh lợi ích doanh nghiệp vì lợi ích của cộng đồng người dân trong bối cảnh TP Đà Nẵng đang thiếu nước. 

Còn ông Đặng Việt Dũng nói: "Nếu thủy điện không xả nước thì đẩy TP rơi vào tình thế rất căng thẳng về nguồn nước sinh hoạt".

Trước đề nghị trên, chủ đầu tư hai nhà máy thủy điện Đakmi 4 và An Vương nói rằng: họ sẵn sàng chia sẻ và sẽ thực hiện ngay việc xả nước như yêu cầu của Đà Nẵng để đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân trong những ngày sắp tới.

Dân chực chờ một hộ có giếng khoan sửa máy bơm để hứng nước sinh hoạt 

Kết luận buổi làm việc, ông Đặng Việt Dũng cho rằng để đủ nước sinh hoạt cho người dân TP sẽ có nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài. Trong đó, yêu cầu Sở TN - MT phối hợp với các đơn vị liên quan, các nhà máy thủy điện chọn thời điểm hợp lý nhất để thủy điện xả nước về và nhà máy nước Cầu Đỏ khai thác hiệu quả nhất. Đồng thời, Sở Xây dựng cần nghiên cứu đưa ra kịch bản về độ nhiễm mặn để có phương án ứng phó hợp lý, khoa học.

Theo ông Phạm Văn Chiến - phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, trong tuần tới, tình hình cũng không khả quan hơn bởi lượng mưa cũng không được cải thiện, chỉ từ 15-30mm. Trừ vài nơi có mưa cục bộ thì nhiều nơi vẫn tiếp tục bị thiếu hụt nguồn nước.

Dân Đà Nẵng phải mua nước bình về dùng vì mất nước thủy cục nhiều ngày qua.

Theo tuoitre.vn 

  • Từ khóa