Thứ 7, 23/11/2024, 16:23[GMT+7]

Nhận diện và giải pháp ngăn chặn "tín dụng đen" (Kỳ 4)

Chủ nhật, 25/08/2019 | 06:39:22
4,034 lượt xem
Mặc dù hoạt động “tín dụng đen” để lại những hệ lụy lớn, gây mất ổn định an ninh trật tự, song để làm rõ hành vi cho vay nặng lãi lại không hề đơn giản. Vì vậy, ngành chức năng cần có giải pháp đồng bộ tăng cường phòng ngừa, đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”.

Lực lượng công an nắm bắt thông tin về hoạt động của các cơ sở hỗ trợ tài chính, kinh doanh cầm đồ

(Tiếp theo và hết)

Kỳ 4: Tăng cường phòng ngừa, đẩy mạnh đấu tranh 

Khó khăn, bất cập

Đại tá Nguyễn Văn Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Tuy đã đạt được những kết quả tích cực, song quá trình đấu tranh với tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, một số ngành chức năng, địa phương chưa phát huy được vai trò quản lý, điều hành trong công tác quản lý nhà nước. Mặc dù hệ thống các tổ chức tín dụng ở địa bàn nào cũng có song chưa đáp ứng hết được nhu cầu vay vốn của các tổ chức, cá nhân. Các mô hình hỗ trợ vay vốn của các tổ chức trong xã hội còn ít, trong khi các tổ chức “tín dụng đen” có thể đáp ứng ngay các khoản vay nóng, ngắn hạn, do đó hoạt động “tín dụng đen” có điều kiện phát triển, gia tăng.

Cùng với đó, hệ thống pháp luật còn nhiều kẽ hở để các đối tượng lợi dụng. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử lý được hành vi cho vay nặng lãi, cơ quan điều tra phải chứng minh được mức lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực này. Tuy nhiên, việc chứng minh được mức lãi suất và khoản tiền thu lợi bất chính gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng thường không thể hiện mức lãi suất cho vay trên giấy tờ vay mà chỉ thỏa thuận miệng với người vay nhưng vẫn thu tiền lãi hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, khấu trừ trực tiếp tiền lãi vào gốc trước khi cho vay hoặc biến tướng dưới dạng hợp đồng, giao dịch dân sự (mua bán tài sản, cho thuê phương tiện…) nên không có tài liệu chứng minh việc vay, cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó, các chế tài xử lý đối với hành vi này chưa tương xứng với mức độ vi phạm, chưa đủ sức răn đe. Theo Luật sư Phạm Văn Hoàng, Văn phòng Luật sư Thái Bình, Đoàn Luật sư Thái Bình: Các hoạt động phạm tội liên quan đến “tín dụng đen” đa số chỉ áp dụng được loại tội danh “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự năm 2015  với khung hình phạt thấp nhất là phạt tiền 50 triệu đồng, phạt tù cao nhất là 3 năm. Với mức xử phạt như vậy là quá nhẹ, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

Ngân hàng Chính sách xã hội đưa vốn chính sách đến với người dân.

Bên cạnh đó, các đối tượng cho vay nặng lãi đa dạng về thành phần, có cả các đối tượng ở nơi khác đến hoạt động, hoạt động không có địa chỉ rõ ràng, hoạt động lưu động; người vay ở nhiều nơi khác nhau, nhiều thành phần khác nhau, do đó gây nhiều khó khăn cho việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ. Người vay thường có tâm lý giấu không dám tố cáo hoặc không hợp tác khai báo với cơ quan công an do lo sợ bị trả thù. Nhiều trường hợp người vay tiền bỏ trốn, cơ quan công an làm việc với gia đình người vay tiền nhưng gia đình không rõ nội dung thỏa thuận vay và cho vay nên rất khó khăn  trong công tác thu thập tài liệu. Chỉ đến khi người vay nợ không còn khả năng chi trả số tiền gốc và tiền lãi đã vay, để xảy ra việc các đối tượng thuộc các công ty cho vay đến đòi nợ bằng cách như cảnh cáo, đe dọa, ném chất bẩn… uy hiếp tinh thần để gây sức ép cho chính người vay hoặc gia đình người vay thì mới trình báo lên cơ quan công an.

Phối hợp tích cực để phòng ngừa, đấu tranh

Theo Đại tá Nguyễn Văn Minh: Đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” không chỉ là trách nhiệm riêng của ngành Công an mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thông chính trị và người dân với giải pháp đồng bộ. Ngành Công an đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh sớm kiến nghị với Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hình sự, dân sự có liên quan, nhất là các quy định xem xét, xử lý hoạt động “tín dụng đen” để bịt kín các kẽ hở không để các đối tượng lợi dụng, hoạt động. Các cấp, các ngành, các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh  tuyên truyền về hành vi, phương thức thủ đoạn hoạt động của đối tượng cho vay nặng lãi đối với bản thân, gia đình và xã hội để nhân dân hiểu rõ bản chất, chiêu trò của “tín dụng đen” để tự phòng ngừa, tự cảnh giác, không mắc bẫy “tín dụng đen”.  Ngành Văn hóa, chính quyền các xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức bóc gỡ các tờ quảng cáo dán trên tường rào, trụ điện, bốt điện…; phát hiện, lập biên bản xử lý hành chính các đối tượng có hành vi quảng cáo, dán các quảng cáo cho vay tiền ở những nơi trên. Ngành Ngân hàng mở rộng diện cho vay, hình thức vay, đơn giản thủ tục cho vay, mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch, tổ tư vấn tại các khu dân cư để giải quyết nhu cầu vay vốn trong nhân dân, nhất là khu vực nông thôn. Ngành Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với các gia đình tăng cường giáo dục, quản lý con em mình để hạn chế vay của “tín dụng đen”. Cùng với đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Công Thương cần siết chặt việc cấp phép kinh doanh loại hình công ty, doanh nghiệp hỗ trợ tài chính, trong đó áp dụng thêm nhiều quy định, yêu cầu, điều kiện chặt chẽ hơn; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra để phòng ngừa hoạt động “tín dụng đen” trá hình gây phức tạp về an ninh trật tự

Về phía Công an tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố tập tập trung rà soát nghiệp vụ, đưa vào diện quản lý các đối tượng có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”; các đối tượng trong các băng, nhóm, công ty hỗ trợ tài chính, cơ sở kinh doanh cầm đồ; mở hồ sơ và thường xuyên tích lũy thông tin tài liệu làm căn cứ đấu tranh, xử lý kiên quyết; xác lập chuyên án đối với các nhóm có biểu hiện lộng hành. Điều tra, khám phá nhanh các vụ việc về an ninh trật tự liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; chủ động điều tra, mở rộng các vụ án để xử lý, truy xét về hành vi cho vay nặng lãi.

“Việc tố cáo tín dụng đen cũng giống như tố giác những tội phạm khác, cơ quan công an luôn sẵn sàng khi được yêu cầu giữ bí mật thân phận và có biện pháp bảo vệ khỏi bị trả thù. Bất cứ ai là nạn nhân của “tín dụng đen” hoặc phát hiện hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng thì có thể trực tiếp báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc gọi điện đến các số điện thoại sau:

- Số khẩn cấp của cảnh sát: 113 hoặc 0692760113

- Đường dây nóng của Công an tỉnh: 0692766886

- Trực ban hình sự Công an tỉnh: 0692760169

- Trực ban công an các huyện, thành phố: Đông Hưng 02273851215; Hưng Hà 02273955556; Kiến Xương 02273821217; Vũ Thư 02273826231; Quỳnh Phụ 02273863212; Thái Thụy 02273853215; Tiền Hải 02273823225;  thành phố Thái Bình 0692760337” - Thượng tá Nhâm Ngọc Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh


Bà Phan Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Bình

 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 23 ngân hàng hoạt động và 85 quỹ tín dụng nhân dân. Các tổ chức tín dụng đã thành lập 8 chi nhánh cấp huyện và khu vực, 91 phòng giao dịch, 48 quỹ tín dụng nhân dân  mở rộng địa bàn sang 72 xã liền kề và 285 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tại các xã, phường, thị trấn. Mạng lưới hoạt động hệ thống ngân hàng cơ bản đáp ứng nhu cầu gửi tiền, vay vốn của người dân. Khi có nhu cầu vay vốn, người dân nên đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố, các huyện…, cụ thể là các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân để được hướng dẫn, tư vấn cụ thể về vay vốn với thời hạn, mức vay, lãi suất cụ thể, rõ ràng. Ngân hàng cho vay thực hiện cho vay theo đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn trong hoạt động, ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội, đồng thời, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân khi thực hiện hoạt động gửi tiền, vay tiền tại ngân hàng.

Ông Hà Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ)

“Tín dụng đen” rất nguy hiểm, để lại những hậu quả xấu, nhất là với bà con nông dân khi mắc nợ “tín dụng đen”. Do vay vốn nhanh, cách tính lãi suất lập lờ khiến cho bà con nhầm tưởng vay tiền của những người ngoài dễ hơn vay của ngân hàng. Vì vậy, Hội Nông dân xã phối hợp tích cực với các đoàn thể tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân không vay vốn “tín dụng đen”; đồng thời phối hợp tích cực với các ngân hàng mở rộng kênh vay vốn, thẩm định, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để giải ngân nguồn vốn nhanh nhất tới bà con và tăng cường giám sát để việc sử dụng đồng vốn hiệu quả.


Nguyễn Hình – Nguyễn Tùng

  • Từ khóa