Chủ nhật, 17/11/2024, 05:42[GMT+7]

Những vần thơ “Tri ân”

Thứ 4, 28/08/2019 | 08:34:37
2,248 lượt xem
Chương trình giao lưu thơ kỷ niệm ngày Thơ lục bát Việt Nam, sơ kết đợt phát động sáng tác về đề tài thương binh, liệt sĩ và những người có công do Câu lạc bộ thơ lục bát Thái Bình và Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh - Minh Chuyên phối hợp tổ chức là một trong những sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thu hút đông đảo văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh tham gia.

Ban tổ chức tiếp nhận tác phẩm của các tác giả từ mọi miền Tổ quốc.

Đây là dịp để những người cầm bút hội tụ, nói lên tiếng lòng, thể hiện sự tri ân với các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng.

Mang đậm ý nghĩa nhân văn và được tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, chương trình đã đón nhận sự tham gia của hơn 150 thi sĩ, những người yêu thi ca đến từ hội văn học nghệ thuật, các câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh, trong đó có sự góp mặt của nhiều nhà thơ như: Hữu Thỉnh, Ánh Tuyết, Bùi Hoàng Tám, Vũ Bá Lễ... Tham gia chương trình, các thi sĩ và những người yêu thơ đã cùng nhau ôn lại truyền thống của ngày Thơ lục bát Việt Nam; sơ kết đợt phát động sáng tác về đề tài thương binh, liệt sĩ và những người có công.


Sau khi phát động, Ban tổ chức đã tiếp nhận 200 bài thơ lục bát, bài bình từ hơn 100 tác giả đến từ các câu lạc bộ thơ như Câu lạc bộ thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng), Thi nhân Hưng Yên (Hưng Yên), Tháp Bút, Văn sĩ chùa Hà, Nhà giáo Bách Khoa, Nhà giáo Hai Bà Trưng, Thi nhân miền cổ tích... Trong các tác giả tham gia sáng tác có nhiều người lính đã đi qua chiến tranh, giáo chức nghỉ hưu và cả những người nông dân trực tiếp tham gia lao động sản xuất.


Chỉ viết về chủ đề “Tri ân” và viết theo thể lục bát song các tác giả đã khai thác được nhiều khía cạnh về chiến tranh, hậu chiến tranh. Mỗi vần thơ được cất lên đầy cảm xúc trong chương trình đã giúp người nghe hiểu hơn về sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ; những thương bệnh binh đã đi qua chiến tranh, trở về cuộc sống đời thường vẫn phát huy tinh thần Bộ đội Cụ Hồ trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp văn minh; sự hy sinh của những người phụ nữ ở hậu phương; nỗi đau da cam; chiến tranh biên giới... Các tác phẩm như những nén tâm nhang tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.


Ở phần giao lưu thơ, các nhà thơ, người yêu thơ đã cùng nhau bộc bạch, tâm sự, chia sẻ về quá trình sáng tác thơ, văn của mình, trong số đó có những nhà thơ đã hơn 80 tuổi và cả nhà thơ trẻ mới ở độ tuổi 30. Để có được tác phẩm hay ra mắt độc giả, mỗi nhà thơ đều phải trăn trở, suy tư, tìm đề tài, nguồn cảm hứng sáng tác... Trong cái riêng có cái chung, dù mỗi người một quan điểm nhưng tựu chung, các văn nghệ sĩ đều mong muốn dùng ngòi bút của mình phản ánh các mặt của đời sống xã hội, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước...


Diễn ra trong một thời gian ngắn song chương trình giống như một diễn đàn để các nhà thơ, người yêu thơ nói lên tiếng nói của mình đồng thời gắn kết những người yêu thi ca trong và ngoài tỉnh, góp phần làm lan tỏa tình yêu thơ lục bát nói riêng và thi ca nói chung.

Nhà thơ Thọ Trúc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ lục bát Thái Bình, Trưởng ban tổ chức chương trình

Mỗi năm hai lần, Câu lạc bộ thơ lục bát Thái Bình đều tổ chức giao lưu, phát động sáng tác thơ vào dịp đầu xuân và ngày Thơ lục bát Việt Nam (6/8 âm lịch). Năm nay, Câu lạc bộ và Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh - Minh Chuyên có cùng ý tưởng nên đã phát động viết về đề tài thương binh, liệt sĩ và những người có công. Dù lần đầu triển khai, phối hợp song đợt phát động đã đạt được kết quả tích cực khi nhiều thi sĩ, người yêu thơ trong và ngoài tỉnh tham gia sáng tác. Từ mạng xã hội, Câu lạc bộ thơ lục bát tỉnh và Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh - Minh Chuyên đã gắn kết được các câu lạc bộ thơ trong và ngoài tỉnh, đưa thành viên các câu lạc bộ đến gần nhau hơn. Tại buổi sơ kết, Ban tổ chức chương trình sẽ lựa chọn 6 tác giả xuất sắc nhất để trao giải, trong đó giải nhất thuộc về một người thương binh đặc biệt. Đây sẽ là tiền đề để chúng tôi tiếp tục phát động sáng tác thơ văn, kịch bản viết về thương binh, liệt sĩ và những người có công, sự đổi mới của quê hương, đất nước... trong thời gian tới.

Nhà thơ Phạm Ngọc Tâm Dung, Trưởng miền cổ tích Hà Nội

Văn nghệ sĩ là những người đại diện cho công chúng, thông qua trang thơ phản ánh được tâm tư tình cảm, sự trân trọng đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công. Đây cũng là trách nhiệm của những người văn nghệ sĩ yêu nước. Về dự chương trình giao lưu thơ kỷ niệm ngày Thơ lục bát Việt Nam, sơ kết đợt phát động sáng tác tôi rất phấn khởi khi được nghe tâm sự, những kinh nghiệm sáng tác của nhiều nhà thơ, người yêu thơ từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ban tổ chức đã giúp những người yêu thơ thêm gắn kết, khơi gợi nguồn cảm hứng để chúng tôi có thể sáng tác cho ra đời nhiều tác phẩm hay gửi tới bạn đọc. Tôi mong rằng sẽ có nhiều những chương trình như thế này trong thời gian tới.

Nhà thơ Vũ Bá Lễ, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm

Tôi đã có những năm tháng lăn lộn ở chiến trường miền Nam. Bởi  vậy, đề tài bộ đội, chiến tranh, thương binh, liệt sĩ và những người có công luôn gợi cho tôi nhiều cảm xúc. Về đời thường chứng kiến nỗi đau mất con, mất chồng của những người mẹ, người vợ khiến tôi vô cùng xúc động. Nỗi đau ấy còn đau hơn vết thương da thịt. Vì thế, khi biết Câu lạc bộ thơ lục bát Thái Bình và Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh - Minh Chuyên phát động viết về chủ đề “tri ân” tôi đã tham gia viết bài thơ “Vết thương”. Tôi rất cảm ơn Ban tổ chức đã tạo điều kiện những người văn nghệ sĩ chúng tôi được nói lên tiếng lòng của mình, được thể hiện sự tri ân với những người đã cống hiến, hy sinh vì dân tộc.


Như Hoàng




  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày