Thứ 4, 27/11/2024, 15:29[GMT+7]

Những chiến sĩ trên mặt trận chống dịch

Thứ 3, 03/09/2019 | 08:42:01
673 lượt xem
Suốt nhiều tháng qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh và lây lan trên diện rộng đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh phải huy động mọi lực lượng tham gia chống dịch, trong đó đội ngũ cán bộ thú y từ tỉnh đến cơ sở ngày đêm bám sát địa bàn, bám sát từng hộ chăn nuôi căng sức chống dịch.

Lực lượng kiểm dịch phun hóa chất khử trùng phương tiện ra vào vùng dịch.

Luôn chuẩn bị sẵn tư trang gồm bộ quần áo bảo hộ, đôi ủng nhựa, đôi gng tay cao su và chiếc khẩu trang, chỉ cần có thông báo đàn vật nuôi phát sinh dịch bệnh là anh Bùi Xuân Trường, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Bình Minh (Kiến Xương) xuống ngay địa bàn. Anh Trường chia sẻ: Bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh, lực lượng thú y mỏng, xã phải huy động toàn bộ nhân viên các ban, ngành, đoàn thể của địa phương tham gia chống dịch. Do tình trạng lợn chết xảy ra trên diện rộng, trong cùng một thời điểm nên đội ngũ chống dịch phải làm việc không ngừng nghỉ, có những hôm tiêu hủy lợn chết xong trở về nhà cũng là lúc đồng hồ điểm 12 giờ đêm. Mặc dù công việc vất vả, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian ở cơ sở nhiều hơn ở nhà nhưng mọi người không quản ngại khó khăn, làm việc hết trách nhiệm với hy vọng bệnh dịch sớm được khống chế, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.

Đối với đội ngũ cán bộ thú y của tỉnh, huyện, khi dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, họ được huy động tối đa tham gia chống dịch, trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, giám sát địa bàn, giám sát khu vực chăn nuôi có nguy cơ cao, trực chốt kiểm dịch... Là một trong những cán bộ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y được phân công tham gia chốt kiểm dịch động vật liên ngành, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra kéo dài bao lâu là từng ấy thời gian anh Trần Cao Cường, chốt trưởng chốt kiểm dịch cầu Hiệp (Quỳnh Phụ) cùng các đồng nghiệp bám sát địa bàn thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý những vi phạm về kiểm dịch vận chuyển động vật ra vào địa bàn tỉnh. Anh Cường cho biết: Chúng tôi được phân công trực chốt kiểm dịch từ cuối tháng 2/2019. Từ lúc mới tham gia trực chốt cho đến nay mọi người làm việc trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, liên tục mưa rét, bây giờ thì nắng nóng kéo dài. Do lực lượng trực chốt đều là cán bộ của tỉnh nên việc đi lại không thuận lợi, cán bộ ở một số điểm trực chốt phải ở nhờ nhà chùa, nhà dân, trạm BOT... nên điều kiện sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Mặc dù phải làm việc 24/24 giờ tất cả các ngày, không có ngày nghỉ nhưng lực lượng trực chốt luôn làm việc với tinh thần cao nhất.

Theo tổng hợp của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tổng số cán bộ thú y cấp tỉnh và các huyện, thành phố hiện có 64 người; cán bộ thú y các xã, phường, thị trấn (trưởng ban chăn nuôi và thú y) có 286 người; đội ngũ thú y viên cơ sở có 698 người. Từ thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh cho thấy nhân lực về thú y còn rất hạn chế so với yêu cầu phát triển sản xuất chăn nuôi. Điển hình, trong thời điểm bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, ngoài việc huy động tối đa lực lượng thú y từ tỉnh đến cơ sở cho công tác phòng, chống dịch, toàn tỉnh còn phải tăng cường cán bộ kỹ thuật từ các đơn vị như Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản..., chưa kể huy động cán bộ chuyên môn từ khối đảng, đoàn thể, đơn vị chuyên môn thuộc huyện ủy, UBND các huyện, thành phố. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp và lây lan, số hộ có lợn ốm chết hàng ngày lớn, lại đồng loạt xảy ra tại nhiều địa phương nên rất khó khăn trong việc bố trí nhân lực kiểm tra, xác minh dịch bệnh, điều tra dịch tễ, tiêu hủy lợn... Lực lượng thú y luôn phải làm việc quá tải trong điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường, môi trường không bảo đảm do lợn chết nhanh bị phân hủy gây ô nhiễm.

Có thể thấy, trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, đội ngũ cán bộ thú y chính là những chiến sĩ thầm lặng luôn tâm huyết, gắn bó với nghề mặc dù công việc gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa được hưởng thù lao xứng đáng. Để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững, hiệu quả, các cơ quan chuyên môn cần thực hiện tốt công tác giám sát, dự báo, phòng, chống dịch bệnh cũng như tham mưu cho tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển sản xuất chăn nuôi. Hệ thống chăn nuôi thú y các cấp cần được củng cố, kiện toàn để bảo đảm hoạt động thông suốt từ tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh đó cũng cần có giải pháp cụ thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đội ngũ thú y cấp xã yên tâm gắn bó lâu dài với công việc; có chính sách bảo đảm quyền lợi, lợi ích, điều kiện vật chất cho đội ngũ thú y cơ sở để lực lượng này hoạt động hiệu quả.

Thanh Huyền

  • Từ khóa