Thứ 5, 14/11/2024, 11:00[GMT+7]

Gạo trắng thành Ô Mễ

Thứ 3, 03/09/2019 | 09:16:06
7,382 lượt xem
Sử cũ ghi nhận công lao Thượng thư Đô Ngự sử Lại Mẫn với triều đình nhà Mạc như sau: “Trong suốt cuộc đời làm đại quan nhà Mạc, Lại Mẫn là người tận tụy, trung thành. Khi về trí sĩ, ông mở trường dạy học cho con em dân nghèo”.

Từ đường dòng tộc họ Lại - nơi thờ Thượng thư Đô Ngự sử Lại Mẫn.

Sử cũ ghi: Cuối triều Mạc suy vi, Thượng thư Đô Ngự sử Lại Mẫn người làng Ô Mễ, tổng Ô Mễ, huyện Vũ Tiên (nay là thôn Ô Mễ 4, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư), đỗ tiến sĩ năm Ất Sửu (1565) niên hiệu Thuần Phúc (1562 - 1565) đời Mạc Mậu Hợp dâng sớ cực lực phản đối về việc hình phạt ngục tụng thì oan uổng hà lạm, phu thuế sưu dịch phiền nhiễu nặng nề, tấu sửa đổi chính sự tệ hại để cứu chữa đau khổ cho dân được sống ổn yên... Mạc Mậu Hợp dẫu cho rằng Lại Mẫn tấu phải, nhưng vẫn không nghe theo.

Gia phả dòng họ Lại, làng Ô Mễ chép: Lại Mẫn tên húy là Nột, tên tự là Mẫn, năm sinh 1539, năm mất không rõ. Lại Mẫn sinh ra ở xứ Thanh, năm 1547 theo cha mẹ từ Thanh Hóa ra Ô Mễ sinh cơ lập nghiệp. Vốn hay chữ từ bé, cậu bé Nột đi đâu cũng mang theo sách để học. Một hôm, trên đường về nhà Nột nhìn thấy quan tri huyện cưỡi ngựa cùng đám tùy tùng từ làng Ô Mễ đi ra, sợ quá cậu bé Nột nép sát vào bụi cây trong tay vẫn cầm cuốn sách. Thấy cậu bé khúm rúm nhưng tay lại cầm Kinh Dịch, quan tri huyện bật cười, dừng ngựa nhìn cậu bé Nột khép nép sau bụi cây. Quan tri huyện ra điều kiện, nếu đối được sẽ cho về nhà, vế đối như sau: “Gạo trắng không giã thành Ô Mễ”. Không ngần ngừ, Nột đối lại: “Đồng đen chẳng luyện vẫn hoàn kim”. Quan tri huyện thấy Nột đối rất chuẩn, tư chất thông minh, có tiền đồ liền nhận Nột làm con nuôi, đưa về huyện đường cho ăn học. Năm Ất Sửu (1565), niên hiệu Thuần Phúc, Lại Mẫn lên kinh đô ứng thí, đỗ tiến sĩ năm 26 tuổi.

Trong “Đại Việt thông sử”, nhà bác học Lê Quý Đôn thế kỷ XVIII chép lại bản tấu sớ của Thượng thư Đô Ngự sử Lại Mẫn trình vua Mạc Mậu Hợp, trong đó có đoạn: “... sự thể hiện nay chính là thời thế cực bĩ. Kỷ cương bỏ bễ mà không chấn hưng, chính sự thối nát mà không tu sửa, trộm cướp hoành hành, giặc mạnh xâm lấn, lòng người nao núng, thế nước lung lay. Như muốn chuyển bĩ thành thái thì phải trên dưới hợp chí đồng tâm mới có thể được. Thế mà nay chỉ trọng trang sức hư văn mà không lo thực sự, trên dưới, trong ngoài đều vẫn theo thói cũ, các sớ tâu của triều thần đều không được xét hoặc chỉ phê như mấy lần trước như thế không gọi là biết tiếp thu lời nói trung thực, người làm quan ở ngoài cầu cạnh, xin xỏ có khi cũng được triệu về kinh đô, như thế không thể gọi là con đường công chính được. Ở các điện, phủ quán, giám, ty, bộ, tư, khoa, nội vệ, tam ty, đô thừa hiến tam ty, hết thảy các tệ lậu chưa cải cách hết. Ngoài ra còn việc trái lẽ, hụi đạo loạn tục khác thường không thể kể xiết... Hạ thần thiết nghĩ, lúc này bệ hạ chính nên thân cận với người hiền, đồng tâm với người phụ tú, tu sửa cải cách chính sách ngõ hầu có thể cứu vãn nguy cơ loạn lạc trước khi phát sinh”. Lời khẩn cầu của quan Thượng thư Đô Ngự sử Lại Mẫn trước nhân tình thế thái và nguy cơ triều Mạc diệt vong đúng là không xa nhưng cũng chẳng làm cho Mạc Mậu Hợp động lòng trắc ẩn. Đại Việt thông sử ghi: “...bản tấu sớ có tới cả ngàn câu của Lại Mẫn, Mạc Mậu Hợp xem xong phê rằng: “Những lời này rất thiết yếu, đáng được thi hành”, nhưng cuối cùng mọi việc vẫn đâu đóng đấy, không được Mạc Mậu Hợp đốc thúc thi hành. Bản tấu sớ còn đụng chạm đến quyền lợi một số cận thần nhà Mạc như Mạc Kính Trực, Vũ Nhân Mậu, Nguyễn Tự Cường... nên đã bị phỉ báng. Lại Mẫn kiên trì dâng bản sớ tiếp theo. Mạc Mậu Hợp trao bản tấu tới đình thần mà không một lời quở trách Lại Mẫn song cũng không vì thế mà truy xét bọn Mạc Kính Trực có nhũng nhiều không... Bản tấu ngàn câu của Thượng thư Đô Ngự sử Lại Mẫn được các sử gia và nhà nghiên cứu cho rằng như một bản tiên tri số phận bi đát của Mạc Mậu Hợp cũng như kết cục bi thảm triều Mạc. Quả nhiên sau đó triều chính nhà Mạc bắt đầu rối ren. Năm Canh Ngọ (1570), sau khi đánh đuổi được anh là Trịnh Cối để giành ngôi chúa, chúa Trịnh Tùng (nhà Lê - Trịnh) liền tìm đủ mọi cách thâu tóm quyền bính về tay mình đồng thời thủ tiêu bất cứ ai có ý định chống đối. Bấy giờ, Thái phó Lê Cập Đệ vừa là chỗ dựa tin cậy của vua Lê Anh Tông lại cũng vừa là kẻ không ưa gì Trịnh Tùng, bởi vậy Trịnh Tùng cố sức gài bẫy để giết cho bằng được Lê Cập Đệ. Năm Nhâm Thân (1572), Lê Cập Đệ mưu giết Trịnh Tùng bị lộ, Lê Cập Đệ liền bị Trịnh Tùng giết chết. Vua Lê Anh Tông sợ hãi đang đêm đem 4 hoàng tử chạy vào thành Nghệ An. Trịnh Tùng đưa ngay hoàng tử thứ năm của vua Lê Anh Tông là Lê Duy Đàm mới 2 tuổi lên ngôi vua, hiệu là Lê Thế Tông. Đại Việt thông sử (Viện Sử học) có chép: “Tiết chế Trịnh Tùng sai Trà quận công Phạm Văn Khoái và bọn Liêm quận công, Vũ quận công đem 3.000 quân bộ và 2 con voi đánh dẹp sông Phố Lai. Ba tướng chia quân đánh các huyện Yên Dũng, Vũ Ninh (Hà Bắc). Bấy giờ Mạc Mậu Hợp bỏ thuyền lên bộ đến chùa ở huyện Phượng Nhãn ẩn tại đấy 11 ngày. Quan quân đến huyện Phượng Nhãn có người thôn dân dẫn đường đưa quan quân vào trong chùa bắt được Mạc Mậu Hợp đem đến dinh quân. Vũ quận công sai người lấy voi chở cùng với hai kỹ nữ về kinh sư dâng tù bêu sống 3 ngày rồi chém ở bến Bồ Đề, mang đầu về hành tại Vạn Lại ở Thanh Hoa, đóng đanh vào hai mắt bỏ ở chợ”. Như vậy, sau hơn mười năm liên tục mở các cuộc tấn công ra Bắc, cuối cùng Trịnh Tùng đã đánh bại được nhà Mạc. Khôi phục được cố đô Thăng Long vào năm 1592.

Rất khó khăn trong việc tìm tài liệu ghi chép về thân thế, sự nghiệp Thượng thư Đô Ngự sử Lại Mẫn, có sử gia cho rằng vì làm quan triều Mạc (nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê) nên khi nhà Mạc sụp đổ (Mạc Mậu Hợp bị chém đầu) thì toàn bộ tàng thư triều chính cũng bị đem ra thiêu thành tro bụi, bởi thế mà những ghi chép về vị quan thanh liêm có nhiều ưu tư với non sông, dân tộc như Lại Mẫn cũng cùng chung số phận bi thảm. Sử cũ ghi nhận công lao Thượng thư Đô Ngự sử Lại Mẫn với triều đình nhà Mạc như sau: “Trong suốt cuộc đời làm đại quan nhà Mạc, Lại Mẫn là người tận tụy, trung thành. Khi về trí sĩ, ông mở trường dạy học cho con em dân nghèo”. Thời gian làm quan nhà Mạc, Lại Mẫn từng đi sứ Trung Quốc. Với tài trí thông minh, đối đáp, ngoại giao mềm mỏng ông được triều đình nhà Minh nể phục, Hoàng đế Trung Hoa đã phong tặng ông danh hiệu “Tiến sĩ Minh triều” và còn được tấn phong “Lưỡng quốc đại khoa”. Là người con ưu tú của dòng tộc, Lại Mẫn đã làm rạng danh tông tổ, từ đường họ Lại ở làng Ô Mễ còn bức đại tự cổ khắc 4 chữ: “Vạn Thế Vĩnh Lại”, nghĩa là ngàn năm sau họ Lại mãi tồn tại.  

Ông Lại Văn Quân, trưởng tộc họ Lại, thôn Ô Mễ 2, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư

Cụ tổ họ Lại chúng tôi là quan Thượng thư Đô Ngự sử Lại Mẫn vốn xuất thân con nhà nghèo nên cụ tôi luôn ý thức giúp đỡ, chở che cho người có thân phận thấp hèn trong xã hội. Sử sách ghi chép rằng cụ Lại Mẫn từng dùng chức vụ hợp pháp của mình trong triều đình để đấu tranh, cứu giúp nhiều thân phận oan khuất. Khi mất, cụ được an táng tại cánh đồng Ô Mễ, triều đình Lê - Trịnh sắc phong “Tử cấm địa”, nghĩa là nơi an táng của đại quan cấm được đụng đến. Hiện nay lăng mộ cụ được con cháu góp công tu sửa, tuy nhiên do nằm giữa cánh đồng lúa nên không có đường vào. Dòng tộc kiến nghị cấp chính quyền xã Tân Phong, huyện Vũ Thư tạo điều kiện để gia tộc xây dựng tuyến đường vào lăng mộ Đại khoa phục vụ nhu cầu khách tham quan, nghiên cứu và các hoạt động lễ hội...

Ông Lại Văn Chuẩn, hậu duệ đời thứ 23 Thượng thư Đô Ngự sử Lại Mẫn, thôn Ô Mễ 2, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư

Từ đường dòng họ Lại ở làng Ô Mễ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, tuy nhiên, từ đường đã xuống cấp. Mới đây con cháu dòng tộc góp công, góp của xây dựng, tôn tạo lại di tích. Tòa bái đường nhìn ra Cừ của làng, một cây cầu cũng mới được tạo dựng tô điểm cho di tích thêm trầm mặc. Ba gian đại bái dài 7,8m, rộng 3,6m được xây bằng gạch nung, cột bê tông cốt thép giả cổ hồi văn 3 đấu.

Ông Lại Mạnh Thắng, trưởng ban tổ chức dòng tộc họ Lại, thôn Thụy Bình, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư

Để phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích cũng như thân thế sự nghiệp của Thượng thư Đô Ngự sử Lại Mẫn với quê hương, đất nước, con cháu dòng tộc họ Lại chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện cho chúng tôi xây dựng con đường vào khu lăng mộ của cụ.


Quang Viện

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày