Chủ nhật, 24/11/2024, 00:17[GMT+7]

Phụ nữ xã Hồng Thái: Giữ lửa nghề truyền thống

Thứ 2, 09/09/2019 | 10:39:00
3,260 lượt xem
Ở làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, xã Hồng Thái (Kiến Xương), dù lúc thăng lúc trầm nhưng những người thợ nói chung, phụ nữ nơi đây nói riêng vẫn cần mẫn theo đuổi nghề truyền thống. Với họ, đó là niềm tự hào, ngoài nhu cầu sinh kế còn hàm ẩn ý nghĩa về cội nguồn.

Cơ sở chạm bạc của gia đình chị Tạ Thị Tươi tạo việc làm cho 15 lao động, doanh thu mỗi năm khoảng 5 tỷ đồng.

Gia đình chị Tạ Thị Tươi, thôn Hữu Bộc đã có 4 đời làm nghề chạm bạc. Tiếp xúc với nghề từ ngày còn nhỏ, chị bắt đầu làm những món đồ đơn giản, rồi dần say mê, gắn bó với các công đoạn để tạo nên những sản phẩm tinh xảo, nghệ thuật. 

Chị Tươi chia sẻ: Chạm bạc Đồng Xâm nổi bật ở độ tinh xảo của các sản phẩm, độc đáo bởi cách thức thể hiện của người thợ tài hoa gửi gắm tình cảm của mình trong mỗi tác phẩm. Đặc biệt, với thủ pháp xử lý sáng - tối, tận dụng đặc tính phản quang của chất liệu bạc, sản phẩm bạc Đồng Xâm đáp ứng được mọi yêu cầu sử dụng đồ chạm bạc của những khách hàng khó tính nhất. Tôi sẽ phát huy những giá trị tốt đẹp mà ông cha để lại, làm ra những bức tranh tinh xảo hơn nữa để nhìn vào một bức tranh người ta sẽ biết ngay đây là sản phẩm của thợ chạm bạc Đồng Xâm.

Chị Tươi mong muốn các cấp, các ngành cùng vào cuộc để chị và những người tâm huyết với nghề chạm bạc truyền thống quảng bá sản phẩm của làng nghề tới nhiều nơi hơn nữa, ra cả nước ngoài.
Cơ sở chạm bạc của gia đình chị Tươi dù đã áp dụng công nghệ hiện đại trong một số công đoạn để giảm sức lao động nhưng chủ yếu vẫn làm thủ công để giữ độ tinh xảo. 

Chị cho biết: Nếu dùng máy ép thì mỗi ngày có thể ra rất nhiều bức tranh nhưng nếu làm thủ công thì mấy người làm vài ngày mới được một bức. Người tiêu dùng nếu không tinh ý sẽ mua phải hàng ép bằng máy nhưng cũng không ít khách về tận Đồng Xâm mua để bảo đảm độ tinh tế của sản phẩm. Hiện nay, cơ sở chạm bạc của gia đình chị đang tạo việc làm cho 15 lao động với thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày công, doanh thu mỗi năm khoảng 5 tỷ đồng.  

Cũng tại thôn Hữu Bộc, chị Lê Hồng Lượm về làm dâu tại làng nghề, gắn bó với nghề 24 năm. Chị cùng gia đình phát triển cơ sở chạm bạc với doanh thu mỗi năm khoảng hơn 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 7 lao động tại cơ sở và hàng chục lao động nhận hàng về làm tại gia đình. 

Chị Phạm Thị Ngoan, xã Trà Giang (Kiến Xương) đang là công nhân tại cơ sở chạm bạc của chị Lượm cho biết: Tôi làm nghề được 8 năm rồi. Không chỉ được truyền dạy nghề, chị Lượm còn tạo việc làm ổn định cho công nhân với thu nhập ổn định, bình quân từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Ở cơ sở có rất nhiều phụ nữ nên dễ chia sẻ với nhau những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống. Tôi mong là có thể gắn bó lâu dài với nghề chạm bạc.

Hiện nay, các cơ sở chạm bạc đều có phụ nữ làm việc, chị em tham gia vào những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, tính kiên trì, cần mẫn và đôi bàn tay tài hoa của người thợ thủ công. Từ việc vẽ mẫu cho sản phẩm mới đến đục, chạm, khắc, tỉa cho từng chi tiết để cảnh vật, con người trở nên mềm mại, sống động trên chất liệu khô cứng, vô tri như bạc, đồng, vàng. 

Chị Trương Thị Kim Mai, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Hồng Thái có 150 hộ làm nghề chạm bạc, trong đó có nhiều hộ do phụ nữ làm chủ, tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động. Thu nhập từ nghề chạm bạc chiếm phần lớn trong tổng giá trị sản xuất của địa phương.

Dù còn có những vất vả, khó khăn hơn so với nam giới, đôi bàn tay trở nên thô ráp khi làm nghề chạm bạc nhưng những người phụ nữ ở Hồng Thái vẫn nguyện gắn bó, giữ gìn tình yêu với nghề nhằm lưu giữ và phát triển nghề truyền thống của cha ông, một nghề đã, đang và sẽ mang lại cho họ cuộc sống ngày càng sung túc, hạnh phúc hơn.


Phương Chi

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày