Thứ 7, 16/11/2024, 05:43[GMT+7]

Cô Năm

Thứ 4, 11/09/2019 | 15:12:34
1,004 lượt xem
Cô Năm có tên khai sinh là Vũ Cẩm Tú. Cẩm Tú sinh ra trong một gia đình nghèo ở xóm Cửa Đình, thôn Nhân Thanh, xã Tiền Phong, huyện Thư Trì, (nay là tổ dân phố số 3, phường Tiền Phong, Thành phố Thái Bình) tỉnh Thái Bình.

Chân dung nữ doanh nhân Vũ Cẩm Tú

Cuộc đời của cô gái xóm Cửa Đình lắm nỗi truân chuyên. Nhà nghèo, lại đông con, Tú là chị cả, sau Tú còn có 4 em:  hai em trai và hai em gái. Vũ Thị Quyên là em út, khi út Quyên cất tiếng khóc chào đời, cũng là lúc mẹ trút hơi thở cuối cùng. Đúng lúc này thì Cẩm Tú sinh con trai đầu lòng. Mẹ mất, cô và cháu cùng bú chung dòng sữa thơm của Cẩm Tú. Vừa cho em và con bú, Cẩm Tú vừa nghĩ lại mối tình duyên của mình với anh Đào Xuân Thu. Dạo đó, cán bộ và thương binh miền Nam tập kết ra Bắc rất đông. Trại thương binh nặng đặt tại Nhân Thanh, vì chưa có lán trại riêng nên tất cả thương binh đều sống trong nhà dân. Trong số những người thương binh nặng ấy có một anh tên là Đào Xuân Thu, chấn thương sọ não (anh Thu mới qua đời ngày 8/8 năm Kỷ Hợi 2019). Đào Xuân Thu là người làng Đập Đá (nay là Thị trấn Đập Đá), huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Anh Thu được an dưỡng ở nhà người hàng xóm, cạnh nhà Cẩm Tú. Khi đó, anh Thu được một bà mẹ ở ngã tư Gia Lễ (Đông Hưng - Thái Bình) nhận làm con nuôi. Anh Thu và Cẩm Tú mến nhau, yêu nhau và nên vợ nên chồng cũng nhờ sự động viên, vun vén của người mẹ nuôi phúc hậu.

Mối tình của cô gái xóm Cửa Đình và chàng thương binh miền Nam tập kết rất nồng hậu và hạnh phúc. Khi mẹ có thai út Quyên cũng là lúc Cẩm Tú có thai người con trai đầu lòng. Mẹ sinh út Quyên và qua đời. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, chồng là thương binh nặng, em và con còn quá nhỏ… một mình Tú tần tảo, làm lụng vất vả để nuôi chồng, nuôi các em và nuôi con. Trời phú cho Cẩm Tú có cái duyên bán hàng và năng khiếu kinh doanh. Cẩm Tú chuyển cả gia đình, đem theo cả 4 em cùng chồng, con đến ngã tư Gia Lễ mở quán bán hàng hoa quả và giải khát. Chắt chiu dành dụm, năng nhặt chặt bị nên cuộc sống của cả nhà cũng tàm tạm ổn. Đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam xum họp một nhà, Đào Xuân Thu nóng lòng muốn về với quê cha đất tổ, Cẩm Tú chiều chồng, lại gồng gánh đưa cả nhà vào Bình Định. Vốn sẵn có duyên với nghề kinh doanh từ tấm bé, đến thị trấn Đập Đá, vợ chồng Tú mở cửa hàng kinh doanh gạo. Người dân thị trấn Đập Đá rất quý vợ chồng cô Năm (Cẩm Tú) vì là chủ cửa hàng lớn nhưng không kênh kiệu, cô rất thương người nghèo và giầu lòng từ thiện. Ai cần gì Cẩm Tú sẵn sàng giúp đỡ. Lòng nhân ái của cô Năm được người dân ca ngợi. Chính vì vậy nên sự nghiệp kinh doanh của vợ chồng Cẩm Tú ngày càng phát đạt, thành công.

Cẩm Tú là người mạnh bạo trong kinh doanh, cô bàn với chồng vay tiền ngân hàng mua xe về kinh doanh vận tải. Từ một xe ban đầu, giờ đây Cẩm Tú đã là  Chủ tịch Tập đoàn vận tải tư nhân An Nhơn với hàng trăm xe vận tải hạng nặng. Vợ chồng người thương binh nặng Đào Xuân Thu và Vũ Cẩm Tú tiếp tục mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực khác, đó là hàng ăn uống giải khát. Ngôi nhà 5 tầng với các tiện nghi hiện đại, các phương tiện đầy đủ mang tên khách sạn Đào Vũ (Đào Xuân Thu – Vũ Cẩm Tú) do Cẩm Tú làm giám đốc, sừng sững nguy nga giữa thị trấn Đập Đá, An Nhơn, Bình Định, nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Tuy cả 5 chị em đều đã là doanh nhân thành đạt; thành đạt nhất là người chị cả, vợ thương binh nặng, nhưng cô Năm - Vũ Cẩm Tú không quên xóm Cửa Đình, làng Nhân Thanh và quê lúa Thái Bình. Mỗi lần về thăm quê hoặc mỗi khi đình Nhân Thanh mở hội, Cô Năm về làng đều phát tâm công đức, tiến cúng đình làng,  khi ít khi nhiều, mỗi lần trên dưới chục triệu đồng. Sổ ghi công đức của đình Nhân Thanh sáng dòng tên của người con gái xóm Cửa Đình- Cô Năm họ Vũ. Cẩm Tú còn dành nhiều triệu đồng hỗ trợ các quỹ khuyến học, khuyến tài, quỹ xây dựng nông thôn mới, tài trợ cho các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ thơ Quê Hương và giúp đỡ những gia đình khó khăn, hoạn nạn, người già, trẻ mồ côi…

Cẩm Tú còn có biệt tài làm thơ, những tập thơ của câu lạc bộ Quê Hương - thành phố Thái Bình in rất nhiều bài thơ của Vũ Cẩm Tú, bài nào cũng hay, bài nào cũng chứa đầy ý ngọc lời vàng. Không ít tác giả thơ Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng… có những bài thơ ca ngợi nữ doanh nhân, nhà thơ Cẩm Tú… 

Trong bài “Quê Hương - tiếp bước mười năm” giới thiệu tập thơ Quê Hương xuất bản năm 2012, nhà giáo Lương Hữu đã viết: “Trước hết ta gặp trong thơ của người thơ Vũ Cẩm Tú, cũng như Vũ Minh Hiến, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ doanh nhân Thái Bình, Vũ Cẩm Tú là giám đốc hai doanh nghiệp lớn, ở nơi có sự cạnh tranh quyết liệt của quy luật kinh doanh; thật bất ngờ thơ của các chị vẫn ấm áp tình người, rất thích chia sẻ ngọt bùi với nhân quần xã hội. Câu thơ mộc mạc, nghĩ sao nói vậy, trải bao vất vả lo toan mới có ngày vinh quang”.  

Đặc biệt Cẩm Tú có giọng hát chèo rất nẩy, uyển chuyển, đúng lối hát chèo truyền thống. Út Quyên cũng có giọng hát chèo mượt mà đằm thắm như chị Tú của Quyên. Hai chị em cùng say sưa múa hát chèo, ca ngợi Đảng - Bác Hồ, ca ngợi quê hương, thì sân đình cũng phải ngả nghiêng theo tiếng hát.

Tiến sỹ Vũ Văn Hùng, cựu giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thái Bình có bài thơ “Cô chủ nhỏ” tặng nhà thơ, doanh nhân Vũ Cẩm Tú như sau: “Con sông nho nhỏ chiếc cầu tre / Nơi ấy ngày xưa cái vó bè/ Cô bé ngây thơ mà khối chuyện/ Em đùa tôi bảo “nhớ cưng nghe”/ Rời ghế nhà trường tôi kiếm việc/ Em rồi cũng lớn, phải xa quê/ Bạn bè ngày ấy nơi thôn dã / Bà chủ tiếng em đến tận quê./ Xã mình nay đã thành đường phố/ Tối tối điện soi lối ngõ về/ Những việc ở quê em vẫn nhớ/ Tuy là bà chủ, chẳng quên quê”.

CAO BÁ KHOÁT

(Tự Tân- Vũ Thư)

(Bài dự thi Đất Thái Bình, Người Thái Bình)

  • Từ khóa