Thứ 6, 15/11/2024, 05:07[GMT+7]

Nâng cao giá trị nông sản nhờ xây dựng nhãn hiệu tập thể

Thứ 6, 20/09/2019 | 10:21:34
1,926 lượt xem
Quan tâm xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu tập thể đã và đang mang lại nhiều tác động tích cực, góp phần nâng cao giá trị cho các mặt hàng nông sản. Sản phẩm mắm cáy Hồng Tiến (Kiến Xương) là một minh chứng điển hình.

Chất lượng mắm cáy được kiểm soát chặt chẽ trước khi cung ứng ra thị trường.

Là thành viên của HTX Kinh doanh dịch vụ thủy sản xã Hồng Tiến, gia đình ông Hoàng Văn Phiệt, thôn Nam Hòa, xã Hồng Tiến có 3,5ha vùng bãi trồng cói để khai thác cáy, tôm, cá, rươi với thu nhập đạt 300 triệu đồng/năm, trong đó cáy là đối tượng mang lại thu nhập chính. 

Ông Phiệt cho biết: Mỗi tháng gia đình tôi khai thác khoảng 2 tạ cáy, một nửa trong số đó được dùng làm mắm, phần còn lại bán cho thương lái. Trước đây, mắm cáy được gia đình tôi sản xuất với quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình và người dân quanh vùng. Từ khi nhãn hiệu mắm cáy Hồng Tiến được công nhận và bảo hộ, dưới sự điều hành của HTX, quy mô và sản lượng mắm cáy của gia đình tôi sản xuất đã tăng lên đáng kể. Trung bình hàng tháng, gia đình tôi tiêu thụ hết 1 tạ cáy để làm ra 120 lít mắm cáy. Toàn bộ mắm cáy được HTX bao tiêu, giá thành cũng tăng từ 120.000 đồng/lít lên 200.000 đồng/lít.

Ông Phạm Quang Hiệu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hồng Tiến có khoảng 8km bờ bãi ở phía tả ngạn sông Hồng Hà 2, là vùng đất giao thoa giữa nước mặn và nước ngọt tạo ra nguồn nước lợ. Nơi đây được xem là môi trường lý tưởng để loài cáy sinh sống và phát triển. Với 100ha vùng bãi, trong đó có trên 60ha có thể khai thác cáy, cá; tận dụng được thuận lợi này, người dân đã khai thác và chế biến con cáy thành mắm và tạo ra được vị mắm cáy đặc trưng thơm ngon của vùng đất nơi đây. 

Nghề làm mắm cáy của người dân Hồng Tiến tính đến nay đã gần 8 thế hệ trải qua công việc này. Trung bình mỗi năm, người dân khai thác trên 100 tấn cáy, trong đó 20% sản lượng được sử dụng làm mắm cáy, còn lại bán với các mục đích khác. Tháng 12/2017, sản phẩm mắm cáy Hồng Tiến được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể. Đây được xem là bước ngoặt lớn đối với sản phẩm truyền thống của địa phương bởi thị trường tiêu thụ được mở rộng ra cả nước, thậm chí ra nước ngoài; quy mô, tính chất sản xuất chuyên nghiệp hơn. 

Để phát triển nhãn hiệu mắm cáy Hồng Tiến, UBND xã đã giao HTX Kinh doanh dịch vụ thủy sản là đơn vị quản lý nhãn hiệu kiểm soát chặt chẽ số lượng, chất lượng mắm cáy mang nhãn hiệu cung ứng ra thị trường bằng việc định kỳ kiểm tra nồng độ đạm, nồng độ mặn, giám sát quy trình sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ở các hộ thành viên tham gia sản xuất.

Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ thủy sản xã Hồng Tiến cho biết: Chúng tôi xác định việc xây dựng nhãn hiệu tập thể là việc làm khó nhưng việc bảo vệ và phát triển nhãn hiệu này lại càng khó hơn, do đó công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường được HTX đặt lên hàng đầu. Mắm cáy chỉ với 2 nguyên liệu là cáy và muối biển nên để bảo đảm độ đạm cao, mùi vị đặc trưng, HTX tuyên truyền tới thành viên từ bỏ thói quen khai thác theo kiểu tận thu mà sử dụng nguyên liệu có chọn lọc. Cáy để làm mắm là những con cáy khỏe mạnh, tươi ngon, với trọng lượng khoảng 200 con/kg vì lúc đó nó có độ đạm cao nhất. Muối biển sau khi mua về cũng phải bảo quản từ 6 - 8 tháng mới có thể sử dụng để làm mắm vì khi ấy muối sẽ không còn độ chát. Ngoài ra, để bảo tồn nguồn cáy tự nhiên, trong các tháng 2, 3, 8 âm lịch là thời điểm cáy sinh sản cần dừng mọi hoạt động khai thác. HTX hiện có 11 thành viên tham gia sản xuất mắm cáy, đây đều là những hộ có kinh nghiệm trong làm mắm cáy, quy mô sản xuất lớn và ổn định; quan trọng nhất là các hộ đều nhận thức được tầm quan trọng của nhãn hiệu tập thể từ đó nâng cao trách nhiệm trong sản xuất. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất khoảng trên 10.000 lít. 

Ngoài đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các hội chợ, triển lãm, HTX đã đầu tư in nhãn mác, hệ thống mã vạch truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm. Mắm cáy Hồng Tiến được đóng gói bằng chai thủy tinh, chai nhựa với 4 dung tích khác nhau tạo thuận tiện cho người tiêu dùng, bao bì mang nhãn hiệu tập thể với giá bán 200.000 đồng/lít, trong khi mắm cáy cùng loại không có bao bì mang nhãn hiệu tập thể chỉ có giá khoảng 120.000 - 160.000 đồng/lít.

Việc mắm cáy Hồng Tiến được Nhà nước bảo hộ là điều kiện cần để người dân địa phương phát huy khả năng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất chuyên nghiệp, ổn định và bền vững hơn theo đúng quy trình để nâng cao chất lượng sản phẩm, xác định được tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường, từ đó hiệu quả kinh tế và thu nhập tăng từ 20 - 30% so với trước. 

Nghề làm mắm cáy đang tạo ra cơ hội phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân Hồng Tiến.

Ngân Huyền

  • Từ khóa