Thứ 7, 16/11/2024, 06:53[GMT+7]

Nắm đất làng Nguyễn

Thứ 6, 11/10/2019 | 10:36:36
2,797 lượt xem
Hình như với Chính, má là linh hồn, là chỗ tựa, là nơi trút mọi niềm vui, nỗi buồn! Các anh lãnh đạo quận Phú Nhuận giới thiệu vắn tắt với chúng tôi như thế, rồi bảo: “Kỳ tích của Chính từng làm “rung động” Sài Gòn những năm 1945-1949 có công rất lớn của má. Người bất chấp mọi hiểm nguy đến mức sẵn sàng chia sẻ cả cái chết với đứa con nuôi”.

Tượng đài du kích làng Nguyễn - niềm tự hào của Nguyên Xá. Ảnh minh họa

Người má ấy là Nguyễn Bạch Tuyết Hương, sinh sống tại ấp Trung Nhất (nay là phường 15) quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Gia đình theo đạo Thiên chúa giáo, nên má còn có tên gọi là má Giáo. Thoáng nhìn, má có dáng khắc khổ, lam lũ, nhưng vẻ mặt lại rất phúc hậu, hiền lành. Người con nuôi của má là Nguyễn Đình Chính, quê ở làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, tỉnh Thái Bình.

Năm Chính 15 tuổi, thấy cháu thông minh, khuôn mặt  rạng ngời, tính cách khác lạ, người dì của Chính liền khuyên: “Lớn lên cháu đừng làm  quan. Làm quan, hay đục khoét của dân nên thất đức lắm. Chỉ nên làm lính, làm tướng giết giặc để cho dân nhờ”. Lời khuyên của người dì đã vô tình nhen nhúm ngọn lửa yêu  nước và khát vọng trong lòng cậu bé. Tháng 4 năm 1944, cậu bé Chính tròn 18 tuổi. Chính từ giã gia đình lên đường vào Sài Gòn. Sau ít ngày làm thợ, anh bí mật ra nhập mặt trận Việt Minh. Nhờ gan dạ, mưu trí và dủng cảm lập công trong gần hai năm thử thách, chiến đấu, Chính được cử làm trưởng ban công tác 1. Đây là một trong những tổ chức tiền thân của biệt động thành Sài Gòn sau này. Ban công tác 1 hoạt động bao trùm Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định lên tận Thủ Đức, Hóc Môn. Từ đây, Chính được giới thiệu đến gặp gia đình má Giáo - một cơ sở tin cậy ở quận Phú Nhuận. Lần đầu tiên gặp má, má mới ngoài 40 tuổi. Nhìn khuôn mặt nhân hậu với ánh mắt đầy tình thương, Chính có linh cảm đây là một con người anh hoàn toàn có thể tin, gửi gắm cả sinh mạng của mình. Có hậu phương “ẩn náu” nương tựa, Chính yên tâm lắm. Ban công tác 1 do anh chỉ huy chỉ trong 6 tháng đã đánh địch 57 trận, làm náo động quân giặc giữa trung tâm Sài Gòn. Chủ yếu tấn công bất ngờ bằng súng ngắn, lựu đạn, dao nhọn, địa lôi... tiêu diệt hàng trăm tên địch trong Sở Liêm phóng Catinat, trong dinh Đô đốc Angenlien và nhiều tên Việt gian như chủ bút các tờ báo phản động mật thám, lính kín, ác ôn, chỉ điểm... Những trận đánh này vang động, xôn xao khắp thành phố, gây khiếp đảm cho bọn đầu sỏ Pháp Việt ở Sài Gòn.

Một hôm nhìn Chính quần áo tơi tả, mặt mũi sưng tím, người bơ phờ, má Giáo cảm động nói:

- Con đã vì nhân dân Sài Gòn mà chẳng tiếc thân mình, thì cớ gì lại tiếc tình mẫu tử của má với con. Từ nay, má xin nhận con là con của má...

Chính nghẹn ngào, nước mắt tràn ra, ôm má Giáo khóc. Má có hai người con đẻ, anh cả đi hoạt động cách mạng. Ở bên má chỉ còn em Lê Quang Trọng còn nhỏ. Má hiểu, người con nuôi tội nghiệp cũng chỉ còn mẹ và hai em ở tận Thái Bình, nơi vừa trải qua trận đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945, nhiều làng chết gần sạch, khiến Chính đau xót, không hay mẹ và em sống chết ra sao? Má Giáo thay mẹ đẻ chăm lo, săn sóc, bù đắp những tình cảm thiếu hụt cho Chính. Tạo cho anh một mái gia đình ấm cúng. Nuôi anh, may vá, sắm sửa, an ủi động viên anh những lúc ốm đau, hoạn nạn. Từ đó, Chính tìm được ở ấp Trung Nhứt, Phú Nhuận một quê hương thứ hai yêu dấu và ở đấy anh có một người mẹ thương yêu. Người mẹ ấy tiếp sức và nâng bước cho anh liên tiếp đi tới những chiến công tưởng như huyền thoại. Và cũng chính bầu nhiệt huyết ở anh đã truyền sức mạnh sang má. Hình như có sự cảm hóa vô hình nào đó, má nuôi Chính trong nội thành để có cớ cho anh hoạt động. Rồi má tự nguyện làm giao liên đường dài cho ban, mang thư từ, báo cáo từ nội thành ra khu bộ, nhận công văn, tài liệu từ chiến khu vào thành. Công việc má đảm trách rất cẩn trọng và chu đáo. Vừa làm giao liên, má vừa lo chạy chợ kiếm tiền nuôi các con, nuôi một số anh em bạn của Chính trong ban công tác 1 thường xuyên lui tới cơ sở nhà má. Có má Giáo hỗ trợ, Chính tiếp tục chỉ huy những trận đánh thọc sâu, táo bạo gây nhiều tổn thất cho quân địch trong thành phố. Anh Nguyễn Diệu, nguyên đại tá, chỉ huy cấp trên của Chính, hiện là cựu chiến binh quận Phú Nhuận kể lại: một trận Ban công tác của Chính được giao nhiệm vụ tiêu diệt một ổ phản động do tên Nguyễn Hiển cầm đầu từng gây nhiều tội ác cho cách mạng. Chính nghĩ ra một kế, đóng giả những người trí thức thân Pháp. Chính và hai chiến sĩ đóng bộ rất oách, mặc com lê thắt cà vạt, đầu chải bóng loáng, đeo kính, xách cặp tỏ vẻ lịch sự qua mấy vọng gác vào gặp bọn này. Cuộc “giao tiếp” chỉ trong dăm phút, bằng những lưỡi dao găm mau lẹ, tổ “trí thức” giả danh của Chính đã “làm thịt” gọn cả 10 tên ác ôn. Địch hoang mang lo sợ. Bị liên tục tổn hại, màng lưới địch tung ra lùng sục, vây ráp ngày càng siết chặt. Từ đó các chiến sĩ ban công tác 1 lần lượt sa vào tay chúng. Riêng Chính vẫn thoắt ẩn, thoắt hiện, vẫy vùng giữa chốn đô thành. Anh tiếp tục luồn sâu vào các hang ổ ngóc ngách cắt đầu nhiều tên phản động khét tiếng. Bọn địch ngày càng khiếp vía gọi là “Con hùm xám Việt Minh”. Bọn mật thám Sài Gòn treo giải rất cao, thưởng 10 lạng vàng cho ai lấy được đầu Chính. Má Giáo lo cho Chính, mất ăn, mất ngủ. Còn những tên trùm đầu gấu ráo riết săn lùng đầu Chính rất hăng. Nhưng khi giáp mặt nhau, chúng lại kiềng nể anh và hầu hết đều bị anh cảm hóa. Chính dùng ngay bọn này để thăm dò nội tình địch và nảy phương kế kháng địch. Từ đó, nhân dân thành phố gọi Chính là “Người hùng của bóng tối”. Các trận đánh “thần kỳ” kế tiếp của anh được người ta thâu dệt rằng anh có phép “xuất quỷ nhập thần”. Thực ra, Chính chỉ mưu trí, táo bạo, ứng xử mau lẹ mà thôi. Nhưng rồi cuộc đời chinh chiến đầy nhiệt huyết của anh trong “bóng tối” đã khép lại. Trưa ngày 26/2/1947, vì quá thương xót, quyến luyến với một em bé giao liên bị trúng đạn, Chính cõng em từ chiến khu về cấp cứu ở Phú Nhuận, chẳng may anh sa vào ổ phục kích của địch.

*

*        *

Thương Chính, ngày đầu má Giáo chỉ khóc. Má biếng ăn, mất ngủ, người xọm lại. Vừa làm lụng vất vả vẫn ngày hai lần đều đặn tới nhà lao thăm và tiếp tế cho Chính. Nhìn thân hình Chính gầy đét, bầm tím, đi không vững, lòng má đau thắt. Lo tiền chạy chọt cho Chính ra không xong, má Giáo nảy ý cứu Chính vượt ngục. Khi mang thức ăn vào nhà lao, chờ tên lính gác ra xa, má Giáo khẽ nói với Chính:

 - Con ráng ăn cho khỏe, má sẽ có cách cứu con ra khỏi nơi này! Chính lắc đầu:

- Nguy hiểm lắm, lộ, bọn chúng sẽ giết má.

Má Giáo bảo:

- Nếu đổi được mạng má để cứu con, má cũng đổi.

Ra về, má Giáo lặng lẽ chuẩn bị công việc cho Chính vượt ngục. Nhận được hình lỗ khóa còng chân Chính gửi ra, má Giáo thuê làm một cái chìa y hệt, rồi kẹp giữa hai miếng thịt bì bò ướp hành tỏi chiên gửi vào. Không kết quả, ít lâu sau, đúng vào dịp lễ Noel, má Giáo lại kiếm 2 lưỡi cưa sắt dài hơn gang tay để cưa song cửa và còng sắt. Má nhét hai lưỡi cưa vào bụng một pho tượng đức mẹ, rồi gửi vào cho Chính. Tên gác ngục người Pháp ngập ngừng nhìn má và vặn hỏi lý do gửi tượng, má trả lời:

- Tôi là người công giáo, tôi mong con tôi sớm tỉnh ngộ, từ bỏ Việt Minh, nên nhờ ông đưa giúp bức tượng mẹ vào để mỗi khi nó suy ngẫm, có đức mẹ khuyên răn và che chở cho nó! Tên lính gác đăm đắm nhìn bức tượng đức mẹ, rồi khẽ gật. Nhưng hai lưỡi cưa đều bất lực.

Gia đình má Giáo rất nghèo. Nhưng má cố gắng xoay chạy, vay mượn tiếp tế cho Chính. Nuôi Chính trong tù, má nuôi luôn cả người tù giam cùng phòng với Chính là Vidalin người Pháp. Một lần má mua món súp gà và thịt thỏ sốt vang còn nóng hổi, gửi vào cho Vidalin. Anh ta vừa ăn, vừa nghẹn ngào khóc, nói với Chính: “Sao anh có một người mẹ vĩ đại như vậy?”

Xoay xở cho Chính vượt ngục không xong, má Giáo phải lánh tạm ra khu bộ gần 2 tháng để tránh bọn địch lần tìm. Còn Chính, cuối tháng 7 năm ấy (1948) bị chúng đày ra Côn Đảo. Ở đảo, Chính gặp một người bạn chiến đấu tri kỷ cũng bị tù, tên là Ngọc Sớm. Gặp nhau, hai người quyết chí tìm cách vượt biển. Sớm bảo: “Muốn vượt được phải đóng bè gỗ, may buồm vải, chuẩn bị lương khô, kiếm đâu ra tiền”. Đang băn khoăn, Chính bảo: “Mình có người má nuôi ở Phú Nhuận sẵn sàng giúp việc này”. Theo sự căn dặn của Chính, má Giáo ráo riết lo toan. Trong lúc người con đẻ của má là Trọng đang ốm kịch liệt ở bệnh viện, má Giáo vừa vay mượn, vừa bớt tiền thuốc được 5000 đồng tiền Đông Dương gửi cho Chính. Má nhét từng tờ giấy 100 đồng vào trong các hộp thuốc đánh răng, và khúc lạp sườn, đóng thùng, gửi như gửi quà ra đảo bằng đường bưu điện công khai. Chính nhận đủ cả. Nhưng đôi bạn Chính và Sớm đang háo hức chuẩn bị vượt biển, thì đột ngột chúng có lệnh đưa Chính trở lại khám lớn Sài Gòn để ra “hầu tòa”.

Được sự tiếp sức của má Giáo và sự giúp đỡ của đồng đội, trong những ngày ở nhà lao, Chính đấu tranh mạnh mẽ quyết liệt. Lòng tốt cùng sức mạnh của người má nuôi truyền sang bầu nhiệt huyết của Chính biến thành sức mạnh phi thường trước kẻ thù. Người ta ví tên thẩm vấn khét tiếng Còbadin với Chính là hai con “hùm xám” đối đầu ở hai chiến tuyến. Những trận tra tấn tử tù trong xà lim, két xô, hầm đá, từ ngục trần gian Côn Đảo đến hầm xay lúa khám lớn Sài Gòn vẫn không đánh gục được mầm sống cách mạng trong anh.

Lời lẽ phản kháng hùng biện và sự lỳ đòn của Chính khiến bọn địch nhiều lần phải dùng chiếc hàm thiếc khóa miệng anh lại, không cho anh ra rả tố cáo chúng. Ngày 18-5-1948, bọn địch đưa Nguyễn Đình Chính ra xử tại tòa đại hình Sài Gòn và thắt vào cổ anh tấm thẻ bài tử hình. Chính giật tấm thẻ bài giơ lên cao và dõng dạc đọc câu nổi tiếng của thi hào Cornelle: “Chết cho Tổ quốc là một số phận đẹp nhất, đáng ham muốn nhất”, bọn địch tròn mắt nhìn anh.

Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của dân chúng và tiếng tăm lừng lẫy của “người hùng bóng tối”, sáu tháng sau, ngày 19 tháng 11 năm 1948 buộc địch phải đưa anh ra xử công khai tại một phiên tòa khác, tòa đại hình Sài Gòn. Trước ngày ra tòa, Chính viết một bản điều trần dài 6 trang rồi đọc thuộc lòng. Bản điều trần có đoạn viết: “Khi tham gia những hành động chống trả mà các ngài định nghĩa là phiến loạn. Không, chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ của một người dân đối với đất nước mình - một đất nước đang bị các ngài xâm lược. Các ngài đừng lừa phỉnh, dụ dỗ. Bất kỳ trong hoàn cảnh nào, tôi cũng sống xứng đáng với danh dự của một người cách mạng Việt Nam. Giá còn được tự do, chẳng một chút ngần ngại, tôi lại lao vào cuộc chiến đấu hăng say gấp bội lần”... Trước tòa, lời lẽ đanh thép của Chính biến bản điều trần thành bản cáo trạng, đánh một đòn mãnh liệt vào bọn thực dân, làm nức lòng nhân dân thành phố.

Lĩnh xong bản án tử hình lần thứ 2, bước ra cổng pháp đình, mọi người vây quanh Chính, lặng lẽ rơi nước mắt, ai cũng muốn nhìn rõ mặt người chiến sĩ quả cảm lần cuối cùng. Ngược lại những giọt nước mắt, anh đáp lại mọi người bằng những nụ cười rất tươi. Có người bảo: “Thôi, cớ gì anh ấy phải chết, thì xin anh cho một nụ cười”. Khi về tới khám lớn, tên chúa ngục người Pháp ra tận cổng đón Chính và nói: “Từ xưa tới nay, khám lớn này chưa bao giờ đón một người tù bị hai lần tử hình như ông”.

Từ đó cuộc sống của Chính chỉ còn thu hẹp trong 4 bức tường âm u, giá lạnh của căn hầm tử hình 18A ở khám lớn. Nguyện vọng tha thiết của anh trước lúc vĩnh biệt cõi đời, anh rất mong được ngắm nhìn chân dung tấm ảnh Bác Hồ lần cuối. Và mong muốn được ai đó chụp một bức ảnh đang ngồi dưới tấm hình của Bác ngay trong khám tử hình. Trong quyển nhật kí của mình Chính viết: “Đã gần hai năm sống trong các nhà lao của địch, chúng tôi chưa một lần được ngắm ảnh Bác Hồ. Mỗi khi nhớ, chỉ tưởng tượng, hình dung ra, rồi kể cho nhau nghe về Bác. Mỗi lần bước vào hầm tra tấn, nhớ tới Bác, nhớ tới người má nuôi, là mọi đau đớn, tôi đều vượt được. Nhưng lần này cái chết đang gấp gáp xích lại tôi, ngày ra pháp trường đang rút ngắn. Giá được ngắm nhìn tấm hình của Bác lúc này thì sung sướng biết bao. Tôi biết, mong muốn của mình chỉ có thể thoả mãn trong ảo tưởng. Vì chụp ảnh dưới chân dung Bác Hồ trong khám tử hình là việc làm xưa nay chưa ai dám làm. Tôi muốn nhờ má, nhưng lại thương má, lỡ má sa vào tay địch. Mấy lần định nói với má mà không đành. Nhưng rồi nguyện vọng của tôi trỗi dậy không cưỡng được, tôi đã “dắt má” vào sự mạo hiểm...”

Hôm ấy, má Giáo vào tiếp tế như thường lệ. Thừa lúc vắng tên cảnh sát theo dõi tù, Chính đã bảy tỏ ước vọng của mình với má. Má Giáo đăm chiêu nghe, rồi bảo:

- Đúng ! Việc con muốn xưa nay chưa ai dám làm.

Má im lặng nhìn Chính mà lòng nghẹn ngào. Nghĩa tử là nghĩa tận, nghĩ vậy, má không nỡ từ chối ước mong của người con đã xả thân vì nước.

- Con cứ yên tâm nghe. Má sẽ cố gắng, sẽ tìm cách...

Thấy má cứng rắn nhận lời, Chính khóc và nói qua song sắt:

- Má đã sẵn sàng đổi mạng để cứu con sống. Nay má lại vì con mà sẵn sàng gánh chịu. Có chết con cũng không báo được được công má, má ơi!

Sau nhiều đêm trằn trọc, không ngủ, má Giáo đã nghĩ ra một cách. Ảnh Bác Hồ má nhờ cô Phẩm, chiến sỹ ban công tác 1, người yêu của Chính về chiến khu lấy, rồi phóng to, lồng khung, má gửi vào trót lọt. Còn người chụp ảnh, má nhờ anh lính Chà (người Ấn Độ). Trong những người gác ngục tử tù, anh lính Chà mặt không dằn dữ, tính không khắt khe như bọn đồng nghiệp. Anh ta có vợ người Việt ở đường Lagrađiere, nay là đường Lê Thánh Tông. Má đánh liều đến gặp hai vợ chồng và nhờ cô vợ thuyết phục. Lúc đầu vợ chồng đều kinh hãi, từ chối. Nhưng rồi má lót tiền và cố nài nỉ, cuối cùng, anh lính Chà nhận lời. Nhận máy ảnh từ má Giáo, anh giấu trong cà mèn cơm, vào hầm tử hình bấm lén gần hết cuộn phim. Má Giáo chọn một kiểu nét nhất, rửa, phóng to, lại nhờ anh lính Chà bí mật đem vào cho Chính. Đó là tấm hình Chính nằm nghiêng (vì chân trái tra trong còng sắt) mặc quần cộc, mình trần, khuỷu tay trái chống xuống sàn, tay phải cầm cây viết, đặt trên tờ giấy, cạnh chiếc đèn dầu, đầu ngẩng cao, gương mặt tươi trẻ, mãn nguyện. Bên trên vách hầm chỗ Chính nằm có treo tấm hình bán thân của Bác. Nhận được ảnh, Chính mừng lắm. Anh liền trích máu ở các đầu ngón tay, viết một bức thư gửi Hồ Chủ Tịch, kín mặt sau tấm ảnh gửi ra ngoài.

“Kính tặng Hồ Chủ Tịch.

Thưa cha !

Đây là một cảnh âm cung trên dương thế con chụp được gởi kính tặng cha, công bố cho thế giới thấy bằng cớ xâm lăng của nước Pháp mới.

Lần thứ nhất chúng kết án tử hình con vào 19 tháng 5 năm 1947. Con sống trong cảnh này đến ngày 19 tháng 5 năm 1948, chúng đưa con ra trước “công lý xâm lăng” lần thứ 2, tặng thêm cho con một án tử hình nữa. Con vẫn cười và đọc bản điều trần đưa cái “công lý xâm lăng” của chúng ra ánh sáng. Kết luận, con tuyên bố trước mặt chúng: “Tôi rất sung sướng và lấy làm vinh hạnh được chết cho nước tôi. Chúng tôi tin nước Việt Nam sẽ độc lập”. Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm.

Cuối thư đề: Hầm tử hình 18A, khám lớn Sài Gòn 22-5-1948 Nguyễn Đình Chính."

Tấm ảnh này sau được ông Huỳnh Văn Đỉnh trong đoàn cán bộ miền Nam ra Bắc chuyển đến tận tay Bác Hồ. Trong một cuốn hồi ký có đoạn ông Đỉnh viết: “Chúng tôi kể với Bác về khát vọng của người tử tù với bức ảnh và tấm lòng người má nuôi anh Nguyễn Đình Chính. Bác xúc động lắm. Vừa nghe, Bác vừa đưa khăn lên chấm nước mắt và bảo: những người như má Giáo, như chú Chính thật xứng đáng là những người con của thành đồng Tổ quốc”. Sau đó, bức ảnh được chuyển qua nhiều hội nghị ở chiến khu Việt Bắc và được đăng trên báo Cứu quốc. Tấm ảnh vô giá này hiện đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Viết xong bức thư gửi Hồ Chủ Tịch, Chính viết tiếp một lá thư gửi ra thăm má Giáo, một đoạn thư viết:

Kính gửi Nguyễn Bạch Tuyết Hương !

Thưa má ! Con lấy máu viết bức huyết thư gởi lại người cha già, còn dư con viết thêm vài hàng thăm má. Chỉ còn ít thời gian nữa là con không còn được gặp má. Má đừng buồn nhé. Đời người ai cũng chết một lần. Chết như con, con thiết tưởng má phải cười lên mới đúng đấy. Trong lúc Quốc gia hữu sự, con có chết trên giường bệnh mới đáng buồn thôi...”.

Sáng ngày 9 tháng 2 năm 1949, má Giáo đang thu xếp mang đồ tiếp tế vào khám, thì một chiếc xe zíp nhà binh ập đến trước cửa nhà má trong cư xá đường Võ Tánh Phú Nhuận. Một viên trung úy Pháp cao dong dỏng bước vội vào nhà. Đã nhiều lần địch đến bố ráp khám xét nhà má vì chuyện dính líu với Chính, má sợ lần này chúng đến trói má dong đi. Nhưng thái độ viên sỹ quan Pháp không hung hăng như các lần trước, mà lại rất nhã nhặn, đưa tay chào má theo quân cách, rồi nói:

- Thưa bà ! Bà là mẹ ông Nguyễn Đình Chính?

 (Má nhờ một người biết tiếng Pháp dịch lại)

 - Phải, tôi là mẹ của Nguyễn Đình Chính

Viên sỹ quan tiếp:

- Tôi mới ở pháp trường về, nơi vừa bắn chết con bà. Tôi không cùng chí hướng, nhưng tôi rất kính phục ông ấy đã bảo vệ danh dự Tổ quốc mình tới lúc chết mà không một lời than vãn. Con bà đã viết thư và nhờ tôi mang về cho bà. Lá thư của ông ấy đây.

Mặc dù biết trước cái chết của Chính sẽ đến, song nghe viên trung úy Pháp báo tin, má Giáo phải cố sức, mới đứng vững. Khi đỡ lá thư, má lảo đảo rồi khụy xuống, vật ra. Tờ thư Chính gởi má Giáo viết bằng nét chữ Thán, vững vàng, phóng khoáng.

Khám Chí Hòa 6 giờ ngày 9 tháng 2 năm 1949.

 “Thưa má Giáo ! Sau lúc con viết thư này cho má thì con phải hành hình. Con vẫn sung sướng không một chút ân hận gì. Chỉ tiếc chưa báo đáp được công lao của má, con đã phải ra đi. Xin má thứ lỗi cho con. Con gởi lời về đẻ con và hai em con ở trang sau nhờ má mang ra Thái Bình giúp con nghe!”

Dòng thư gửi người mẹ ở làng Nguyên Xá huyện Đông Hưng viết:

“Thưa mẹ ! Con viết thư này vĩnh biệt mẹ, để rồi 20 phút sau con trút linh hồn. Mẹ đừng lo mẹ nghe. Những năm qua con xa mẹ, nhưng má nuôi con thương con như mẹ. Con biết con ra đi là thất hiếu với mẹ. Mẹ tha tội cho con mẹ nhé...”

*

*        *

Sau ngày miền Nam giải phóng, đầu năm 1976 nhờ một bài báo viết về Nguyễn Đình Chính đăng trên báo Phụ nữ Việt Nam, quê hương Nguyên Xá mới biết những kỳ tích anh hùng của người con quê hương mình được một người mẹ miền Nam nuôi dưỡng tiếp sức. Xã đã quyết định cử người cô của Chính vào Sài Gòn đưa giấy mời và đón má Giáo ra Thái Bình để gia đình và quê hương tạ ơn người mẹ đã nuôi đứa con của quê nhà. Mùa xuân năm ấy, má Giáo ra Thái Bình, về Nguyên Xá ăn một cái tết với gia đình người con nuôi. Má đã trao tất cả những kỷ vật và thư từ của Chính cho gia đình cùng địa phương. Đồng chí Bí thư Đảng ủy Nguyên Xá xúc động nói khi đón tiếp má Giáo:

- Anh Chính xa mẹ đẻ, nhưng lại có một người mẹ nuôi như má, thật là hiếm có. Chỉ riêng nuôi anh gần hai năm ở tù, má sẵn sàng chia sẻ cả cái chết với đứa con nuôi. Tình nghĩa cao cả ấy không gì có thể bù đắp nổi.

Đồng chí Bí thư chân tình nói tiếp:

 - Bây giờ má già rồi, xin mời má ở đây. Quê hương Nguyên Xá có trách nhiệm báo đáp, phụng dưỡng má suốt đời.

Má Giáo cảm động ứa nước mắt, mấy hôm sau thì má về Nam. Quà cáp, tiền nong của dân làng, của xã tặng má, mà đều không nhận. Má chỉ xin một nắm đất của làng Nguyễn rồi gói vào cái túi ni lông mang đi. Dân làng không ai hiểu má gói đất đi làm gì.

Tháng 12 năm 1994, tôi vinh dự được cùng đoàn đại biểu quê hương Nguyên Xá vào dự lễ tuyên dương truy tặng danh hiệu Anh hùng cho liệt sỹ Nguyễn Đình Chính tại thành phố Hồ Chí Minh. Tới thăm gia đình má Giáo, má đã về già, em Lê Quang Trọng kể cho chúng tôi về chuyến má Giáo từ Thái Bình vào. Hôm ấy, má cùng em Trọng ra thắp hương Chính. Má giở nắm đất ra, đặt lên mộ, tay chắp, miệng lẩm bẩm: “Má vừa ra quê đẻ con. Đẻ con không còn nữa. Nhưng dân làng rất ân tình đón tiếp má. Theo lời con nhắn gởi, má đã trao những kỷ vật của con cho gia đình. Còn nắm đất đây, má mang từ làng Nguyễn vào cho con. Vì khi còn sống con thường ước mong bao giờ hết giặc, sẽ ra thăm đẻ, thăm quê. Nhưng con không kịp ra. Nắm đất này coi như tình quê hương luôn ở bên con...

Năm 1993 một trường học ở quận Phú Nhuận được khánh thành đã mang tên trường Nguyễn Đình Chính. Hai năm sau, 1995 Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định đổi tên đường Minh Mạng thành đường Nguyễn Đình Chính.Con đường mang tên người con của quê hương Thái Bình. Điều đó chứng tỏ hành động anh hùng của anh vẫn sống mãi trong lòng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Bất giác tôi nhớ tới lời thơ sâu sắc, chứa chan tình ý của nhà thơ Maxime Goorki: Không có mặt trời thì hoa không nở. Không có mẹ hiền, chẳng có anh hùng, chẳng có thi nhân.


                                                            Ngày 2 tháng 10 năm 2019
                                                                       Minh Chuyên

Tác phẩm dự thi người Thái Bình  - đất Thái Bình

  • Từ khóa