Chủ nhật, 24/11/2024, 15:47[GMT+7]

“Làm theo phong cách dân vận của Bác Hồ”

Thứ 7, 12/10/2019 | 06:32:01
2,938 lượt xem
Đây là chủ đề của buổi Tọa đàm do Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức chiều 11/10 nhân kỷ niệm các ngày truyền thống các ngành xây dựng Đảng, Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, 70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các đại biểu thảo luận tại Tọa đàm

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS. TS Phạm Quang Thao, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương nhấn mạnh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định tầm quan trọng của công tác dân vận. Công tác dân vận đặc biệt ở chỗ vừa là nội dung, nhiệm vụ, vừa là một phương thức không thể thiếu đối với sự lãnh đạo của Đảng. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, coi trọng công tác dân vận. Trong tác phẩm “Dân vận”, Người viết “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Những năm qua, trong công tác xây dựng Đảng nói chung và công tác dân vận, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên hội viên và cả hệ thống chính trị. Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cùng các cấp ủy nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác dân vận của Đảng bộ Khối đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, cũng như những tác động đến toàn xã hội. Vì vậy, Đảng ủy Khối đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao nhận thức, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban chấp hành các đoàn thể, đặc biệt là của người đứng đầu, vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người lao động đối với công tác dân vận. Công tác dân vận của cơ quan nhà nước được quan tâm, thúc đẩy, trong đó tập trung vào việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý tài chính, tài sản, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động). Công cuộc cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước và chất lượng tham mưu chủ trương, chính sách hợp lòng dân đã có nhiều tiến bộ.

Học tập tư tưởng, phong cách, phương pháp dân vận của Bác Hồ, nhiều cơ quan Trung ương đã chú trọng cải tiến lề lối làm việc cho khoa học hơn, thường xuyên sửa đổi theo hướng dân chủ hoá, công khai hoá; đạo đức công vụ được quan tâm xây dựng, góp phần vào việc chống quan liêu, hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân.

Thực tiễn công tác dân vận trong suốt 70 năm qua cho thấy, tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực sự là kim chỉ nam cho công tác dân vận của Đảng và cả hệ thống chính trị.

Dù các cấp ủy, tổ chức đảng của Đảng bộ Khối đã có nhiều cố gắng và đạt - những kết quả tích cực, nhưng việc vận dụng tư tưởng, phong cách, phương pháp dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào việc vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan Trung ương nói chung còn có những hạn chế nhất định; vẫn còn không ít trường hợp cán bộ, công chức, viên chức chưa vận dụng kết quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện không tốt hoặc vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp. Nhiều nơi cải cách hành chính gặp khó khăn, việc thực hiện dân chủ hoá, công khai hoá, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí còn mang tính hình thức, do vậy hạn chế kết quả nâng cao năng lực quản lý nhà nước...

Đồng chí Phạm Quang Thao nhấn mạnh, Tọa đàm là hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm các ngày truyền thống các ngành xây dựng Đảng, 89 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2019), 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, đặc biệt là 70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (15/10/1949 - 15/10/2019).

Hình ảnh tại Tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, góp phần làm sâu sắc thêm giá trị lý luận của tác phẩm “Dân vận” và thực tiễn việc vận dụng phương pháp dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc thực hiện công tác dân vận trong các cơ quan, đơn vị ở Trung ương. Qua đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác dân vận ở cơ quan, đơn vị. Các đại biểu cũng nêu lên những kết quả thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” tại các cơ quan, đơn vị.

Nhiều ý kiến đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, góp phần vào việc cải cách thủ tục hành chính, tham mưu ban hành các chủ trương, chính sách hợp lòng dân. Đồng thời cũng nêu lên những vấn đề đặt ra trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác dân vận của cơ quan, đơn vị.

Theo đồng chí Nguyễn Thế Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương, năm 2019, tròn 70 năm Bác Hồ viết tác phẩm “Dân vận”. Đây là tác phẩm có ý nghĩa rất to lớn trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Tác phẩm ngắn gọn, súc tích với 4 mục lớn: Nước ta là nước dân chủ; Dân vận là gì?; Ai phụ trách dân vận?; Dân vận phải thế nào?. Bác đặt ra yêu cầu rất cao đối với đội ngũ cán bộ phụ trách dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Bác căn dặn cán bộ phụ trách dân vận “không chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” nghĩa là khắc phục bệnh quan liêu, giấy tờ, xa dân, không tôn trọng dân, không quan tâm giải quyết những bức xúc, đề xuất, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác thường xuyên giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, cán bộ phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo….

Cũng chính vì tầm vóc to lớn của tác phẩm “Dân vận”, Trung ương Đảng đã lấy ngày 15/10 là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và là ngày Dân vận của cả  nước. 70 năm trôi qua, nhưng tác phẩm “Dân vận” của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, mãi mãi là kim chỉ nam cho công tác dân vận của Đảng để chúng ta học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện./.

Theo: dangcongsan.vn

  • Từ khóa